Thế hệ trẻ Việt ở Stanford và những chuyện lần đầu mới kể

(Dân trí) - Bị bố xé nát hết giấy khen vì muốn bỏ học, là tay sai vặt trong đội bóng, ghét thể thao nhưng cố bám trụ 2 năm để xóa bỏ sự kì thị… là những câu chuyện không “hào nhoáng” về người trẻ Việt ở ngôi trường danh tiếng nhất thế giới.

Xuất hiện trong tọa đàm “Chúng tôi đã học như thế nào?” tại Hà Nội mới đây, 6 diễn giả Việt đã, đang là sinh viên ở ngôi trường nổi tiếng Stanford lần đầu trải lòng về chính câu chuyện bản thân. Không xuất sắc, không hoàn hảo như nhiều người tưởng tượng, họ tự nhận mình những người bình thường, thậm chí từng “yếu thế” trong môi trường cộng đồng.

Cậu bé ốm yếu chỉ được làm chân… sai vặt trong đội bóng


Anh Huỳnh Minh Việt chia sẻ với các bạn trẻ.

Anh Huỳnh Minh Việt chia sẻ với các bạn trẻ.

Anh Huỳnh Minh Việt từng học cử nhân và thạc sĩ quản lý tại Stanford, sau đó tiếp tục lấy bằng quản trị kinh doanh MBA tại Harvard. Nhớ về những ngày đầu du học ở Singapore với học bổng ASEAN, 8X Việt còn rất kém tiếng Anh nên luôn phải “căng mình” để theo kịp các bạn.

Vào môi trường mới, vì muốn hòa nhập cộng đồng chàng trai quyết định chơi thể thao. Tuy vậy, vì người ốm yếu lại chưa từng chơi thể thao ở Việt Nam nên Việt chỉ được làm “tay sai vặt” trong đội bóng.

Ấy vậy mà anh chàng vẫn tiếp tục giúp việc cho các bạn trong đội bóng, không nề hà gì. Đến đợt tuyển cầu thủ mới, có khoảng 20 bạn được vào còn Minh Việt không được chọn. Bất ngờ, các bạn trong đội bóng đã lên nói chuyện riêng với HLV để xin hộ và sau đó Việt được “vớt” vào.

Minh Việt tự nhận mình không xuất sắc và anh đã kể câu chuyện đó trong bài luận gửi ĐH Stanford. “Với vai trò của bản thân ở bất cứ nhóm nào, môi trường nào thì mình luôn làm tốt nhất có thể trong hoàn cảnh đó, làm nghiêm túc, hết mình và chuyện tốt nhất sẽ xảy ra”, thạc sĩ ĐH Stanford nhắn nhủ.

Muốn bỏ học, bố xé nát hết giấy khen

Nguyễn Chí Hiếu, 8X Việt tốt nghiệp tiến sĩ ĐH Stanford từng có tên ở một danh sách "100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới" lại có lúc chán học đến mức muốn bỏ.

Khi mới học lớp 3, lớp 4, Hiếu đã học rất giỏi, giấy khen treo đầy nhà. Nhưng một ngày, Hiếu bỗng thấy cực chán học và suy nghĩ rất kỹ rồi nó với bố mẹ. Bố của Hiếu lúc này lấy hết giấy khen của con trai ở trên tường, xé nát rồi vứt hết vào thùng rác.


TS Nguyễn Chí Hiếu nhớ mãi câu chuyện bố xét hết giấy khen của con trai…

TS Nguyễn Chí Hiếu nhớ mãi câu chuyện bố xét hết giấy khen của con trai…

Anh không thể quên lời bố nói lúc đó: “Con thấy đấy, giấy khen chỉ là những tờ giấy thôi, nó đến với con được nhưng cũng có thể mất đi bất cứ lúc nào. Quan trọng là cái gì nằm trong đầu và trong tim của con”. Đến giờ, tiến sĩ kinh tế luôn thầm cảm ơn bố vì câu chuyện thuở bé.

“Bố mẹ không cho mình nhiều, chỉ cho mình thái độ sống, làm gì cũng làm hết mình, học gì cũng tự sức mình mà đi lấy", Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu nói.

Theo anh, điều cha mẹ có thể dành cho con không phải là kì vọng vào thành tích của con hay bắt con định hướng theo đuổi đam mê nào. "Bản thân mình học xong tiến sĩ và MBA, luôn luôn là Thủ khoa nhưng phải đến năm 32 tuổi mình mới thực sự biết mình thích gì", anh kể.

“Cậu bé vàng Toán học” muốn nghỉ vì quá đuối so với bạn bè

Cách đây 10 năm, Phạm Kim Hùng được mọi người gọi là “cậu bé vàng” của Toán học Việt với 2 năm liên tiếp (2004 - 2005) đoạt huy chương vàng, bạc Olympic Toán quốc tế.

Thế hệ trẻ Việt ở Stanford và những chuyện lần đầu mới kể - 3

Từ “trường làng” ở quê, Kim Hùng đỗ vào trường cấp 3 chuyên Toán tổng hợp. Lên thành phố, một phần vì nhiều bỡ ngỡ, phần lớn vì các bạn xung quanh học giỏi quá, nhiều lần “chàng trai vàng” muốn xin nghỉ vì cảm thấy bản thân không có khả năng theo được.

