Trường công hay “khai phóng” ở Mỹ, không chỉ là chuyện thành phố hay đồng quê…

(Dân trí) - Nếu học các trường thuộc hệ thống National University (NU- Đại học quốc gia), tất nhiên, bạn sẽ sống ở các thành phố lớn của Hoa Kỳ; trái lại khi theo Liberal Art College (LAC - Đại học giáo dục khai phóng) bạn sẽ sống ở những vùng ngoại ô yên bình “không mấy người biết tên”.

Song, câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó… Mỗi hệ thống trường mang một đặc thù về quy mô giảng dạy, khuôn viên, giảng viên, giáo sư, số lượng các chuyên ngành, vị trí địa lý, tính cộng đồng, “tinh thần” đào tạo, chính sách hỗ trợ tài chính… Tất cả sẽ tạo nên môi trường sống và học tập trong suốt 4 năm của bạn tại Hoa Kỳ.


 Bốn diễn giả Hoàng Kiều Anh, Tăng Khánh Linh, MC chương trình, Lê Hồng Minh và Lê Anh Thư (lần lượt từ trái qua phải).

Bốn diễn giả Hoàng Kiều Anh, Tăng Khánh Linh, MC chương trình, Lê Hồng Minh và Lê Anh Thư (lần lượt từ trái qua phải).

Sự tranh đua ở NU là số 1, LAC bao bọc cá tính sinh viên?

Góp mặt tại Hội thảo VietAbroader 2016 tại Hà Nội vừa đây, 4 diễn giả 9X Khánh Linh, Kiều Anh, Hồng Minh, Anh Thư đã mổ xẻ những điểm mạnh – yếu của 2 hệ thống đại học 4 năm tại Mỹ: National University (NU) và Liberal Art College (LAC).

Để phân tích rõ “cá tính” của 2 hệ thống trường NU và LAC, 4 diễn giả đã chia thành 2 nhóm để “bảo vệ” ưu điểm của hệ thống trường mình đang theo học. Tăng Khánh Linh (sinh viên năm 3 trường Columbia University) và Hoàng Kiều Anh (tân sinh viên University of Pennsylvania) đại diện cho nhóm National University. Lê Hồng Minh (sinh viên năm 3 trường Washinton & Jelferson College) và Lê Anh Thư (sinh viên năm 2 trường Oberlin College) đại diện nhóm Liberal Art College.

Tăng Khánh Linh (Sinh viên Columbia University) cho rằng “cơ hội được mở mang tầm mắt và tranh đua với nhau ở NU là số 1” bởi lẽ những trường ĐH Quốc gia là trường có tầm cỡ rất lớn (khoảng 10.000 học sinh) không chỉ bậc đại học mà cả cao học.

Trong khi đó, Hồng Minh (Sinh viên Washinton & Jelferson College) lập luận rằng với quy mô nhỏ hơn và số lượng học sinh từ 300 đến hơn 1000 người, hệ thống LAC sẽ thực sự tập trung đầu tư cho từng sinh viên một.

Phản pháo quan điểm của Hồng Minh, Kiều Anh (tân sinh viên University of Pennsylvania) cho rằng, với quy mô nhỏ, trường LAC quá bao bọc học sinh trong khi cuộc sống ở bên ngoài rất cạnh tranh. “Để cá bơi hãy thả cá vào nước, thế nên học sinh nên chọn NU để thử thách bản thân và biết cuộc sống ngoài đời, sự cạnh tranh cao như thế nào….”, Kiều Anh ví.


Tăng Khánh Linh khẳng định, ở NU, sinh viên sẽ được trải nghiệm môi trường học tập đầy tính cạnh tranh và được gặp gỡ các giáo sư danh tiếng hàng đầu.

Tăng Khánh Linh khẳng định, ở NU, sinh viên sẽ được trải nghiệm môi trường học tập đầy tính cạnh tranh và được gặp gỡ các giáo sư danh tiếng hàng đầu.

Tăng Khánh Linh cũng tự hào vì hệ thống NU là trường học của các vị nguyên thủ quốc gia nước Mỹ, chẳng hạn Tổng thống Obama đã từng tốt nghiệp khoa học chính trị, chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Columbia – ngôi trường mà cô bạn đang theo học.

Lê Anh Thư đáp lại rằng, không phải ai sang Mỹ học cũng ước mơ làm tổng thống. Nếu bạn ước mơ trở thành nhà hoạt động xã hội và hàng ngày đến trường không phải đi giày thì LAC là sự lựa chọn tuyệt vời. Theo Anh Thư: “Học trường LAC thì bạn muốn mặc gì cũng được. Sự tự do về mặt cá tính là điều riêng biệt mà chỉ LAC mới có”.

