Sau hơn một thập kỷ, giáo dục trung học Mỹ… không mấy thay đổi?

(Dân trí) - Năm 2001, tổ chức The Brown Center khảo sát học sinh, sinh viên quốc tế (đã học trung học tại Mỹ) cảm nghĩ của họ về nền giáo dục trung học ở nước này. Năm 2016, khảo sát được lặp lại và nhân rộng, kết quả đáng ngạc nhiên giúp họ đưa đến kết luận: sau hơn một thập kỷ, giáo dục trung học Mỹ… không mấy thay đổi.

Học sinh quốc tế nghĩ gì về trường Trung học ở Mỹ?” là tên khảo sát do tác Tom Loveless thuộc tổ chức The Brown Center thực hiện từ năm 2001. Trong Báo cáo về giáo dục Mỹ của Brown Center năm 2017, Tom Loveless cho biết, ông đã nhân rộng quy mô cuộc khảo sát trước đó 1 thập kỷ (cuộc khảo sát năm 2001) với hi vọng sẽ làm sáng tỏ những điều đặc biệt/ đặc trưng của giáo dục trung học Hoa Kỳ.

Kết quả mới (năm 2016) được so sánh với kết quả cuộc khảo sát đầu tiên (năm 2001) và thật ngạc nhiên: không có nhiều thay đổi.


Học sinh trung học Mỹ học kiến thức không quá khó, xem trọng các môn thể thao, dành ít thời gian cho bài tập về nhà (Ảnh: Eastern Christian School)

Học sinh trung học Mỹ học kiến thức không quá khó, xem trọng các môn thể thao, dành ít thời gian cho bài tập về nhà (Ảnh: Eastern Christian School)

Về cơ bản, giáo dục trung học Mỹ trải qua hơn 1 thập kỷ vẫn giữ nguyên bản chất với những điểm nổi bật dễ thấy sau đây:

Chương trình trung học Mỹ khá dễ, ít thử thách

Đa phần học sinh, sinh viên (HS/SV) quốc tế nghĩ rằng chương trình học ở các trường học Mỹ ít thách thức hơn nhiều so với trường học ở nước họ.

Gần 90% HS/SV cho là lớp học ở Mỹ “dễ hơn” so với ở nước nhà (hơn một nửa trong số đó cảm thấy “dễ hơn rất nhiều” - kết quả khảo sát năm 2016).

Cụ thể, 66,4% người được hỏi đánh giá các lớp học ở Mỹ là "dễ hơn rất nhiều" so với ở nước họ. 23,6 % học sinh bỏ phiếu “dễ hơn một chút”. Những chỉ số này có tăng so với kết quả khảo sát năm 2001. Chỉ có khoảng 5% những người được khảo sát nghĩ rằng các lớp học ở Mỹ “khó hơn”.


Gần 90% HS/SV cho là lớp học ở Mỹ “dễ hơn” so với ở nước nhà (năm 2016).

Gần 90% HS/SV cho là lớp học ở Mỹ “dễ hơn” so với ở nước nhà (năm 2016).

Và xu hướng đánh giá cũng tương tự về thời gian dành cho việc học tập. Sinh viên quốc tế được khảo sát cho rằng người Mỹ dành ít thời gian hơn cho việc học so với sinh viên ở nước mình.

Năm 2001, 34% số HS/SV được khảo sát nói “ít hơn” và con số đó đã tăng lên 44% vào năm 2016. Ngoài ra, 20,5% người cho rằng sinh viên Mỹ dành “ít thời gian hơn một chút”.

Học sinh Mỹ dành ít thời gian cho việc làm bài tập về nhà

Một điểm thú vị khác, HS/SV quốc tế cho rằng, các bạn người Mỹ dành ít thời gian làm bài tập về nhà hơn là học sinh ở nước họ. Với câu hỏi “Học sinh dành thời gian ở nhà của mình thế nào khi không đến trường?”, các sinh viên quốc tế đều cho biết, bài tập về nhà là hoạt động chiếm ưu thế trong quỹ thời gian của họ.

Khảo sát năm 2016, hơn 40% học sinh quốc tế nói rằng họ dành hơn 3 giờ mỗi ngày trong tuần để làm bài tập về nhà (con số này tăng so với năm 2001 – 29%). Trong khi đó, tỷ lệ HS/SV quốc tế dành thời gian cho bạn bè giảm mạnh (từ 29% còn 15%). Bù vào đó, thời gian online trên mạng xã hội của họ thì tăng vèo vèo (từ 0% lên 26%).


Học sinh Mỹ dành ít thời gian làm bài tập về nhà so với học sinh ngoại quốc.

Học sinh Mỹ dành ít thời gian làm bài tập về nhà so với học sinh ngoại quốc.

Trường Mỹ đánh giá cao học sinh giỏi Thể thao hơn là giỏi Toán

Đây là một trong những chỉ số hấp dẫn nhất trong kết quả khảo sát về nền giáo dục trung học Mỹ.

Đa phần HS/SV quốc tế cho rằng, thanh thiếu niên Mỹ thường đánh giá cao thành tích ở môn thể thao hơn là toán học. Các câu hỏi được lặp lại ở cuộc khảo sát năm 2016, và một lần nữa cho kết quả tương tự.

Gần 2/3 số sinh viên ngoại quốc đã tham gia khảo sát (với 64,1 %) đánh giá, học sinh Mỹ gặt hái thành công ở các môn thể thao "hơn rất nhiều" so với môn Toán. Ngược lại, chỉ có 5% học sinh cho rằng, học sinh Mỹ xem trọng và thành công hơn ở môn Toán học.

Có thể thấy, tầm quan trọng của các môn thể thao vẫn không hề thay đổi trong nền giáo dục trung học ở Mỹ dù đã trải qua 1 thập kỷ.

Ngoài ra, cuộc khảo sát năm 2016 cũng cho nhiều chỉ số tương tự đã xuất hiện từ cuộc khảo sát năm 2001.


Gần 2/3 số học sinh ngoại quốc thấy rằng, học sinh Mỹ coi trọng và đạt thành tích cao ở các môn thể thao hơn là toán học.

Gần 2/3 số học sinh ngoại quốc thấy rằng, học sinh Mỹ coi trọng và đạt thành tích cao ở các môn thể thao hơn là toán học.

Từ các kết quả trên, tác giả Tom Loveless kết luận: "Gần 2 thập kỷ qua, cuộc cải cách giáo dục tại Hoa Kỳ đã tập trung hơn vào việc tăng kỳ vọng đối với học sinh của họ thông qua các tiêu chuẩn, bài kiểm tra chuẩn hóa nhằm gia tăng tiến bộ học tập kiến thức. Tuy nhiên, bất kể tác động của những thay đổi đó, điều ấn tượng là bản chất của các trường trung học Mỹ gần như không thay đổi.

Đó là đặc trưng của nền giáo dục trung Mỹ so với các nước khác trên thế giới – nước Mỹ không đặt việc đào sâu kiến thức sách vở là sứ mệnh cơ bản của trường trung học”.

Lệ Thu

(Theo Brown Center Chalkboard)