Đoàn sinh viên nước ngoài đến từ Đại học SMU (Singapore):

“Tin tưởng Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng...”

(Dân trí) - Tháng 12/2012 vừa qua, một đoàn sinh viên nước ngoài đến từ nhiều quốc gia và lãnh thổ khác nhau đang học tập tại trường SMU (Singapore) đã thực hiện một chuyến đi thực tế 12 ngày tới Việt Nam.

Đây là chuyến đi thực hiện sáng kiến của “Chào Việt Nam” – tổ chức của Cộng đồng sinh viên Việt Nam đang học tập tại Đại học Quản lý Singapore (Singapore Management University - SMU).

 

Trao đổi với PV Dân Trí, bạn Chử Phương Linh, sinh viên năm thứ 3 tại SMU, thành viên BTC chuyến đi, cho biết: Thôi thúc từ chính nỗi nhớ quê hương đất nước và ý nguyện giới thiệu với bạn bè quốc tế về mảnh đất quê hương mình, và được sự ủng hộ của nhà trường (Phòng Cộng tác sinh viên - Office of Student Life, thuộc SMU), nhóm chúng tôi đã chung tay tổ chức chuyến đi thực tế này. Mục đích của chuyến đi, đúng như tên tiếng Anh “Business and Cultural Study Trip”, là nhằm giúp bạn bè quốc tế tìm hiểu về môi trường kinh doanh và nền văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

 

Thăm xưởng sản xuất ô mai Hồng Lam, Hà Nội
Thăm xưởng sản xuất ô mai Hồng Lam, Hà Nội



Sau khi cân nhắc chọn lọc, BTC đã chọn 12 sinh viên tiêu biểu thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ: Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan, Inđônêxia,... là những người đã thể hiện khát vọng tìm hiểu về Việt Nam lớn nhất. Và như vậy, cùng đại diện Phòng Cộng tác sinh viên trường SMU và nhóm sinh viên người Việt Nam, 18 thành viên của đoàn đã có mặt tại Sân bay quốc tế Nội Bài vào một chiều mùa Đông Hà Nội, để “bắt đầu một hành trình khám phá”, như lời chị Lim Wensi (người Singapore), đại diện Phòng Cộng tác sinh viên, trường SMU.

 

Một cộng đồng doanh nghiệp năng động trong khó khăn...

 

Ngay khi đến Việt Nam, đoàn đã thực hiện một chương trình làm việc dày đặc trong suốt 12 ngày đêm. Đến từ một trường ĐH chuyên về kinh tế, kinh doanh, nên điểm đến đầu tiên của đoàn là các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

 

Thăm trụ sở công ty Unilever Việt Nam
Thăm trụ sở công ty Unilever Việt Nam



Chị Lim Wensi nhận xét, một bất ngờ lớn đối với đoàn là sự đón nhận rất nhiệt tình của các DN Việt Nam. “Vì chuyến đi thuần túy mang tính chất thăm quan học hỏi, trong khi đó, thông thường lịch làm việc cuối năm của các DN đều rất bận rộn, họ lại đang trải qua rất nhiều khó khăn trên thương trường, nên để các DN sắp xếp thời gian tiếp đoàn là không dễ. Tuy nhiên, tin tưởng vào uy tín của trường SMU, vào những lợi ích lâu dài mà chuyến đi có thể mang lại, một chương trình chuyến thăm rất đa dạng, phong phú đã được kết nối, bao gồm nhiều ngành kinh tế có thế mạnh, một số DN hàng đầu, và các loại hình DN có vốn FDI, DN tư nhân...”, chị nhận xét.

 

Trong số đó, có ngân hàng Agribank, tập đoàn Vingroup, công ty Unilever Việt Nam, Viện Di truyền Nông nghiệp, Khu CN Nomura (Hải Phòng), Nhà máy đóng tàu Hạ Long, Nhà máy giấy Bãi Bằng, tập đoàn tư nhân Hiệp Hưng (Hà Nội), Công ty Ô mai Hồng Lam, Công ty an ninh mạng BKAV, đại diện CapitalLand Việt Nam... Kết hợp thăm di tích lịch sử và danh thắng, trong 12 ngày đêm, đoàn đã đi qua 8 tỉnh, TP phía Bắc: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh (Vịnh Hạ Long), Bắc Ninh, Hòa Bình, Sơn La (Mộc Châu), Phú Thọ.