Nhưng bố mẹ lúc này động viên anh cứ học, không cần kết quả tốt miễn sau này thi đỗ vào đại học. Tiếp tục theo đuổi, nỗ lực với đam mê, cuối cùng Hùng chinh chiến thành công ở nhiều cuộc thi Toán quốc tế và được Stanford nhận.

Ghét thể thao nhưng cố “bám” đến 2 năm

Võ Tường An, cô gái Quảng Ngãi chinh phục cùng lúc 12 học bổng hàng đầu thế giới đã chọn ĐH Stanford làm điểm đến. Trước đó, Tường An đã du học cấp 2 ở Mỹ. Cô gái 18 tuổi kể câu chuyện khó khăn khi một mình đối mặt với môi trường xa lạ, tiếng Anh bập bõm, thậm chí bị bạn bè lạnh nhạt vì là dân châu Á.


Cô gái Việt nhận 12 học bổng Võ Tường An.

Cô gái Việt nhận 12 học bổng Võ Tường An.

Lúc đầu, Tường An rất ghét thể thao nhưng thấy các nhóm bạn ở lớp thân với nhau đều chơi thể thao nên 9X Việt dành nguyên 2 kỳ để “bám” các đội bóng rổ, bóng đá, điền kinh, trượt tuyết…

Đến năm thứ 2, trong một buổi sinh hoạt thể thao mà học sinh châu Á nghỉ hết, Tường An mới bắt chuyện với các bạn Mỹ. Mãi đến một lần cô gái Việt nhảy lên đỡ được quả bóng cho đội thì mới được các bạn trong lớp mới “chấp nhận”.

Câu chuyện An mang tới Stanford chính là "Trong tất cả những người thi đấu, tôi có thể ở vị trí không phải là tốt nhất trong tất cả những người đang thi đấu để đến cái đích của tôi nhưng dù thế nào thì tôi cũng tìm được cái cách để đến cái đích đó".

“Mày nói tao không hiểu gì"


Văn Đinh Hồng Vũ từng sốc vì thầy cô, bạn bè không hiểu mình nói gì…

Văn Đinh Hồng Vũ từng sốc vì thầy cô, bạn bè không hiểu mình nói gì…

Văn Đinh Hồng Vũ là cô gái Việt giành 2 học bổng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh và Giáo dục của ĐH Stanford, là người sáng lập một phần mềm học tiếng Anh gây tiếng vang trên thế giới.

Học tiếng Anh từ 5 tuổi, khi còn ở Việt Nam cô từng là “ngôi sao” Tiếng Anh ở trường. Ở lớp MBA không có bài thi chấm điểm, việc tranh luận trên lớp là cơ sở để giáo sư và bạn bè đánh giá một sinh viên. Vì thế, Hồng Vũ cũng cố gắng giơ tay phát biểu. Giáo sư Mỹ nghe xong gật gù không nói gì.

Ngay sau đó 5 phút, một bạn quốc tế khác đứng lên phát biểu những ý tương tự thì cả lớp trầm trồ và bình luận sôi nổi. 8X Việt lúc này có đôi chút thắc mắc, sau này chuyện đó lặp đi lặp lại, Vũ nghĩ mình nói nhỏ mọi người không nghe nên các lần sau cố nói to hơn. Kết quả vẫn là sự im lặng của cả lớp.

Một lần cô trực tiếp hỏi bạn bè và thầy cô thì nhận được câu trả lời “Tại mày nói tao nghe cũng không hiểu gì hết nên… bỏ qua luôn”.

Vũ nhận ra, bản thân có thể giỏi hơn tất cả người Mỹ về “tiếng Anh học thuật” nhưng điều đó vô nghĩa. Không quan trọng việc bạn biết bao nhiêu ngữ pháp mà là bạn nói có ai hiểu không. “Việc bạn giỏi tiếng Anh không giúp bạn trở thành lợi thế nhưng nếu không giỏi tiếng Anh thì sẽ đẩy mình xuống dốc”, cô gái Việt chia sẻ.

Câu chuyện của những người trẻ Việt ở Stanford đã khiến khán giả thực sự thích thú và suy ngẫm. Họ cách nhau về lứa tuổi và tất cả đã đỗ đại học Stanford danh tiếng lần lượt trong 13 năm qua. TS. Nguyễn Chí Hiếu đặt câu hỏi: “Vì sao Stanford chọn họ?”, “Có điểm chung nào giữa những nhân vật này?”, “Cách nhìn nhận con người của ĐH Stanford có thay đổi trong 13 năm qua?”…

Anh Hiếu dẫn lại câu nói của một thành viên hội đồng tuyển Stanford: “Chúng tôi nhận những con người sẽ là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà lãnh đạo, người thay đổi cộng đồng”…

Không ai có thể biết rằng “chiến lược tuyển sinh” của Stanford là gì. Nhưng với trường hợp của 6 người trẻ Việt đến Stanford là 6 mục tiêu, 6 câu chuyện khác nhau, thời điểm khác nhau nhưng 13 năm qua, tất cả làm hết sức vì mục tiêu.

Và những câu chuyện nhỏ bé ấy chứng minh rằng, họ không hoàn hảo nhưng là người hết mình với những điều bản thân mong muốn. Đó phải chăng cũng chính là điều mà ngôi trường danh giá bậc nhất thế giới luôn kiếm tìm?!

Lệ Thu (ghi)