Quay số visa H1-B và cạnh tranh khốc liệt cơ hội ở lại Mỹ sau tốt nghiệp

(Dân trí) - Du học sinh sau khi tốt nghiệp bậc đại học trở lên muốn có cơ hội ở lại làm việc tại Mỹ phải có visa H1-B. Bài viết chia sẻ thông tin về việc quay số H1-B Visa cho các bạn du học sinh tốt nghiệp tại Mỹ và được công ty bảo trợ để có visa đi làm sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về cuộc cạnh tranh căng thẳng và có phần may mắn này!

Dưới đây là bài chia sẻ từ kỹ sư người Việt tại Mỹ Khoa Trần - Kỹ sư Phát triển tự động hóa, bộ phận Nghiên cứu và Phát triển ở công ty Voith Digital Solutions (trụ sở bang North Carolina, Mỹ) về visa H1-B.

Visa H-1B là gì?

Chương trình H-1B visa cho phép các doanh nghiệp Mỹ bảo lãnh cho những lao động nước ngoài làm công việc chuyên môn đến Mỹ để làm việc.

Các công việc chuyên môn là các công việc đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật hoặc lý thuyết trong những lĩnh vực chuyên ngành nhất định như kỹ thuật, khoa học, lập trình máy tính và luật.

H-1B Visa là visa “Không định cư”. Những người giữ visa “Không định cư” chỉ có thể ở lại Mỹ trong một khoảng thời gian có hạn. H-1B được đưa ra cho giai đoạn tối đa là 6 năm. Trong những trường hợp nhất định, các cá nhân có thể gia hạn trên mức tối đa 6 năm.

H-1B Visa nhằm mục đích để người lao động có thể tạm thời vào Mỹ bằng H-1B visa trong khi nộp hồ sơ xin thường trú bằng loại visa khác và thu hút chuyên viên từ khắp nơi trên thế giới đến làm việc trong những ngành đang phát triển nhanh tại nước Mỹ mà thị trường lao động không đáp ứng kịp so với tốc độ tăng trưởng.

Quay số visa H1-B và cạnh tranh khốc liệt cơ hội ở lại Mỹ sau tốt nghiệp - 1

H-1B visa là visa “không định cư”.

Quá trình quay số

Tổng cộng có 85.000 hồ sơ được chọn mỗi năm qua hình thức chọn ngẫu nhiên được làm bởi máy tính. Trong đó bao gồm 20.000 hồ sơ dành cho bằng cấp cao (Thạc sĩ trở lên) thường được gọi là Masters Cap. Sở Nhập tịch và Di trú Hoa Kỳ (USCIS) sẽ quay số cho nhóm này trước.

Những hồ sơ không được chọn sẽ được quay lại cho nhóm 65.000 còn lại. Nói cách khác, nhóm Master Cap sẽ có 2 cơ hội quay số cho 2 nhóm. Theo USCIS, nếu nộp hồ sơ với bằng Master thì sẽ có thêm 16% cơ hội so với bằng cử nhân.

Nhóm 65.000 này được gọi là H1B bình thường (Regular H1-B Cap) dành cho các hồ sơ không thuộc nhóm Master Cap. Trong đó có 6.800 chỗ được dành riêng ra cho Singapore và Chile. Vậy nên nếu du học sinh từ các nước này sẽ tự động được chọn nếu lượng hồ sơ không trên 6,800. Nếu vượt qua thì những người không được chọn sẽ cùng tham gia quay số.

Tuy nhiên, nếu bạn được máy chọn không có nghĩa là bạn sẽ được chắc chắn có Working Visa H1-B. Những hồ sơ này sẽ được kiểm tra kỹ càng xem có đầy đủ, thuyết phục hay không. Quá trình này đôi khi đòi hỏi cần thêm bằng chứng từ bên công ty bạn đang làm.

Hạn cuối nộp hồ sơ là vào ngày 1/4 hàng năm, thường mất 1 tuần để máy tính chọn đủ số lượng để đưa vào xét duyệt. Trong năm 2019, có 201.011 hồ sơ nộp vào.

Vào ngày 5/4/2019, USCIS đã tuyên bố họ đã chọn đủ số hồ sơ cần thiết để xét duyệt. Kết quả sẽ có trước đầu tháng 10. Những hồ sơ đăng ký với dịch vụ trả tiền "Premium Process" sẽ biết kết quả sớm, vào tầm tháng 6.

Một chút thông tin bổ sung, để được xét trong diện H1-B Master Cap, các bạn buộc phải thỏa mãn vài điều kiện. Yêu cầu theo nguyên mẫu tiếng Anh như sau:

1/ U.S. based institution

2/ Public or non-profit in nature

3/ Has been accredited by a nationally recognized accrediting agency

Cái thứ nhất có nghĩa là trường tại Mỹ. Cái thứ 2 nghĩa là chỉ chấp nhận trường công lập hoặc trường không chạy theo lợi nhuận. Cái thứ 3 nghĩa là trường được cấp chứng chỉ bảo đảm chất lượng bởi 1 cơ quan quốc gia. Do vậy, các bạn cần chú ý khi chọn trường học bậc thạc sĩ xem họ có thỏa mãn những điều kiện này không trước nhé.

Thêm 1 luật mới thay đổi là vợ hoặc chồng của người được H1-B (tức là H4) sẽ không được phép đi làm hợp pháp nữa.

Quay số visa H1-B và cạnh tranh khốc liệt cơ hội ở lại Mỹ sau tốt nghiệp - 2
Kỹ sư Khoa Trần – tác giả bài viết.

Sẵn nói luôn, nếu các bạn có bằng cấp cao như thạc sĩ trở lên được nhận H1B, các bạn sẽ dễ dàng hơn khi xin cấp cho thẻ xanh với dạng EB-2 dành cho người có tài năng hoặc bằng cấp vượt trôi (EB-2: This one is for those that have exceptional ability, qualify for a National Interest Waiver, or have an advanced degree).

Còn các bạn với bằng cử nhân (Bacholor Degree) sẽ vào nhóm EB3 (EB-3: This third level is for those with bachelor’s degrees, those with more than two years of experience (skilled work), and those with less than 2 years of experience (unskilled work)).

Thời gian chờ xét của EB2 sẽ nhanh hơn EB3, cụ thể thì mình không nắm được. Nhưng chắc chắn bỏ thêm 1-2 năm học thạc sĩ vẫn tốt hơn nhiều, đúng không.

Vài dòng chia sẻ, chúc các bạn thành công.

Khoa Trần

(Từ North Carolina, Mỹ)