Từ chuyện thanh niên Mỹ to khỏe trông chờ cơm từ thiện, hành động hướng về quê hương

(Dân trí) - Cách trung tâm thành phố San Francisco (Mỹ) khoảng 1000m là Tenderloin – nơi được mệnh danh là khu tệ nạn xã hội...

Đâu đó ở “thiên đường” – Tôi nhớ Việt Nam!

Mình đến Mỹ theo dạng visa J1 (cultural and educational exchange visa) khi vừa tốt nghiệp đại học để tham gia vào chương trình Internship (thực tập) cho một công ty của Mỹ ở thành phố San Francisco. Các bạn cũng biết San Francisco là một trong những thành phố năng động, lãng mạn nhất nước Mỹ với những tòa nhà chọc trời không thua kém gì Chicago hay New York.

Nhưng câu chuyện bắt đầu khi mình đã ở đây được 2 tuần, mọi thứ không đẹp hoàn hảo như ấn tượng ban đầu. Trên một số con đường dẫn đến khu trung tâm thành phố, người vô gia cư và người hành khất nhiều đến nỗi khách du lịch có phần lo ngại khi đi dạo quanh.

Điều khiến mình ngạc nhiên hơn nữa là khu vực cách trung tâm thành phố khoảng 1.000m, với tên gọi Tenderloin – nơi được mệnh danh là khu tệ nạn xã hội của San Francisco. Người vô gia cư ở đây tập trung từng nhóm trên hầu hết các con đường, nhiều người trong số họ không phải hành khất mà là thành phần nghiện hút.

Lần đầu tiên mình thấy nhiều người vô gia cư và trông có vẻ nguy hiểm nhiều đến như vậy, thật không ngờ San Francisco – thành phố nổi tiếng về du lịch, hiện đại, trẻ trung, luôn đi đầu trong những chiến dịch bảo vệ môi trường lại có nhiều hình ảnh xấu đến như vậy. Tại sao chính phủ lại không giài quyết vấn đề này, ít nhất là chuyển họ đến một nơi nào đó xa hơn để giữ vẻ đẹp cho thành phố? Câu hỏi này cứ lẩng quẩn trong đầu mình rất lâu…

Thời gian cứ lặng lẽ qua đi với lịch trình hằng ngày mỗi sáng mình phải bắt xe điện ngầm đi hơn 1 tiếng đồng hồ để đến chỗ làm, sau đó lại đi về nhà và tranh thủ tham gia trong các nhóm học, câu lạc bộ trên Meetup.com để làm quen với mội trường và văn hóa ở đây. Khi các bạn vào Meetup.com các bạn sẽ có cơ hội tham gia rất nhiều nhóm được chia theo từng chủ đề như: kinh doanh, ẩm thực, công nghệ, tổ chức phi chính phủ…

Ngay từ khi còn nhỏ mình rất thích các công việc từ thiện, nên mình thử đăng ký vào nhóm làm thiện nguyện (volunteer) cho một tổ chức phi lợi nhuận gần chỗ mình ở. Đây là một tổ chức của Mỹ và họ cung cấp những bữa ăn hằng ngày cho người vô gia cư, công việc của mình là phục vụ bưng thức ăn đến từng bàn, từng người. Mình hơi choáng trước số lượng người đến xếp hàng để được bữa ăn miễn phí, trong một căn phòng rộng gấp mấy lần nhà mình mà không còn một chỗ trống nào.

Công việc tuy mệt và bận rộn nhưng mình cũng kịp quan sát và thấy rằng nhiều người trong số họ còn rất trẻ, to cao và mạnh khỏe gấp mấy lần mình. Mình rất ngạc nhiên và tự hỏi tại sao người mạnh khoẻ như vậy lại có thể đi nhận sự giúp đỡ hằng ngày như vậy? Tại sao họ có sức khỏe mà không đi làm? Tại sao chính phủ Mỹ lại quá dễ dàng chi nhiều ngân sách để giúp những con người lười biếng, nghiện ngập như vậy? Và ở Mỹ, đặc biệt là San Francisco lại có rất nhiều tổ chức từ thiện như thế bao gồm của chính phủ và của tư nhân.

Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi của mình bấy lâu nay, vì có nhiều sự trợ giúp như vậy nên người vô gia cư ở những nơi khác tập trung về đây rất nhiều và chính phù Mỹ cũng chưa có hướng giải quyết thỏa đáng cho vấn đề này trong nhiều năm.

Suy nghĩ này làm mình cảm thấy có chút bất mãn và chạnh lòng khi nghĩ đến những người nghèo khổ, những em bé mồ côi khuyết tật, những người phong cùi ở Việt Nam. Đất nước mình còn rất nghèo và người cần được giúp đỡ thì nhiều vô số, họ thật sự chưa được biết đến và họ xứng đáng để nhận sự trợ giúp đó hơn rất nhiều. Giá như có những tổ chức như vậy biết đến Việt Nam, giá như có nhiều công ty mỗi năm làm thiện nguyện tại Việt Nam và giá như những người nước ngoài ở đây biết đến Việt Nam…

Bao câu nói giá như cứ xuất hiện trong đầu mình và một suy nghĩ đơn giản chợt lóe lên “Tại sao mình không giới thiệu Việt Nam đến những người ngoại quốc nơi đây?” Thế là câu hỏi đó lại thôi thúc mình phải làm một điều gì đó…

Chia sẻ, kết nối văn hóa - hành động hướng về quê hương

Mình tìm kiếm trên Meetup.com, chưa thấy một chủ đề hay diễn đàn nào về giới thiệu văn hóa, hay tạo cơ hội để mọi người trao đổi văn hóa với nhau. Hoặc cũng có thể có, nhưng tại San Francisco thì mình chưa thấy, ít nhất là vào thời điểm đó, cách đây 2 năm. Thế là mình bắt đầu tìm hiểu cách thức đăng ký làm thành viên, rồi sau đó trả một khoản phí để có thể đứng ra tổ chức các sự kiện theo ý mình muốn trong thời gian 1 năm.