 

Phó Chủ tịch Vingroup Lê Khắc Hiệp nhận kỷ niệm chương của trường Đại học SMU (Singapore)
Phó Chủ tịch Vingroup Lê Khắc Hiệp nhận kỷ niệm chương của trường Đại học SMU (Singapore)



Bạn Tern Poh, người Singapore, nhận xét: Tầm nhìn vĩ mô cũng như chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam đã gây ấn tượng lớn với chúng tôi, với nhiều bài học bổ ích xuất phát từ kinh nghiệm hoạt động lâu dài trong thương trường luôn khắc nghiệt và đầy biến động trong những năm qua.

 

Một ví dụ đầu tiên, tại Vingroup, đó là triết lý rất ấn tượng “Công ty Việt phục vụ người Việt”. Theo ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Vingroup, hiện Vingroup đang tập trung phát triển 4 nhóm thương hiệu chiến lược gồm: Vincom (bất động sản thương mại, dịch vụ cao cấp), Vinpearl (bất động sản du lịch, dịch vụ du lịch - giải trí); Vincharm (chăm sóc sức khỏe-sắc đẹp) và Vinmec (dịch vụ y tế chất lượng cao). Đến tháng 9/2012 vừa qua, với việc sở hữu và giữ quyền chi phối tại gần 30 dự án bất động sản và du lịch cao cấp, có mức vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán VN (gần 2,5 tỷ USD), Vingroup được đánh giá là một trong những tập đoàn phát triển năng động và bền vững nhất VN.
 

Trong khi đó, theo nhìn nhận của bạn Kawi (người Inđônêxia), Unilever Việt Nam là 1 ví dụ đặc sắc khác.

 

Lưu lại hình ảnh đẹp bên đập nước Nhà máy thủy điện Hòa Bình
Lưu lại hình ảnh đẹp bên đập nước Nhà máy thủy điện Hòa Bình



Trao đổi với đoàn, ông Trần Vũ Hoài, Phó Chủ tịch Unilever VN, cho biết: Trong hơn 16 năm qua, kể từ khi bắt đầu hoạt động tại VN, Unilever VN luôn tăng trưởng trung bình hàng năm đạt hai con số. Năm 2010, tổng doanh thu đã chiếm gần 1% GDP của VN. Hiện nay, công ty tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, với mục tiêu lâu dài (của Unilever VN cũng như Unilever toàn cầu): giảm 1/2 ảnh hưởng tới môi trường trong vòng 10 năm (2010 – 2020).

 

Trên lĩnh vực ngân hàng (NH), tại Agribank, một bài học thú vị mà đoàn thu nhận được, đó là biết tập trung vào đối tượng khách hàng mà phần lớn các NH khác không với tới – đó là nông dân, một đối tượng khách hàng rất lớn ở VN. Theo Agribank, trong thời kì kinh tế khó khăn và các nguồn thu tại đô thị sụt giảm, đây chính là nhóm khách hàng mang lại lợi nhuận và sự ổn định cho NH này.

 

Một góc Văn Miếu- Quốc Tử Giám – Trường đại học đầu tiên của Việt Nam
Một góc Văn Miếu- Quốc Tử Giám – Trường đại học đầu tiên của Việt Nam



Đối với lĩnh vực kinh tế tư nhân, trường hợp của tập đoàn Hiệp Hưng (Hà Nội) là một ví dụ sinh động. Sau gần 25 năm thành lập, Hiệp Hưng hiện hoạt động trên nhiều lĩnh vực: sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng thêu (đặt biệt, sản phẩm thêu ren và chăn ga gối đệm thêu cao cấp mang nhãn hiệu Bellizeno, đã đáp ứng được thị hiếu khắt khe trên thị trường Nhật, Ý, Pháp, Đan Mạch, Đức...); cung cấp dịch vụ tài chính, vận tải nội địa - quốc tế; xuất nhập khẩu, phân phối hàng tiêu dùng trên toàn quốc. Đến nay, tập đoàn đã đem lại việc làm cho hàng ngàn lao động. Mấy năm gần đây, Hiệp Hưng còn tham gia vào dự án xoá đói giảm nghèo của tổ chức PLAN, qua đó, đã xây dựng mô hình đào tạo dạy nghề thêu miễn phí cho chị em nghèo thuộc một số xã vùng đồng bằng và miền núi phía Bắc.

 

Đến với cội nguồn dân tộc Việt Nam...

