Bao giờ ổn định ở ĐH Hùng Vương TPHCM?

(Dân trí)-Diễn biến những ngày qua tại trường ĐH Hùng Vương TPHCM cho thấy “cuộc chiến tranh giành quyền lực” vẫn chưa có hồi kết. Ngày 26/6, Đại hội đồng cổ đông bất thường của trường được tổ chức để giải quyết các vấn đề mâu thuẫn nhưng để ổn định vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Trong quá trình giành lợi thế, phía hội đồng quản trị (HĐQT) “phe” ông Hoàng Sỹ Hóa, Phó chủ tịch HĐQT (theo lời ông này ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT đã ủy quyền cho ông) cho rằng ông Ngô Gia Lương tự phong đại diện cho 85,25% cổ phần là bịa đặt, ghi sai số cổ phần, có ý chiếm đoạt tài sản của tổ chức và công dân. Đồng thời, “phe” này cũng kêu gọi mọi cổ đông, các cá nhân, tổ chức không tham dự đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường mà ông Lương triệu tập. Thậm chí, ông Lương Ngọc Toản, một thành viên HĐQT thuộc “phe” này còn phát biểu rằng “Chúng tôi kiên quyết phá ĐHCĐ bất thường bất hợp pháp đó”.

Bao giờ ổn định ở ĐH Hùng Vương TPHCM?
Các thầy đủ kiểu để quyết lấy lại con dấu, giành quyền thắng còn sinh viên thì không hiểu “người lớn” đang có “trò” gì lạ.

Trong động thái muốn chiếm ưu thế, ngày 24/5, các thành viên HĐQT thuộc “bên” ông Hoàng Sỹ Hóa cũng tổ chức buổi họp với sự có mặt của 7 thành viên (6 thành viên hiện diện, riêng ông Nguyễn Quốc Sỹ thì được ông Hóa đại diện). Cũng trong buổi họp, ông Tạ Văn Thành, một thành viên của HĐQT tự ứng cử và được bầu làm hiệu trưởng tạm quyền.

Mặc dù bị nhóm ông Hóa cực lực phản đối nhưng Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2013 vẫn diễn ra với sự có mặt của 9/14 cổ đông tham dự, chiếm 86,17% cổ phần. Chủ trì đại hội đồng cổ đông bất thường là ông Ngô Gia Lương, con trai cố GS Ngô Gia Hy - người sáng lập trường ĐH Hùng Vương, thành viên HĐQT. Ông Lương cho biết đại hội bất thường được tổ chức nhằm để thực hiện theo kết luận số 51/KL-TTTP-P3 của Thanh tra TPHCM và triển khai quyết định của Chủ tịch UBND TPHCM về việc không công nhận ông Lê Văn Lý làm hiệu trưởng nhà trường.

Bao giờ ổn định ở ĐH Hùng Vương TPHCM?
Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2013 đã ra nghị quyết bãi nhiệm một số vị thành viên HĐQT.

Còn theo Ban kiểm soát trường ĐH Hùng Vương, căn cứ theo theo kết luận số 51/KL-TTTP-P3 có nêu vốn chủ sở hữu chiếm hơn 26 tỷ đồng theo báo cáo tài chính ngày 31/12/2009 (đã được kiểm toán). Trong đó, nhóm cổ đông sở hữu phần vốn góp thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia của trường chiếm nhiều hơn. Căn cứ quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục, các cổ đông hội đủ điều kiện theo luật định và Đại hội đủ điều kiện để tổ chức.

Trong Đại hội, các ĐHĐCĐ lắng nghe, bàn bạc và quyết nghị một số vấn đề. Cụ thể, ĐHĐCĐ đã biểu quyết thông qua việc miễn nhiệm tư cách lãnh đạo và thành viên HĐQT của ông Đặng Thành Tâm, Hoàng Sĩ Hóa, Tạ Văn Thành, Nguyễn Tri Hổ, Nguyễn Quốc Sỹ… Theo Ban kiểm soát, ông Nguyễn Thành Tâm Tâm đã vi phạm nghiêm trọng quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Khi chưa có quyết định công nhận là chủ tịch HĐQT, ông Tâm đã ký 11 văn bản và tự xưng mình là Chủ tịch HĐQT; đến nay ông này vẫn chưa có công văn thu hồi lại 11 văn bản đó. Ngày 29/8/, ông Tâm lại ký quyết định số 18/2012/CV-HĐQT yêu cầu thay đổi chủ tài khoản từ Hiệu trưởng sang ông Hoàng Sỹ Hóa….

Lý do bãi nhiệm ông Hoàng Sỹ Hóa vì ông đã tự xưng là Phó chủ tịch HĐQT, ký nhiều văn bản gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi cổ đông, tập thể cán bộ nhân viên, giảng viên cơ hữu của trường. Ngoài việc ký các văn bản trái luật, ông này đã đề nghị ngân hàng Vietinbank TPHCM phong tỏa tài khoản trường, làm cho gần 200 cán bộ, nhân viên, giảng viên chậm nhận lương trong vòng 3 tháng.

Ngoài ra, Đại hội cũng ra nghị quyết giao cho Hiệu trưởng tạm quyền nhờ công ty tư vấn luật khởi kiện ông Lương Ngọc Toản ra tòa án vì với tư cách Trưởng ban chỉ đạo chuyển đổi loại hình trường từ dân lập sang tư thục đã ký các quyết định xác định khống về tài chính để các nhà đầu tư mới chiếm đa số bất hợp pháp gây tổn hại đến trường.

Đồng thời, ĐHĐCĐ đã bầu PGS.TS Nguyễn Đăng Dờn, trưởng khoa Tài chính Ngân hàng làm Hiệu trưởng tạm quyền và sẽ báo cáo với UBND TPHCM. Như vậy, đến thời điểm này, trường ĐH Hùng Vương có đến 2 ông “hiệu trưởng” tạm quyền nhưng chưa được công nhận là ông Tạn Văn Thành và ông Nguyễn Đăng Dờn.

Liên quan đến việc bàn giao con dấu, ông Lý cho biết do có tình huống mới phát sinh sau khi ĐHĐCĐ diễn ra nên ông đã có văn bản báo cáo UBND TPHCM và chờ ý kiến chỉ đạo về việc bàn giao con dấu cho ai, như thế nào.

Xem ra, “cuộc chiến tranh giành quyền lực” vẫn chưa thể dứt, dù phần đúng, sai của mỗi bên đều đã rõ. Ngoài tổn thất thấy rõ là trường đã bị dừng tuyển sinh 2 năm liên tiếp, thương hiệu ĐH Hùng Vương phần nào đã “mất giá” sau những lùm xùm nội bộ. Nếu không được giải quyết dứt điểm, cán bộ nhân viên, giảng viên và sinh viên của trường cũng bị thiệt hại không ít.

Lê Phương