Trí thức Pháp nổi giận vì tiếng Anh

Từng có một thời kỳ - cách đây không lâu, bất kể ai đã từng được đi học theo đúng quy chuẩn đều nói tiếng Pháp.

Những trao đổi về ngoại giao và kinh tế đều được thực hiện bằng tiếng Pháp. Sách báo, tài liệu được viết bằng tiếng Pháp. Khách du lịch cũng phải tìm cách giải quyết vấn đề của mình bằng tiếng Pháp, và dĩ nhiên những người đang yêu cũng trao nhau những lời có cánh không gì khác ngoài tiếng Pháp.

 

Nhưng giờ đây, người Pháp nhận ra rằng ở thời hiện đại, nhiều hoạt động trong số đó đang diễn ra bằng tiếng Anh, thậm chí là từ chính miệng người Pháp. Ở một đất nước mà người ta rất quan tâm tới ngôn ngữ của mình, thậm chí là có cả một Bộ để giữ gìn và phát triển nó thì việc bị “bỏ rơi” như vậy cũng đủ để làm dấy lên những tranh cãi gay gắt về vấn đề này ở Paris – và dĩ nhiên là bằng tiếng Pháp.

 

Tuy nhiên, mọi chuyện phức tạp hơn thế.



Tuy nhiên, mọi chuyện phức tạp hơn thế.

 

Tuần qua, Bộ trưởng Bộ Đại học – bà Genevieve Fioraso đã giới thiệu một dự luật cho phép các trường đại học của nước này dạy các môn học bằng tiếng Anh nhiều hơn. Theo bà giải thích thì mục tiêu của dự luật này là nhằm thu hút nhiều sinh viên tới từ các quốc gia khác như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ - nơi mà tiếng Anh đang được dạy phổ biến, trong khi tiếng Pháp hầu như chỉ dành cho những người yêu văn chương.

 

“Cách đây 10 năm, chúng ta là quốc gia đứng thứ 3 về khả năng thu hút sinh viên nước ngoài, nhưng hiện tại chúng ta đứng thứ 5” – bà nói trong một bài phỏng vấn trên tạp chí Nouvel Observateur. “Tại sao chúng ta lại kém hấp dẫn hơn trước kia? Bởi vì nước Đức có một chương trình tiếng Anh vượt trội hơn chúng ta. Chúng ta phải lấp lỗ hổng đó”.

 

Bộ trưởng Fioraso – một cựu giáo viên tiếng Anh kiêm giáo viên Kinh tế học – đã đề xuất một ý tưởng nghe có vẻ đầy tinh thần yêu nước. Tuy nhiên, nó lại làm dấy lên sự phẫn nộ ở khía cạnh văn hóa và chủ nghĩa dân tộc, không chỉ từ những nhà trí thức Paris mà còn từ hàng chục thành viên của Nghị viện, phe đối lập cũng như những người theo Đảng Xã hội. Họ kiên quyết cho rằng sinh viên nước ngoài học tập ở Pháp nên học tiếng Pháp như một sự trải nghiệm.

 

Cuộc tranh luận như một nỗ lực của nước Pháp nhằm duy trì các rào cản chống các yếu tố nước ngoài và duy trì các khoản trợ cấp văn hóa bất chấp những cuộc đàm phán phi thương mại giữa Mỹ và châu Âu đang diễn ra. Không có sự giúp đỡ của Chính phủ trong việc hạn chế nhập khẩu và tài trợ cho các nghệ sĩ địa phương, người ta lo ngại rằng văn hóa Pháp sẽ sớm bị đè bẹp bởi một cơn sóng thần tràn ngập những sản phẩm của người Mỹ.

 

Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Aurelie Filippetti đã thuyết phục 13 đối tác trong Liên minh châu Âu ủng hộ bà trong lời kêu gọi bảo vệ nền văn hóa – thứ đã bị lờ đi trong các cuộc đàm phán. Bà kêu gọi bảo tồn cái mà người Pháp gọi là “ngoại lệ văn hóa” (một khái niệm cho rằng cần phải ứng xử với văn hóa khác với những sản phẩm thương mại khác).

 

Họ cảnh báo, các quốc gia thành viên “sẽ bị tổn hại” nếu các khoản trợ cấp và hạn ngạch không được đảm bảo.

 

Một nhân vật có ảnh hưởng cũng tham gia cuộc tranh luận này là Jacques Attali – cố vấn của cựu Tổng thống Pháp François Mitterrand, cũng là tác giả của những cuốn sách cảnh báo về ngày tận thế của nền kinh tế, thường xuyên đưa ra những giải pháp sâu rộng cho các vấn đề của thế giới.

 

“Một cuộc cải cách không chỉ là đi ngược lại Hiến pháp (khẳng định trong điều 2 rằng “ngôn ngữ của Cộng hòa Pháp là tiếng Pháp”), mà còn là việc bạn không thể tưởng tượng được rằng ý tưởng này sẽ là một thứ ngu ngốc hơn, phản tác dụng hơn và nguy hiểm hơn với lợi ích của nước Pháp” – ông rêu rao trong một blog.

