Tiếp tục nâng cao chất lượng và quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam

(Dân trí) - Tại Hội nghị Ban chỉ đạo nhà nước về Du lịch - kỳ họp thứ nhất năm 2014, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu nâng cao chất lượng và quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam cùng với khẩu hiệu “an toàn, thân thiện, chất lượng và hiệu quả”.

Chiều 30/5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch đã chủ trì Hội nghị Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch - kỳ họp thứ nhất năm 2014. Tại hội nghị, Phó thủ tướng đã yêu cầu nâng cao chất lượng và quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam cùng với khẩu hiệu “an toàn, thân thiện, chất lượng và hiệu quả”.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL), năm 2013, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định, duy trì tăng trưởng liên tục về lượng khách và tổng thủ từ du lịch. Cụ thể, ngành du lịch đã đón tiếp và phục vụ 7,57 triệu lượt khách quốc tế (tăng 10,6% so với năm 2012). Tổng thu từ khách du lịch đạt 200 nghìn tỷ đồng (tăng 25% so với năm 2012).

Bước sang năm 2014, sau 5 tháng đầu năm, tổng số khách quốc tế đến với Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt khách (tăng 26,07% so với cùng kỳ năm 2013), đa số thị trường khách đều tăng so với cùng kỳ năm 2013; khách du lịch nội địa đạt 20,4 triệu lượt khách (tăng 6,7 % so với cùng kỳ năm 2013); Tổng thu từ khách du lịch đạt 109.160 tỷ đồng (tăng 28% so với cùng kỳ năm 2013).

Các vùng động lực phát triển du lịch đã được hình thành. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cũng như tăng cường, xúc tiến các hoạt động quảng bá. Tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đột phá về ngành du lịch nhằm đưa uy tín, thương hiệu du lịch Việt Nam được quốc tế ghi nhận ngày càng rõ nét.

Hội nghị Ban chỉ đạo nhà nước về Du lịch (Kỳ họp thứ nhất, năm 2014)

Hội nghị Ban chỉ đạo nhà nước về Du lịch (Kỳ họp thứ nhất, năm 2014)

Đánh giá về tình hình du lịch Việt Nam trong năm 2013 và 5 tháng đầu năm 2014, phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: Ngành du lịch đã có những gia tăng nhất định về cả số lượng, chất lượng, ở tất cả các khâu đã có những bước cải tiến rất rõ.

Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, công tác quảng bá, xúc tiến chưa được đầu tư tương xứng. Việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch chưa thực sự có chiều sâu và hiệu quả. Tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch nói chung và doanh nghiệp lữ hành nói riêng ở nhiều địa phương còn nhiều hạn chế.

Trước sự việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam, ngành du lịch cần đưa ra những biện pháp cụ thể để khắc phục khó khăn cũng như nhiều sáng tạo để đẩy mạnh phát triển du lịch. Nhất định không để doanh thu du lịch năm nay bị ảnh hưởng bởi sự việc này. Ngành du lịch cần quyết tâm phấn đấu để vượt lên trên để bù lại những khó khăn của những ngành kinh tế khác.

Đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành tăng cường nắm bắt thông tin, đẩy mạnh công tác truyền thông; mở rộng thị trường du lịch quốc tế; đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa; bảo đảm quyền lợi chính đáng, tuyệt đối an toàn cho khách du lịch; duy trì và cung ứng dịch vụ du lịch bình thường…Ngoài ra, yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp không có hành vi kỳ thị đối với doanh nhân, doanh nghiệp và khách du lịch Trung Quốc.

Một thực tế cho thấy, trong tháng 5, các địa phương có lượng khách Trung Quốc thường xuyên đến du lịch như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, đã có sự sụt giảm nghiêm trọng. Hầu hết các hãng lữ hành Trung Quốc đã thông báo huỷ toàn bộ các tour cho khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam bằng đường hàng không. Lượng khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam bằng đường biển cũng còn không đáng kể.

Trong những tháng tiếp theo của năm 2014, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành du lịch tiếp tục triển khai kế hoạch hành động cụ thể, tổ chức chiến dịch quảng bá Việt Nam. Nghiên cứu thị trường du lịch mới có tiềm năng để đầu tư xứng đáng, đặc biệt chú ý khai thác các thị trường du lịch của các nước Đông Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Nhữ Trang