Nữ sinh Anh Thư đặt câu hỏi cho nhóm đại diện NU rằng: “Nếu ở trong lớp 200-300 người mà học sinh không phải người hướng ngoại thì làm thế nào để giảng viên chú ý đến mình? Trong khi ở LAC, thầy của Anh Thư chỉ mất đúng 15 phút để nhớ mặt, đặt tên tất cả học trò…”

Tăng Khánh Linh đáp lại: Những lớp lớn ở NU sau đó cũng được chia ra các lớp nhỏ chỉ từ 12-15 người. Hơn thế, giảng viên ở NU hầu hết là những người thực sự giỏi, nổi tiếng, đã giành giải Nobel hay từng đi viết luận cho Nhà Trắng…

Mặt khác, cỡ lớp lớn ở NU không gây cản trở việc các thầy cô quan tâm bạn khi mà 1 tuần thầy cô là các giáo sư nổi tiếng có đến 4 tiếng luôn mở cửa văn phòng chào đón học sinh cần tư vấn bài vở, hướng nghiệp.


Lê Anh Thư cho rằng, người thích môi trường yên tĩnh, giao lưu với cộng đồng nhỏ gắn kết thì nên chọn LAC.

Lê Anh Thư cho rằng, người thích môi trường yên tĩnh, giao lưu với cộng đồng nhỏ gắn kết thì nên chọn LAC.

Xin tài trợ, giấy tờ ở LAC đơn giản vì bộ máy hành chính nhỏ

Kích cỡ của trường không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa học sinh – giáo viên mà còn tạo nên đặc thù về tính cộng đồng. Nhóm đại diện LAC tự hào với tính cộng đồng cực kỳ khăng khít như gia đình.

Trong khi nhóm đại diện NU thì tự tin cho rằng, tính cộng đồng ở NU rộng hơn, đa dạng, phong phú hơn, sẽ làm cho bạn bản lĩnh, dạn dĩ rất nhiều khi ra xã hội thực. Đồng thời, mạng lưới alumni (cựu sinh viên) của NU rất nhiều người thành công, nổi tiếng luôn sẵn sàng quay lại đầu tư, tài trợ cho trường.

Nữ sinh Anh Thư khẳng định, dù LAC nhỏ hơn nhưng lại rất hào phóng trong việc cấp tài trợ, học bổng cho sinh viên. Hơn thế, LAC có bộ máy hành chính nhỏ hơn nên khi xin các khoản tiền làm dự án thì hồ sơ, giấy tờ sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với bộ máy to của NU.

Sống ở ngoại ô là thử thách lớn…

Đáng chú ý, hệ thống các trường NU thường nằm vị trí giữa trung tâm thành phố lớn, trong khi đó LAC thường nằm ở ngoại ô, đồng quê. Do đó, cơ hội thông tin, gặp gỡ nhà tuyển dụng và alumni khi bạn học ở NU sẽ dễ dàng hơn nhiều. Thành phố tuy ồn ào, náo nhiệt khiến bạn dễ phân tán việc học hành nhưng mạng lưới giao thông công cộng lại tốt hơn nhiều so với nông thôn.


Hoàng Kiều Anh chọn theo học hệ thống NU vì vị trí các trường tọa lạc ở trung tâm thành phố và các cơ hội việc làm khá nhiều.

Hoàng Kiều Anh chọn theo học hệ thống NU vì vị trí các trường tọa lạc ở trung tâm thành phố và các cơ hội việc làm khá nhiều.

Hồng Minh thì cho rằng, sống ở ngoại ô là thử thách lớn, giúp cô bạn có trải nghiệm quý giá để sau này “vứt ở đâu cũng sống được”. Anh Thư lập luận thêm rằng, không phải ai cũng hướng ngoại, “người thích môi trường yên tĩnh, giao lưu với cộng đồng nhỏ thì nên chọn LAC”.

Vị trí địa lý còn quyết định khí hậu, hãy bảo đảm bạn sẽ không phải đau ốm quanh năm do thời tiết quá lạnh mà ảnh hưởng thành tích học tập.

Về ngành nghề học, các diễn giả đồng tình, LAC ít ngành hơn nhưng luôn sẵn sàng liên kết để đưa sinh viên đến trường lớn khắp thế giới, nếu không thích sang trường lớn, bạn có thể “may đo” sắp xếp khóa học cho phù hợp sở thích của mình.

Một số ngành đào tạo ở LAC khá mới mẻ và có vẻ “không thực tế” khi đặt trong môi trường Việt Nam nhưng trong tương lai, chưa phổ biến không có nghĩa là không có cơ hội.

Cuộc tranh luận đầy hào hứng và chi tiết của 4 diễn giả tại Hội thảo đã giúp khán giả hình dung rõ ràng về môi trường ở hai hệ thống NU và LAC.

Với những sự lựa chọn trước mắt, các bạn đừng quá căng thẳng, mỗi hệ thống trường đều có điểm mạnh, yếu và cá tính rất riêng. Bạn chỉ cần tìm hiểu kỹ về trường và định hướng nguyện vọng cũng như khả năng, sở thích của bản thân thì việc tìm môi trường học tập phù hợp là không quá khó khăn.

Lệ Thu