 

Bên cạnh đó, ông Attali cho rằng sinh viên nước ngoài ở Pháp hiện chiếm 13% tổng số 2,3 triệu sinh viên đại học và con số này cao hơn so với con số của nước Đức.

 

Attali nhanh chóng được ủng hộ bởi Viện Hàn lâm Pháp và Michel Serres – một nhà triết học. Viện Hàn lâm Pháp từng cảnh báo về việc “ngôn ngữ của chúng ta bị ra rìa”, trong khi ông Serres miêu tả vấn đề này như một cuộc đấu tranh chống lại các yếu tố nước ngoài hay còn được ông gọi là “sự thống trị của Mỹ”. “Giảng bài bằng tiếng Anh sẽ biến chúng ta thành một quốc gia thuộc địa, khi đó ngôn ngữ của chúng ta sẽ bị đè bẹp bởi những kẻ thực dân” – ông viết.

 

Những bình luận trên Internet còn cho thấy một nỗi lo khác: đó là khoảng cách giàu nghèo. Chỉ những gia đình giàu có mới có thể cho con em mình tới Anh hay Mỹ để hoàn thiện vốn tiếng Anh, vì thế chỉ những đứa trẻ này mới có thể theo học được ở những trường hàng đầu có những khóa học được dạy bằng tiếng Anh.

 

Ở một khía cạnh khác trong cuộc tranh luận, một cuộc họp giữa những người đứng đầu các trường đại học cho rằng những khóa học chỉ dùng tiếng Pháp sẽ là một bức tường kiên cố ngăn chặn những lá đơn xin nhập học của sinh viên nước ngoài. Một nhóm các nhà khoa học danh tiếng đã chỉ ra rằng hầu hết những cuộc đàm thoại mang tính toàn cầu trong lĩnh vực của họ đều diễn ra bằng tiếng Anh và việc sinh viên Pháp và sinh viên nước ngoài có thể góp tiếng nói của mình bằng thứ ngôn ngữ này là một ý kiến hay.

 

Nicole Bacharan – một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chính trị (hay còn gọi là Sciences Po) danh giá cho rằng những cơn sóng phản đối đề xuất của Bộ trưởng Fioraso là sự phản ứng tự nhiên của những trí thức không thể chấp nhận một thực tế rằng kỷ nguyên của tiếng Pháp - với tư cách là thứ ngôn ngữ của thế giới học thuật - đã qua.

 

“Tôi cho rằng đó là một điều ngớ ngẩn xuất phát từ sự thương tiếc sức mạnh vĩ đại của tiếng Pháp, cho rằng tiếng Pháp là ngôn ngữ của ngoại giao và nước Pháp có một nền văn hóa tuyệt vời cần được bảo vệ” – bà nhận định.

 

Một điều luật năm 1994 yêu cầu các lớp học trong trường đại học phải được dạy bằng tiếng Pháp, nhưng thực tế trong 2 thập kỉ qua đã cho thấy nhiều ngoại lệ. Trường School of Higher Commercial Studies danh giá đã giảng dạy bằng tiếng Anh trong nhiều năm nay, cũng giống như Sciences Po.

 

Đề xuất của Bộ trưởng Fioraso sẽ cho phép thêm nhiều khóa học được giảng dạy bằng tiếng Anh, đặc biệt là những khóa học được giảng dạy bởi các giảng viên nước ngoài hoặc trong những ngành khoa học mà tiếng Anh là ngôn ngữ chính của nó.

 

Pouria Amirshahi – nhà lập pháp dẫn đầu phong trào chống lại Bộ trưởng Fioraso – cho rằng bà Fioraso đã nhầm lẫn khi ưu tiên vấn đề này.Ông Amirshahi thừa nhận dạy tiếng nước ngoài là một ý tưởng tốt nhưng kiến thức trong trường đại học Pháp nên được truyền đạt bằng tiếng Pháp, để phù hợp với “tham vọng nói tiếng Pháp” trên toàn thế giới của nước này.

 

Amirshahi đã từng có kinh nghiệm trong việc giúp phổ biến tiếng Pháp. Trong Quốc hội, ông đại diện cho những người Pháp sinh sống ở Bắc Phi – nơi mà thực dân Pháp đã để lại một di sản vĩnh cửu là nền giáo dục nói tiếng Pháp giữa một cộng đồng nói tiếng Ả Rập của khu vực này.

 

Ông cho rằng đó là một thành tích có được nhờ được bảo vệ và giữ gìn. “Đâu là ưu tiên của chúng ta?” – ông đặt câu hỏi.

 

Bài viết của Edward Cody – phóng viên tờ Washington Post ở Paris. Bài viết là quan điểm riêng của tác giả.

 

Theo Nguyễn Thảo

Vietnamnet/Washington Post