 

Một mục đích lớn của chuyến đi là tìm hiểu nền văn hóa Việt Nam đã dẫn đoàn đến thăm Đền thờ các Vua Hùng tại Phú Thọ, chỉ ít ngày sau khi UNESCO chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Nhiều bạn nước ngoài bày tỏ: “Vậy là chúng tôi đã có dịp đến với Cội nguồn của dân tộc Việt Nam”. Đặc biệt, các bạn càng khâm phục khi biết, trên cả nước có tới 1.417 đền thờ các Vua Hùng; thậm chí người Việt sinh sống ở nước ngoài cũng luôn thờ cúng các Vua Hùng là Tổ tiên của mình.

 

Thêm một tấm hình lưu niệm bên bờ vịnh Hạ Long
Thêm một tấm hình lưu niệm bên bờ vịnh Hạ Long



Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng là một địa chỉ quan trọng. Tại đây, bạn bè quốc tế đã kính cẩn dâng hương lên các vị vua đất Việt đã có công với sự nghiệp “trồng người”, tìm hiểu về người thầy giáo mẫu mực Chu Văn An và lịch sử 82 tấm bia Tiến sĩ - di tích cũng đã được UNESCO công nhận là “Di sản Tư liệu Thế giới”.

 

Đoàn cũng đã xem nghệ thuật múa rối nước (có lịch sử gần 1.000 năm), nghe hát quan họ Bắc Ninh, thăm làng gốm Bát Tràng, và một điểm thăm không thể thiếu: vịnh Hạ Long – đã được UNESCO công nhận “Di sản nhân loại” từ năm 1994, và  mới đây, được chọn là 1 trong 7 kỳ quan mới của thế giới, qua cuộc bầu chọn trên Internet,...

 

Một chuyến đi thu lượm được nhiều điều bổ ích...

 

Trong những ngày thăm Việt Nam, các bạn nước ngoài may mắn được chứng kiến 1 sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị và kinh tế VN. Đó là Hội nghị hàng năm Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN năm 2012 (CG 2012).

 

Báo cáo của Chính phủ VN tại hội nghị cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm nhưng kết thúc năm 2012, VN đã đạt được những kết quả tích cực: tăng trưởng bình quân GDP đạt 5,03%; lạm phát kiềm chế ở mức khoảng 7,5%; xuất khẩu tăng 18%... Năm 2013, Việt Nam phấn đấu đạt tăng trưởng GDP cao hơn và lạm phát thấp hơn năm trước, cụ thể, dự kiến GDP tăng 5,5%; lạm phát kiềm chế ở mức 6,5%.

 

Bà Đoàn Thị Hữu Nghị, TGĐ tập đoàn Hiệp Hưng, giới thiệu về lĩnh vực kinh tế tư nhân
Bà Đoàn Thị Hữu Nghị, TGĐ tập đoàn Hiệp Hưng, giới thiệu về lĩnh vực kinh tế tư nhân



“Tôi xin chúc mừng Chính phủ VN đã đạt được những kết quả ấn tượng về ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2012. Kết quả này là nhờ có việc nhận định rằng, ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên quan trọng, nhờ có cam kết chính trị mạnh mẽ đã giúp tạo ra những hành động quyết đoán”, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam -  bà Victoria Kwakwa –  đã nhận xét như vậy tại diễn đàn.

 

Sau 12 ngày dọc ngang 8 tỉnh, TP phía Bắc, chứng kiến nhiều sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội ở Việt Nam, các thành viên trong đoàn đã thu lượm được nhiều bài học bổ ích. Vượt qua rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, các bạn đã có được những kinh nghiệm quí báu về giao tiếp, lắng nghe và thông cảm cùng những bài học về thương trường bổ ích.

 

Với mẫu số chung là tìm hiểu về kinh tế Việt Nam, các thành viên trong đoàn đã tích cực trao đổi và chia sẻ những suy nghĩ và cách nhìn của bản thân về các vấn đề đã nghe, đã thấy trong chuyến đi. Chính sự chia sẻ thẳng thắn này đã giúp các thành viên trong đoàn cũng như đại diện nhiều DN Việt Nam gặt hái được nhiều bài học quí báu không chỉ từ cách nhìn của DN, mà còn cả từ bạn bè quốc tế.

 

Khi đoàn chia tay Việt Nam, năm mới 2013 đã cận kề, các bạn nước ngoài đã bày tỏ tin tưởng rằng, dù trong khó khăn chung toàn cầu, nhưng với nghị lực và quyết tâm chính trị cao, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, để đem lại phồn vinh cho dân tộc này -  một dân tộc đã phải trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc. Cả đoàn đã cùng bày tỏ nguyện ước chung: “HAPPY AND PROSPEROUS NEW YEAR 2013 TO VIETNAM”./.

 

Hoa Linh Hưng