Bộ trưởng GD&ĐT: Chất lượng đào tạo ĐH, CĐ chưa tốt vì chưa sát với thực tế

(Dân trí) - “Các trường đại học phải thay đổi, thầy cô cũng phải thay đổi để có chương trình phù hợp với thực tiễn. Tới đây cũng sẽ có nhiều chương trình đào tạo gắn với thực tế hơn nữa. Từ đó chúng ta mới có những nhân lực mà doanh nghiệp mời chào”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho hay.

Các môn lý luận chính trị mà sinh viên “sợ” sẽ được dạy theo phương pháp mới.

Chiều 11/12, 690 đại biểu sinh viên ưu tú trên cả nước đối thoại với lãnh đạo các Bộ bao gồm: ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội; ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài Chính.

Sinh viên có rất nhiều nguyện vọng muốn được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải đáp
Sinh viên có rất nhiều nguyện vọng muốn được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải đáp

Dịp này, các bạn sinh viên đặt nhiều câu hỏi nói lên những tâm nguyện, vướng mắc đại diện cho 2,4 triệu sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng trên khắp cả nước.

Câu hỏi đầu tiên mà các đại biểu sinh viên dành cho lãnh đạo các bộ ngành đến từ một bạn SV ĐH Bách khoa TP.HCM: Một trong những nguyên nhân khá lớn khiến việc giáo dục, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị cho sinh viên có hiệu quả chưa cao là do một bộ phận sinh viên đang không thật sự hứng thú khi tham gia học tập các môn như lý luận chính trị như chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Dù đã những cải cách, đổi mới phương pháp học tập và giảng dạy, tuy nhiên một bộ phận sinh viên vẫn còn “sợ”, chưa xem trọng khi học những môn học trên. Đây cũng chính là gốc rễ của vấn đề về bản lĩnh chính trị, thái độ, tinh thần của sinh viên mỗi khi có những vấn đề về chính trị xảy ra. Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ có biện pháp như thế nào trong thời gian tới?

Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời: "Các bạn sinh viên tuy tuổi đời chưa nhiều nhưng rất có chính kiến. Thậm chí những thông tin nhiều chiều, sinh viên cũng có những ý kiến nhiều chiều rất thú vị.

Chúng tôi đã tham mưu cùng với Ban Tuyên giáo trung ương để đổi mới các môn học lý luận chính trị như Tư tưởng Hồ Chí Minh và Mác Lê-nin. Sắp tới chúng tôi sẽ thí điểm phương pháp học môn lý luận chính trị mới ở một số trường để làm sao cho các môn học lý luận chính trị thiết thực, đúng định hướng và gần gũi với cuộc sống, để công tác dạy và học tốt hơn".

Chất lượng đầu ra ĐH, CĐ chưa tốt vì chưa sát với thực tế

SV Bùi Tuấn Kiệt (Bình Định) hỏi: "Qua quan sát nhận thấy sinh viên hiện nay bị hạn chế về thực hành, thực tế. Trong khi đó, lại có tình trạng các cơ quan, doanh nghiệp không muốn nhận sinh viên đến kiến tập, thực tập, tham quan, tìm hiểu các dây chuyền công nghệ mới...

Mặt khác, các trường kể cả trường kỹ thuật, sinh viên cũng chủ yếu học lý thuyết. Đại biểu muốn biết sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ chế, chính sách gì giúp sinh viên có cơ hội được thực hành và tiếp xúc thực tiễn đời sống sản xuất?"


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Tới đây cũng sẽ có nhiều chương trình đào tạo gắn với thực tế hơn nữa. Từ đó chúng ta mới có những nhân lực mà doanh nghiệp mời chào.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: "Tới đây cũng sẽ có nhiều chương trình đào tạo gắn với thực tế hơn nữa. Từ đó chúng ta mới có những nhân lực mà doanh nghiệp mời chào".

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời: "Lí do chất lượng đào tạo chưa tốt là đào tạo chưa sát với nhu cầu thực tế. Cho đến bây giờ tuyển sinh vẫn nhấn mạnh quảng bá về chính các trường đại học. Do vậy, khâu dự báo để đoán được nhu cầu của thị trường trung và dài hạn là quan trọng.

Rất tiếc, ở Việt Nam, số trường đại học theo cách tiếp cận này còn hạn chế, trong khi ở các nước có nền kinh tế thị trường thì rất quan tâm tới vấn đề này.

Đào tạo của các trường đại học Việt Nam chưa phản ánh được nhu cầu thị trường. Chính vì vậy khi đi thực tập các bạn SV gặp nhiều khó khăn. Khó khăn khách quan là các bạn xin vào thực tập tại các doanh nghiệp mà doanh nghiệp không có lợi ích gì là khó.

Thứ hai là do chương trình đào tạo chưa sát với thực tiễn. Thứ ba là do chính sinh viên chưa nghiên cứu thực tiễn ngành nghề, chưa xem xét kĩ càng trước khi xin thực tập ở các cơ sở, doanh nghiệp.

Do vậy các trường cần phải tham khảo doanh nghiệp, cơ sở về nhu cầu để xây dựng chương trình đào tạo, mã ngành cho sát thực tế.

Bên cạnh đó, không phải cứ đào tạo đại học xong là làm việc được ngay. SV cần có thời gian để làm quen với môi trường mới, như là doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp mất thời gian để đào tạo lại.

Hiện tại cơ chế tự chủ rồi, các trường đại học phải có trách nhiệm với người học Nếu cứ làm như truyền thống dần dần sẽ không có SV đến học. Như vậy các trường đại học phải thay đổi, thầy cô cũng phải thay đổi để có chương trình phù hợp với thực tiễn.

Năm ngoái, chúng tôi thí điểm đào tạo về CNTT và du lịch, đào tạo ngoài nhà trường từ 30-50% số lượng tín chỉ. Tới đây cũng sẽ có nhiều chương trình đào tạo gắn với thực tế hơn nữa. Từ đó chúng ta mới có những nhân lực mà doanh nghiệp mời chào".

SV Lê Thảo Vy (Đắc Lắk) hỏi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải đáp về vấn đề bức thiết tại các trường cao đẳng nghề là chưa được cung cấp thông tin hữu ích về nhu cầu và xu hướng của thị trường đối với các ngành nghề lao động. Do đó, việc lựa chọn ngành nghề, căn cứ nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động để xác lập lộ trình học tập còn rất hạn chế. