Trẻ em sinh năm 2018 sẽ chứng kiến những thay đổi môi trường này ở tuổi 20

(Dân trí) - Băng tan ở Bắc Băng Dương, mực nước biển dâng, rạn san hô nhiệt đới biến mất… là một số dự đoán về thay đổi môi trường mà trẻ em sinh ra năm 2018 sẽ phải chứng kiến – khi chúng ở độ tuổi 20.

1. Mực nước biển dâng

Mực nước biển đang tăng lên nhanh chóng. Mực nước biển trung bình toàn cầu năm 2014 cao hơn 2,6 inch so với năm 1993, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Úc.

Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) dự báo mực nước biển sẽ tiếp tục tăng lên đến năm 2100. Độ cao của mực nước biển phụ thuộc vào nhiệt độ của nước.

Theo đó, nếu nhiệt độ nước biển tăng 1,5 độ C, mực nước biển được dự báo thấp hơn gần 4 inch so với khi nhiệt độ tăng 2 độ C.

Nếu làm chậm tốc độ mực nước biển dâng, điều này sẽ cho phép con người và hệ sinh thái của các đảo nhỏ, vùng ven biển và đồng bằng châu thổ thấp có “cơ hội thích ứng tốt hơn”, IPCC cho biết.

2. Băng tan ở Bắc Băng Dương

Băng ở Bắc cực đang tan chảy với tốc độ đáng báo động (Ảnh: Freepik)
Băng ở Bắc cực đang tan chảy với tốc độ đáng báo động (Ảnh: Freepik)

Băng biển ở Bắc cực đang tan chảy với tốc độ nhanh nhất trong 1.500 năm và băng không xuất hiện trở lại vào mùa đông nhanh như trước đây. Đó là lý do tại sao có một cuộc đua để tìm ra các tuyến vận chuyển mới thông qua những cung đường thủy phía bắc mà trước kia vốn không thể vượt qua.

Dù nhiệt độ Trái đất chỉ tăng lên nửa độ, điều đó cũng có thể khiến Bắc Cực cứ mỗi thế kỷ lại xuất hiện một mùa hè không có băng biển.

Dự báo trên sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều với mức nhiệt cao hơn, cứ mỗi thập kỷ sẽ lại có một lần Bắc Cực trải qua một mùa hè mà không có băng.

Đối với những loài động vật sống phụ thuộc vào băng biển, chẳng hạn như gấu Bắc cực, điều này chẳng khác gì ngày tận thế của chúng.

3. Thiệt hại 54.000 tỷ đô la do biến đổi khí hậu

Thật khó để khái niệm hóa một con số lớn như vậy: thiệt hại trầm trọng đến mức độ nào mới gây tốn kém như vậy. Tuy nhiên, có thể hình dung về nó theo cách này: Những cơn bão và cháy rừng năm ngoái trở nên trầm trọng hơn bởi nhiệt độ trung bình đạt mức cao kỷ lục trong vòng 4 năm qua.

Tình trạng này khiến cho Hoa Kỳ bị thiệt hại 306,2 tỷ USD. Vậy, hãy tưởng tượng mức độ thiên tai khốc liệt đến mức gây thiệt hại gấp 177 lần số tiền trên.

4. Đại dương phần lớn không có những rạn san hô nhiệt đới

Những rạn san hô nhiệt đới đang dần biến mất trước tác động của biến đổi khí hậu (Ảnh: Freepik)
Những rạn san hô nhiệt đới đang dần biến mất trước tác động của biến đổi khí hậu (Ảnh: Freepik)

Các rạn san hô của thế giới, bao gồm Rạn san hô Great Barrier của Úc, đã bị tàn phá trong những năm gần đây bởi “tẩy trắng hàng loạt”, đó là hiện tượng san hô dưới tác động của nhiệt độ cao bị chuyển sang màu trắng sau khi chúng đào thải hết tảo ra khỏi cơ thể sống của mình,trong khi đó tảo lại là nguồn cung cấp phần lớn năng lượng cho các tế bào san hô; trong nhiều trường hợp, khi không có tảo, thậm chí san hô sẽ chết.

Một đại dương ấm lên sẽ là tai họa cho san hô và các cộng đồng người ven biển sống dựa vào nghề cá ven bờ. Thường được gọi là rừng nhiệt đới của biển, rạn san hô cung cấp môi trường sống cho hơn 25% các loài sinh vật biển của hành tinh và tạo ra hàng hóa và dịch vụ trị giá 375 tỷ đô la mỗi năm.

Khi nhiệt độ tăng lên 1,5 độ, 70-90% các rạn san hô nhiệt đới của thế giới có thể bị xóa sổ, báo cáo của IPCC cảnh báo. Mức tăng 2 độ được dự đoán sẽ giết chết 99% số san hô còn lại.

"Nguy cơ mất mát không thể hồi phục lại được của nhiều hệ sinh thái biển và ven biển tăng lên theo sự nóng lên toàn cầu", báo cáo cho biết.

5. Hàng triệu người sống trong cảnh nghèo đói

Những người nghèo là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng khí hậu.Những đợt nóng khủng khiếp đã giết chết hàng ngàn người ở Ấn Độ trong những năm gần đây. Tại Puerto Rico, gần 3.000 người đã thiệt mạng do cơn bão Maria. Khoảng 136.000 người Puerto Rico đã phải tháo chạy sang địa phận Hoa Kỳ sau cơn bão, bỏ lại một quốc đảo với tình trạng đói nghèo gia tăng.

Trong báo cáo của mình, IPCC cảnh báo rằng “biến đổi khí hậu sẽ là một hệ số nhân nghèo khiến người nghèo trở nên nghèo hơn”, đặc biệt là ở các khu vực thành thị và nông thôn ở vùng cận Sahara của châu Phi và Đông Nam Á.

6. Số lượng loài động, thực vật ít hơn

Các loài động vật và thực vật đang chết dần với tốc độ đáng báo động - khoảng 150 loài mỗi ngày - và biến đổi khí hậu đã được chứng minh là một nguyên nhân chính trong cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học. Một phân tích toàn cầu năm ngoái cho thấy 47% động vật có vú và 23% loài chim trong Danh sách đỏ các loài bị đe dọa của Liên minh Quốc tế về Bảo tồn đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những thay đổi trên hành tinh của chúng ta.

Giữ mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ sẽ hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đối với các loài và hệ sinh thái, đồng thời có thể ngăn chặn các loài bị tuyệt chủng trong những thập kỷ tới. Báo cáo của IPCC dự báo 6% côn trùng và 8% thực vật sẽ mất hơn một nửa phạm vi sinh sống của chúng với 1,5 độ nóng lên. Tỷ lệ phần trăm đó tăng lên lần lượt là 18 và 16, theo kịch bản khi nhiệt độ trái đất ấm lên 2 độ.

Để đạt được mục tiêu giữ mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 1,5 độ, thế giới sẽ cần phải cắt giảm phát thải khí nhà kính khoảng 45% từ năm 2010 đến năm 2030 và lượng phát thải sẽ phải đạt tới mức không vào năm 2050.

Thái Hằng

(Theo Huffpost Australia)