Xin visa du học Pháp dễ hay khó?

(Dân trí) - Nhằm đáp ứng nhu cầu được tìm hiểu thông tin đi du học Pháp của học sinh, sinh viên và phụ huynh, Campus France Vietnam - Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Ngày hội giáo dục đại học Pháp “Bienvenue en France!” - lần thứ 5. Tại đây, những thắc mắc về thủ tục xin cấp visa đã được giải đáp một cách chi tiết.

Việc cấp visa cho một người sang Pháp học không đơn giản như "dán tem lên một chiếc phong thư" – ông Eric Marsault (Tổng phụ trách bộ phận visa của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam) khẳng định khi đối thoại với những bạn trẻ có nhu cầu sang Pháp du học.

Điều này cũng dễ hiểu khi một người được cấp visa vào Pháp thì có thể nhập cảnh 26 quốc gia châu Âu nằm trong khối Schengen.


Các bậc phụ huynh và các em học sinh được tư vấn trực tiếp trong Ngày hội giáo dục đại học Pháp.

Các bậc phụ huynh và các em học sinh được tư vấn trực tiếp trong Ngày hội giáo dục đại học Pháp.

Các bước nộp đơn xin visa sinh viên và visa trao đổi du học Pháp

Nộp hồ sơ xin visa học sinh, sinh viên vào Pháp là một thủ tục hành chính cần thiết. Tổng phụ trách bộ phận visa của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết, thủ tục gồm 4 bước.

Đầu tiên, bạn phải qua được vòng phỏng vấn tại Campus France Vietnam.

Sau đó, nộp hồ sơ yêu cầu cấp thị thực tại Trung tâm TLScontact. Hồ sơ sẽ được xét duyệt bởi Đại sứ quán Pháp. TLScontact không đóng bất kỳ vai trò quyết định nào trong việc duyệt cấp thị thực.

Hồ sơ xin thị thực bao gồm:

• Danh sách các giấy tờ cần cung cấp đối với thị thực dài hạn sinh viên

• Danh sách các giấy tờ cần cung cấp để xin thị thực dài hạn dành cho sinh viên tuổi vị thành niên (chưa đủ 18 tuổi tính đến ngày khởi hành đi Pháp)

• Mẫu tờ khai xin thị thực dài hạn điền một cách rõ ràng, có ghi ngày tháng năm và ký

• Mẫu tờ khai OFII trong đó phải điền phần đầu của tờ khai, là “RUBRIQUES A REMPLIR LORS DE LA DEMANDE DE VISA” (phòng Lãnh sự sẽ điền các ô ở giữa trang: “CADRE RESERVE AU CONSULAT” và trả lại đương đơn cùng với hộ chiếu). Giấy này bắt buộc phải mang theo khi sang Pháp.

Giấy chứng nhận khác (tuỳ trường hợp) :

• Giấy phép của cha mẹ

• Giấy chứng nhận bảo lãnh

• Giấy cam kết bảo lãnh tài chính

Lệ phí hồ sơ: Số tiền đồng Việt Nam tương đương 50 Euros theo tỷ giá quy đổi vào ngày nộp hồ sơ (tỷ giá quy đổi được niêm yết cạnh cổng vào Đại sứ quán). Đương sự phải mang đúng số tiền cần nộp vì phòng Lãnh sự không trả lại tiền lẻ thừa.

Tiếp theo, Đại sứ quán Pháp sẽ xem xét hồ sơ visa trong thời gian từ 10 – 15 ngày.

Cuối cùng, người xin cấp thị thực quay trở lại Trung tâm TLScontact để nhận hồ sơ.

Ông Eric Marsault, Tổng phụ trách bộ phận visa của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh, xin visa cũng giống như khi bạn muốn sang thăm nhà một người nào đó, họ sẽ chỉ cho bạn vào nhà khi họ thực sự tin tưởng bạn.

Do đó, hồ sơ xin visa phải đáp ứng được các tiêu chí như đảm bảo các thông tin trung thực, có mục đích rõ ràng, không có các yếu tố thiếu minh bạch; đảm bảo điều kiện tài chính có thể chi trả cho toàn khóa học (nghĩa là bạn sẽ không phải nghỉ học để đi làm); chứng minh được mình đủ nhận thức, văn minh để không làm thiệt hại về lợi ích của đất nước bạn đến và đảm bảo không trốn ở lại sau khi hết hạn visa.

