Tại sao ở mấy nước Âu Mỹ con nít... học yếu?

(Dân trí) - So sánh với thế giới (điển hình là các nước Âu Mỹ) ở trình độ cấp 1, cấp 2 thấy con nít Việt Nam ta học hơn đứt con nít tây.

Các môn học khó nhằn cũng được biến thành games

Hồi ở nhà, hai vợ chồng mình đã... chuẩn bị trước nên tập trung cho 2 đứa nhỏ theo học một trường quốc tế có... mức học phí vừa phải. So với các bạn “trường ngoài”, 2 nhóc mình đã khá nhẹ nhàng trong việc thi đua... thành tích, bài vở. Tuy nhẹ nhàng vậy, nhưng sang đến Mỹ, hai đứa nhỏ... vẫn hẫng, bởi bên này còn học nhẹ hơn! Trong ba lô của mấy đứa nhỏ khi tới trường luôn “lỏng chỏng” 1- 2 cuốn tập.

Các môn học dù “gồ ghề” nhất như toán, người ta cũng biến hết chúng thành... games và đưa mấy games ấy lên mạng của nhà trường. Mỗi học sinh được cấp một “mã” để vào trang nhà trường... chơi games mỗi tối.

Games ấy thực chất là... toán. Người ta cho cộng trừ con chó, con mèo, cái cây, ngọn cỏ gì đó; hoặc nhận biết hình tròn, hình vuông, hình tam giác; hay chia các đoạn thẳng, đo cắt, dán tùm lum... chơi xong một game tức là giải xong một bài, sẽ được tặng một số điểm.

“Người chơi” sẽ gom số điểm mình thu được qua mỗi bài, vào một “cửa hàng” cũng trên mạng ấy. Nếu có 30 điểm, bạn sẽ “mua” được một con gấu bông, 50 điểm mua được một con búp bê thời trang, 70 điểm một... siêu nhân... Đại loại vậy. Nên con mình hì hục làm toán, để gom điểm... mua hàng. Khoe rối rít, bữa nay mới “tậu” được món gì! Nhìn chung, tuốt tuột các môn phải học đều dựa trên hình thức... chơi.

Một giờ học của học sinh tiểu học Mỹ.
Một giờ học của học sinh tiểu học Mỹ.

Giáo viên thể dục và nghệ thuật... rất chính

Bên cạnh chơi là các môn thể dục thể thao, kỹ năng sống, nghệ thuật... hai con mình đi học về hôm nào cũng tóc bết da đầu, áo quần chua lòm, giày dép bong tróc vì vận động. Thầy dạy thể dục là một trong những giáo viên chính của tụi nhỏ. Ngược lại với học kiến thức, giờ thể dục của bọn chúng lại không hề chơi mà chạy nhảy xì khói.

Trong các trường học, không gian cho thể dục thể thao luôn rộng mênh mông, nhiều trường học bình thường vẫn có hệ thống nhà thi đấu trong, ngoài trời, cực kỳ chuyên nghiệp. (Rất ngược với Việt Nam, khi làm toán thì xì khói mà giờ thể dục lại ra đứng quờ quờ. Thầy toán rất oách, còn thầy thể dục rất... lủi thủi). Nên các đội tuyển thể thao của Mỹ, thành tích thế giới rất cao nhưng vận động viên đa phần là sinh viên.

Nhà thi đấu thể thao ở một trường tiểu học Mỹ.
Nhà thi đấu thể thao ở một trường tiểu học Mỹ.

Bên cạnh thầy thể dục là thầy nghệ thuật, cũng... rất chính. Tụi nhỏ không phải học để vẽ tranh cho đẹp, chơi đàn cho hay, vì 99% đâu phải đứa nào cũng thành họa sĩ, nhạc sĩ... mà dạy chúng như thể phải trở thành họa sĩ, nhạc sĩ hết trơn? Vì vậy chúng được học cách cảm thụ nghệ thuật, góp phần tạo nên cái đẹp mang tính cộng đồng chung...

Tất cả các trò vẽ vời, cắt dán, chơi đàn, múa hát... đều được biến thành... trò chơi. Nên các bạn để ý mà coi, người phương tây họ có một cảm quan nghệ thuật, một gu thưởng lãm rất tốt, hoặc chí ít họ cũng cùng nhau tạo nên một không gian sống - nếu chưa phải nghệ thuật thì cũng rất đẹp, gọn, ngăn nắp và có “gu”.

Hoặc ngay cả một người bình thường cách nói chuyện của họ cũng rất duyên, hài hước, điệu bộ cử chỉ rất sinh động, vì họ đã được học đóng kịch, học diễn thuyết trong trường từ bé... Mọi thứ đâu phải tự nó có, mà do cách giáo dục rất “âm thầm”, nhẹ nhàng... Và hết cấp 1, cấp 2 (mình cứ gọi theo kiểu cũ ở Việt Nam cho dễ hình dung), bọn nhỏ đã cứng cáp xương cốt, sức khỏe dồi dào, cách nhìn nhận thế giới sinh động, kỹ năng sống rất tốt... trên cái nền rất vững ấy họ mới đắp kiến thức lên.

Và khi đặt chân vào cấp 3 học trò bắt đầu tăng tốc. Lên đại học, hoặc những bậc cao hơn, với cách chuẩn bị dài hơi, lúc ấy mới... thấy nhau. Lúc ấy mới trả lời được câu hỏi tại sao thuở bé mình “giỏi” thế mà càng về sau càng đuối - ngược lại, hồi nhỏ họ “chậm” vậy mà giờ họ... khủng khiếp vậy.

Giờ ra chơi ở Trường tiểu học thánh Mary, thành phố Brookline, Bang Massachusetts, Mỹ.
Giờ ra chơi ở Trường tiểu học thánh Mary, thành phố Brookline, Bang Massachusetts, Mỹ.

Tức là họ chuẩn bị trước cái phần cứng cho rộng, cái cấu hình cho mạnh, lúc ấy mới cài phần mềm vào và chạy máy. Chứ không phải cỗ máy có vài chục GB mà đã cài đủ thứ phần mềm vào bắt nó chạy. Kết quả là thể chất cũng yếu mà cái đầu cũng gục. Cái hình thức giáo dục cấp 1 học như tiến sĩ, còn tiến sĩ (có khi) lại học như… cấp 1 - hoàn toàn ngược với thế giới - nên bởi vậy, so sánh với thế giới ở trình độ cấp 1, cấp 2 thấy con nít ta hơn đứt là đúng rồi. Bởi trẻ con ở ta phải đâm đầu vào bài vở, trong khi con nít ở tây đang đi chơi, đi múa, đi hát, đi tập thể thao mà!

Nguyễn Danh Lam

(Nhà văn Việt Nam sống ở Mỹ)