Đất mặn máu và mồ hôi, nước mắt...

Hơn nửa năm nay, đạo diễn Tường Phương xuôi ngược khắp miền Tây Nam Bộ để thực hiện bộ phim truyền hình nhiều tập Đất mặn.

Như hầu hết phim của ông, Đất mặn được chú ý ngay từ đầu bởi chiều sâu văn hóa, lịch sử và tính vấn đề.

 

Khởi nguồn từ những ký sự nông dân, ký sự đồng bằng của cây bút Võ Đắc Danh từng thu hút sự chú ý của dư luận nhiều năm trước, bộ phim truyền hình nhiều tập Đất mặn của đạo diễn Tường Phương đề cập đến chuyện quản lý đất đai, chuyện nông dân mất đất. Pháp Luật TP.HCM đã trò chuyện cùng Tường Phương khi ông đang dãi nắng dầm mưa cùng đoàn phim ở vùng U Minh Hạ…

 

“Trong đất có biết bao tầng văn hóa, đời sống Việt”

 

Có đúng là ông đang làm phim về những ký sự đau lòng và nhạy cảm quanh chuyện người nông dân mất đất của Võ Đắc Danh?

 

Chỉ đúng một phần. Nhưng Đất mặn đúng là có ý tưởng khởi đầu từ ký sự Đồng cỏ chát, Nỗi niềm U Minh Hạ… của Võ Đắc Danh. Hơn sáu năm trước, đọc những ký sự này, tôi bồi hồi xúc động, phải tìm đến Nhà xuất bản Trẻ xin số điện thoại của tác giả để làm quen. Tôi mời Võ Đắc Danh viết kịch bản nhưng Danh bảo rằng anh không có khả năng viết kịch bản phim, lúc đó cũng chưa phải thời điểm thích hợp để làm những phim nội dung như thế. Vậy nên đề tài nông dân và đất đai được tôi ấp ủ suốt sáu năm qua.

 

Đất mặn là phim về lịch sử quản lý đất đai ở vùng Tây Nam Bộ trải dài từ năm 1930, khi người dân Ngũ Quảng vào Nam khai phá vùng đất cuối cùng của phương Nam. Chuyện quản lý đất đai, nông dân khai hoang rồi mất đất là một lịch sử lâu đời, trải từ thời Pháp chứ không chỉ là chuyện nay mới có… Ký sự của Võ Đắc Danh chỉ là một giai đoạn trong Đất mặn.
 
Đất mặn máu và mồ hôi, nước mắt... - 1
Những nông dân thứ thiệt ở U Minh Hạ vào vai nông dân khẩn hoang đầu thế kỷ 20 trong Đất mặn

 

Trong những ký sự như Nỗi niềm U Minh Hạ…, chuyện nông dân mất đất rất khốc liệt. Còn vấn đề quản lý đất đai, vấn đề của người nông dân trong Đất mặn sẽ như thế nào? Ông muốn gửi gắm gì khi chọn đề tài này?

 

Tôi có tham vọng tái hiện lịch sử làm nông từ thời khẩn hoang đến nay. Tôi muốn xem phim, khán giả sẽ nhớ lại, biết được là để có những mảnh đất nông nghiệp hôm nay, nông dân từ thời khẩn hoang đã phải đánh đổi cả tính mạng. Tôi muốn người xem thấy nông dân đời nào cũng cơ cực trên mảnh ruộng của mình, nên đất luôn mặn máu và mồ hôi, nước mắt.

 

Lịch sử và hiện thực như thế nhưng ngày nay người ta đang xem những mảnh đất nông nghiệp mặn đắng của nông dân như một món đồ sẵn có nên xài vô tội vạ. Người ta quên rằng trong từng mảnh đất ấy, trong nền nông nghiệp còn có biết bao tầng văn hóa, đời sống của cha ông, là nền tảng cho đời sống hiện hữu của chúng ta hôm nay. Phá bỏ, lấy mất những mảnh đất lâu đời của nông dân là phá hủy gốc gác, nền tảng của con người Việt Nam. Trong phim của tôi sẽ có cảnh những mảnh đất thấm máu và mồ hôi khai phá luôn được nông dân đấu tranh bảo vệ bằng tính mạng từ đời này sang đời khác - trải đến bốn đời. Và cũng có những mảnh đất như thế nay đã bị biến thành sân golf.