Đông đảo phụ huynh, học sinh tham dự đang lắng nghe về visa du học Pháp.
Đông đảo phụ huynh, học sinh tham dự đang lắng nghe về visa du học Pháp.

Những điều thắc mắc về visa du học Pháp

Xin visa chính xác bao lâu thì được?

Điều đó còn tuỳ thuộc vào tình hình từng thời điểm. Thời hạn nộp visa ở Lãnh sự quán (LSQ) Pháp sớm nhất là 90 ngày và muộn nhất là 15 ngày trước ngày khởi hành.

Có những yêu cầu cụ thể như thế nào để qua vòng phỏng vấn?

Vòng phỏng vấn chỉ diễn ra tại Campus France, ở LSQ không có phỏng vấn. Đại sứ quán (ĐSQ) sẽ dựa vào đánh giá, ý kiến đề xuất của Campus France để xem xét hồ sơ.

Trong trường hợp nhận được giấy nhập học nhưng không xin được visa thì phải làm thế nào?

Nếu không may hồ sơ chưa đầy đủ, bị từ chối visa thì bạn phải chuẩn bị lại giấy tờ. Ngay khi bạn cảm thấy hồ sơ minh bạch, rõ ràng thì bạn cứ nộp lại càng sớm càng tốt.

Đại sứ quán cũng rất hiểu tâm trạng của nhiều sinh viên Việt Nam bối rối nên chưa chuẩn bị hồ sơ được đúng yêu cầu nên khuyên các bạn phải chuẩn bị kĩ, cẩn thận, tránh sai sót để đỡ mất thời gian.

Nếu bị từ chối visa một số lần thì liệu có bị từ chối vĩnh viễn?

Trong trường hợp visa của bạn bị từ chối, bạn hoàn toàn có thể nộp đơn xin visa lại. Cái quan trọng chính là thông tin chính xác. Điều đó sẽ làm cho các viên chức lãnh sự xem xét cấp visa.

Bao giờ phải xin cấp visa lại?

Thời hạn ĐSQ Pháp tại Việt Nam cấp visa học sinh, sinh viên tối đa là 12 tháng. Sau đó, muốn gia hạn visa thì phải làm thủ tục đó tại Sở cảnh sát địa phương nơi sinh viên đó đang theo học.

Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể gia hạn thêm từ một đến hai năm. Nếu vẫn tiếp tục theo chương trình đang học, thủ tục khá đơn giản. Nhưng nếu muốn chuyển sang ngành học khác, thủ tục sẽ phức tạp hơn.

“Làm thế nào để biết phải xin visa loại nào?

Phụ thuộc vào thời gian mà bạn dự tính học ở đây mà sẽ quyết định việc bạn sẽ phải nộp hồ sơ xin thị thực nào.

Nếu bạn tham gia khóa học ngắn hạn dưới 3 tháng như các khóa tiếng Pháp hoặc một kỳ học ngắn hạn thì bạn nên nộp đơn xin visa Schengen (Court séjour pour etude). Tuy visa này miễn phí nhưng bạn sẽ không thể xin gia hạn.

Visa dài hạn tạm thời (Visa de long séjour temporaire pour études) sẽ cho phép bạn ở lại Pháp và học tập trong sáu tháng.

Nếu bạn định học một khóa dài hạn ở Pháp như để lấy bằng chẳng hạn và kéo dài trên 6 tháng thì bạn sẽ cần visa dài hạn (Visa de long séjour pour études).

Nếu trường đại học mà bạn ứng tuyển yêu cầu bạn đến dự thi để được đánh giá thì bạn sẽ cần xin loại visa thi đầu vào (Visa de court séjour étudiant concours). Khi bạn làm tốt ở kỳ thi đầu vào, bạn có thể sẽ được nộp hồ sơ xin phép được lưu trú một năm.

“Chúng tôi sẽ đảm bảo việc xin visa diễn ra nhanh chóng và khi rời khỏi Đại sứ quán, các bạn đều cảm thấy nơi đó rất nồng hậu và hiếu khách.

Đối với visa dành cho sinh viên đi học tại Pháp, ngoài được đi làm thêm tối đa 20 giờ/ tuần thì các bạn còn được tận hưởng những hỗ trợ về nhà ở.

Chúng tôi cũng hy vọng rằng các bạn học sinh, sinh viên sẽ có quyết định sáng suốt khi lựa chọn học tập ở Pháp với một chương trình học, hệ thống trường học nổi tiếng được thế giới công nhận", ông Eric Marsault - Tổng phụ trách bộ phận visa của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam chia sẻ.

Hồng Vân