9 lỗi cần tránh khi viết bài luận xin học đại học ở nước ngoài

(Dân trí) - Bài luận xin học có thể được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất để giới chức tuyển sinh quyết định liệu bạn có được nhận vào trường hay không. Sau đây là một số lỗi mà các ứng viên thường gặp phải khi viết bài luận xin học các bạn nên tránh.

9 lỗi cần tránh khi viết bài luận xin học đại học ở nước ngoài - 1

1. Trích dẫn một câu nói nổi tiếng lên phần mở bài

Bài luận xin học là cơ hội để các nhà tuyển sinh có thể đưa ra đánh giá một phần về các ứng viên và họ muốn được biết những thông tin, định hướng cũng như kế hoạch tương lai của bạn. Vì vậy, hãy chỉ trích dẫn những câu châm ngôn, câu nói nổi tiếng nếu nó thực sự truyền cảm hứng cho bạn hoặc có liên quan trực tiếp tới những trải nghiệm cá nhân mà bạn đã từng trải qua.

2. Viết về những thứ mà bạn nghĩ hội đồng tuyển sinh muốn nghe

Đừng cố gắng dự đoán những gì các nhà tuyển sinh muốn ở bạn. Thay vào đó hãy coi bài luận là một cơ hội để bạn có thể thể hiện những giá trị sẵn có cũng như cái tôi của mình. Đó chính là những thứ giúp bạn khác biệt và nổi bật hơn những ứng viên khác.

3. Cố gắng viết như một nhà văn

Đừng khiên cưỡng và cố gắng sử dụng giọng văn theo cách của một tác phẩm văn học bởi nó có thể khiến bài luận của bạn trở nên lủng củng và khó hiểu. Thay vào đó, bài luận của bạn cần dễ hiểu, súc tích song vẫn cần tránh những từ lóng cũng như những từ ngữ không đúng mực. Tuy nhiên đừng để bài luận quá khô cứng mà hãy viết như một tâm sự hay sự trải lòng của bạn.

4. Đưa quá nhiều ý tưởng vào bài luận

Mỗi bài luận đều có giới hạn số từ vì vậy việc đưa quá nhiều ý tưởng và ý kiến sẽ khiến nó trở nên lan man và thiếu kết dính. Vì vậy, bạn chỉ nên tập trung vào từ 1 tới 2 ý trọng tâm và phát triển bài viết xung quanh những ý đó. Ngoài ra, bạn có thể khéo léo lồng ghép thêm một số ý vào trong phần giới thiệu bản thân bên cạnh các bài luận khác mà hội đồng tuyển sinh yêu cầu.

5. Liệt kê các hoạt động ngoại khóa

Trong bộ hồ sơ xin học sẽ có một phần riêng để bạn liệt kê các hoạt động ngoại khóa của bạn từ các cấp học trước cũng như ngoài xã hội. Vì vậy, đừng lặp lại về những hoạt động này trong bài luận. Thay vào đó, bạn có thể chọn một hoạt động mà bạn cảm thấy nổi bật và có nhiều ý nghĩa nhất nếu nó giúp làm nổi bật tính cách của bạn.

6. Viết về những thứ bạn chưa thực sự trải nghiệm

Đừng cố gắng viết về những thứ bạn chưa thực sự trải nghiệm chỉ để tạo ấn tượng với các nhà tuyển sinh bởi người đọc sẽ nhanh chóng nhận ra điều này. Khi viết về những thứ chưa trải qua, bạn sẽ không thể diễn đạt về nó một cách chân thật, rõ ràng và rõ ràng nhất. Dù gì thì bài luận cũng là về con người thật của bạn, vì vậy chính những thứ bạn đã trải qua, kể cả là những thất bại hay khó khăn, mới là thứ mà các nhà tuyển sinh muốn nghe.

7. Đưa ra các lý do và luận điểm chung chung

Khi đưa ra câu hỏi tại sao bạn lại chọn ngôi trường cũng như ngành học này, các nhà tuyển sinh tất nhiên không chỉ muốn nghe những câu trả lời chung chung giống như vì đây là một ngôi trường nổi tiếng và ngành học này sẽ giúp bạn đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Hãy tìm hiểu thật kỹ về trường cũng như ngành học mà bạn dự định tham gia qua đó có thể nêu bật lên lý do và mục đích khiến bạn cảm thấy đây là sự lựa chọn tốt nhất và phù hợp nhất với bạn.

8. Coi bài luận như một bài tập về nhà

Bài luận xin học là một thứ khác hoàn toàn so với những bài tập về nhà của bạn trước đây. Bài luận này sẽ chỉ tập trung vào bản thân bạn, thể hiện bạn là ai và những đặc điểm cũng như tính cách đặc trưng của bạn.

Hãy cố gắng gắn kết những luận điểm với các trải nghiệm bản thân cũng như niềm đam mê của bạn.

9. Gửi một bài luận thiếu sự tỉ mỉ trong khâu đánh máy

Bất cứ loại văn bản nào, kể cả là bài tập về nhà hay bài luận, phương thức trình bày luôn là một trong nhũng yếu tố quan trọng nhất. Dù bài luận của bạn có hay và xuất sắc đến mấy song việc có quá nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp cũng sẽ là điểm trừ của bạn trong mắt các nhà tuyển sinh. Vì vậy, sau khi viết xong bài luận, dành thời gian đọc lại để tìm ra những lỗi sai để sửa chữa là một điều không thừa thãi chút nào.

Ninh Nhật (theo Huffington Post)