Phạm Thiên Trang, Miss Vietnam USA:

"Phụ nữ ở Mỹ không phụ thuộc phái nam như ở VN"

Cuộc thi hoa hậu Miss Việt Nam USA, dành cho người Việt ở Mỹ, lần thứ ba sẽ được tổ chức ở quận Cam, tiểu bang California. Nhân dịp này, đài BBC đã có cuộc phỏng vấn với Phạm Thiên Trang, đương kim hoa hậu, người đã giành vương miện trong cuộc thi tổ chức năm 2004.

Hơn 60 thí sinh từ các tiểu bang ở Mỹ sẽ tranh tài, với ngôi vương miện được nhận giải thưởng 10.000 đôla và một ôtô Mercedes Benz.

Đêm chung kết sẽ khai mạc vào lúc 7h tối ngày 30/7 ở Orange County Performing Arts Center, South Coast Plaza.

Cũng dịp này, đương kim hoa hậu Phạm Thiên Trang lại càng được báo giới để ý nhiều hơn. Trước khi cùng gia đình sang định cư ở Mỹ năm 2002, Phạm Thiên Trang là người mẫu cho một số chương trình thời trang ở Việt Nam. Hiện Trang đang học chương trình quảng trị kinh doanh ở trường Orange Coast College.

Năm 2000, cô đoạt vương miện Á Hậu I của các tỉnh phía Nam trong cuộc thi Hoa hậu tổ chức ở Việt Nam. Đến với cuộc thi ở Mỹ, cô thấy có điều gì khác?

Cuộc thi Miss Vietnam USA khác nhiều so với các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam. Tại Việt Nam, các thí sinh chỉ trả lời bằng tiếng Việt, còn các thí sinh ở Mỹ có những người nói bằng tiếng Anh.

Ở cuộc thi tại Mỹ, các câu hỏi với thí sinh phần lớn tập trung vào truyền thống văn hóa VN, ngoài ra là hỏi về cuộc sống, con người ở Mỹ.

Các thí sinh phải kết hợp cả hai yếu tố Việt – Mỹ để có một cuộc thi đúng nghĩa là Miss Vietnam USA.

Sự quan tâm của người Việt ở Mỹ với cuộc thi hoa hậu có lớn khi so với sự quan tâm ở Việt Nam không?

Em cảm thấy ở Việt Nam, mọi người quan tâm đến cuộc thi hoa hậu nhiều hơn.

Ở Mỹ, ngoài khía cạnh tỉ lệ dân số, thì có lẽ còn vì cuộc thi mới chỉ ở năm thứ ba. Hy vọng cuộc thi sau này ngày càng lớn hơn, có những tiến bộ, thành công, thì người Việt ở đây sẽ chú ý đến nhiều hơn.

Giải thưởng cuộc thi lớn, ngoài chiếc Mercedes lại còn tiền thưởng. Thế những người được giải có một ngã rẽ lớn trong cuộc sống, như nhiều thí sinh ở các cuộc thi ở VN không?

Cuộc sống ở Mỹ hoàn toàn khác với ở Việt Nam. Người ở Mỹ ai cũng bận rộn; công việc dù lớn hay nhỏ, thì mọi người đều có khả năng làm việc, lựa chọn.

Các hoa hậu ở mấy cuộc thi trước, giống như em, đều là học sinh còn đi học. Có người sau đó ra trường, mỗi người một con đường riêng, sau khi ra trường, có công việc ổn định.

Em cảm giác ở đây, người phụ nữ không lệ thuộc vào người đàn ông như ở Việt Nam. Nên có thể một số cô gái ở Việt Nam có suy nghĩ cần dựa vào sự chăm sóc của một người nam, nên có thể nhiều người bị sa ngã.

Ở Mỹ, em thấy các cô hoa hậu họ đi làm, cũng như mọi người. Cũng bận rộn nên không có thời giờ đi chơi nhiều, vì vậy chắc không nói là dễ có sự sa ngã.

Nhiều cô gái ở Việt Nam, sau khi đã thành hoa hậu, á hậu, có kể về những lần nhận những “lời đề nghị khiếm nhã”. Thế còn các bạn ở Mỹ thì thế nào?

Những cô hoa hậu khác, em không biết. Với em, em chưa thấy có lời đề nghị nào khiếm nhã với mình. Ở trên đường phố, nhiều người nhận ra em, nhưng họ đều lịch sự và tôn trọng em.

Cuộc sống của Trang, sau khi đăng quang, có gì thay đổi lớn không?

Em không cảm thấy có sự thay đổi lớn, ngoài việc em nhận một chiếc Mercedes mới. Sau khi đăng quang, em tham gia một số công tác ở cộng đồng. Bên cạnh đó, em đi làm, đi học như bao người khác. Em không thấy có sự khác biệt hay thay đổi gì nhiều.

 Theo BBC