Mình lên kế hoạch tổ chức sự kiện “trao đổi văn hóa – tìm hiểu Việt Nam – kết bạn”. Mình xem đây là một phần nhỏ trong dự án của riêng mình, và minh rất tâm huyết ngay từ khi bắt đầu. Mình đặt tên dự án là: New Vietgens, chữ “gens” là viết tắt của từ “generation” với mong muốn xây dựng “Thế hệ người Việt mới”.

Mình ao ước sau những hoạt động giao lưu văn hóa những tổ chức, công ty và người dân nơi đây biết đến Việt Nam, họ yêu mến con người, đất nước Việt Nam và sẽ giúp đỡ những người còn kém may mắn ở đây. Số tiền đóng góp mình sẽ tập trung giúp đỡ cho các trẻ em mồ côi, khuyết tật và chương trình giáo dục. Mình thế hệ của các em sẽ là những người Việt mới, năng động, giỏi giang và không thua kém các bạn ngoài nước.

Công việc không hề đơn giản! Một mình mình không thể làm được như vậy nếu không có sự trợ giúp của các bạn thân yêu. Chúng mình quen nhau tại nơi đây, cùng là những người trẻ với nhiều hoài bão, với cùng một trái tim yêu quê hương và họ ủng hộ mình rất nhiều.

Bắt đầu buổi sự kiện, mình chiếu video ngắn về những cảnh đẹp, con người Việt Nam trên nền bài hát “Hello Vietnam”, các bạn ngoại quốc rất thích thú́́́, nhiều bạn còn lẩm nhẩm hát theo, mọi người đã vỗ tay và nói “so beautiful”, “so amazing”, “thank you”… khi video kết thúc. Mình cảm thấy như có thêm động lực, hi vọng mọi người có chút khái niệm khởi đầu về Việt Nam.

Tiếp đến, chúng mình giới thiệu cho họ các món ăn, nước uống và dạy cho họ vài câu xin chào, cám ơn, tên gọi các món ăn bằng Tiếng Việt… tuy không quá 50 người, nhưng không khí buổi tiệc diễn ra sôi nổi và hào hứng. Chỉ trong vòng 20 phút mà hầu hết các món ăn, nước uống đã hết, mình không ngờ họ lại thích đồ ăn Việt Nam như vậy. So với chả giò và gỏi cuốn thì xôi đậu xanh có vẻ như lạ lẫm hơn cả, nhưng cũng còn không nhiều.

Chúng mình say sưa kể về Việt Nam một cách rất thoải mái. Vừa kể chúng mình vừa dẫn họ xem nón lá, giỏ tre, và những hình ảnh trẻ em đang cần giúp đỡ.

Từ chuyện thanh niên Mỹ to khỏe trông chờ cơm từ thiện, hành động hướng về quê hương - 1

Event lần 1 – tổ chức ngày 13/08/2015 tại NextSpace co-working – San Francisco.

Event lần 1 – tổ chức ngày 13/08/2015 tại NextSpace co-working – San Francisco.

Khách tham gia phần đông là dân Mỹ, còn lại đến từ nhiều nơi như: Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Những người đã đi làm thì họ đóng góp nhiều hơn, những bạn sinh viên thì góp một chút. Tuy số tiền không nhiều, nhưng nhóm chúng mình đã vui lắm vì lần đầu tiên tổ chức như khá thành công. Mình đã dùng số tiền thu được gửi về Việt Nam để giúp đỡ các em nhỏ đang bệnh nặng cần tiền điều trị khẩn cấp.

Lần thứ 2 sau khoảng gần 6 tháng sau mình cũng tổ chức như vậy, với sự trang trí, món ăn, thức uống và cả bài múa và trang phục khác nhau. Nhưng mục đích chính vẫn là giao lưu văn hóa – kết bạn và làm từ thiện.

Từ chuyện thanh niên Mỹ to khỏe trông chờ cơm từ thiện, hành động hướng về quê hương - 3

Event lần 2 tại Co-working in China Town SF ngày 27/01/2016.

Event lần 2 tại Co-working in China Town SF ngày 27/01/2016.

Trong tương lai, mình sẽ kết nối với các tổ chức phi lợi nhuận, các công ty để tổ chức chương trình giao lưu văn hóa Mỹ-Việt Nam. Các bạn sinh viên Việt Nam sẽ có cơ hội đi Mỹ dưới sự bảo trợ của các công ty này, và ngược lại người ngoại quốc có thể về Việt Nam kết hợp du lịch và làm thiện nguyện như xây trường học, dạy tiếng anh ngắn hạn cho các em học sinh nghèo…

Hiện tại, mình đã nộp đơn xin cho New Vietgens trở thành tổ chức phi lợi nhận và đã được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận với tên New Vietgens Non-Profit Organization 501(c)3. Mình không biết có thể làm được những điều này không, nhưng mình biết các bạn mình sẽ luôn ủng hộ và cùng mình nổ lực cho những kế hoạch này.

                        Event lần 1                                                                     Event lần 2
Event lần 1 Event lần 2

Lê My

(Từ San Francisco, Hoa Kỳ)