 

Nông dân gốc làm cố vấn cho phim

 

Với tinh thần phim mang tính đấu tranh cao như thế, ông có gặp khó khăn gì không?

 

Tôi thật may mắn khi nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Ban Giám đốc Hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS) tôi đang công tác. Đúng thời điểm thích hợp là phim được duyệt ngay để làm. Tôi biết phim của mình chạm đến những vấn đề gai góc nhưng sẽ tìm được cách thích hợp để nói, còn hơn là để mọi thứ im lặng trôi đi.

 

Được ủng hộ về mặt tinh thần, phim lại mang tính lịch sử và trải rộng gần suốt trăm năm, Đất mặn hẳn phải có kinh phí làm phim lớn?

 

(Cười) Ai nhìn vào cũng nghĩ là phim của tôi tốn tiền nhiều lắm nhưng thật ra kinh phí của phim cũng như những phim khác của TFS. Thời gian làm phim của tôi cũng không được ưu tiên hơn các phim khác nhiều lắm, chỉ được du di chút ít. Tôi và các anh trong đoàn phải cùng nhau gói ghém làm thôi. Nhưng tôi may mắn khi tất cả mọi người trong đoàn đều nhiệt tình và hết lòng vì phim. Tôi nghĩ chắc các bạn cũng đều muốn góp sức để làm nên một bộ phim tử tế giữa thời buổi phim truyền hình chất lượng kém ồ ạt ra đời.

 

Có tham vọng làm phim tái hiện văn hóa, lịch sử khẩn hoang ở Nam Bộ, ông đã chuẩn bị tư liệu ra sao? Ai là cố vấn lịch sử, văn hóa cho phim?

 

Tôi không nhờ đến những cố vấn lịch sử. Tôi có gần sáu năm để tìm tư liệu lịch sử về khẩn hoang và nông nghiệp Nam Bộ. Tôi cũng đi về miền Tây rất nhiều chuyến để tìm hiểu, chọn cảnh, chuẩn bị cho phim. Vật dụng lịch sử nghề nông phía Nam trong phim tôi có đủ từ cái phảng, cái cù móc, cho đến cái nọc cấy, cái bàn mạ… Nhiều thứ trong đó bây giờ gần như không còn thấy. Tôi nhờ chính những nông dân gốc từ già đến trẻ và cả những kỹ sư nông nghiệp địa phương vừa làm cố vấn nghề nông vừa vào vai nông dân trong phim.

 

Tôi lại may mắn có ngay chính tác giả kịch bản Đất mặn là Võ Đắc Dự (em trai anh Võ Đắc Danh) - một người sinh ra và lớn lên ở Cà Mau - làm cố vấn văn hóa cho mình. Gốc nông dân, anh Dự hiểu biết rất sâu sắc về tâm lý, đời sống của người dân Nam Bộ nên nói được những bức xúc, chia sẻ được nỗi niềm của người nông dân về đất.

 

Cám ơn ông.

 

Trước khi về TFS, Tường Phương có nhiều năm làm đạo diễn phim tài liệu ở Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu. Trong gia tài nghệ thuật của mình, Tường Phương sở hữu hơn 10 giải thưởng cho thể loại phim tài liệu lẫn phim truyện, ở cả hai lĩnh vực viết kịch bản lẫn đạo diễn cho những phim ông làm chung lẫn làm riêng.

Đất mặn máu và mồ hôi, nước mắt... - 2

Đạo diễn Tường Phương đang chỉ đạo diễn xuất ở U Minh Hạ

Được tiếng là một đạo diễn kỹ tính, ông làm phim không nhiều nhưng với phim truyện, gần như bộ phim nào của ông cũng tạo được dấu ấn sâu đậm nơi khán giả (Lời thề, Đất khách, Dưới cờ đại nghĩa, Ký sự pháp đình 1, 2...).

Theo Hòa Bình

Pháp Luật TPHCM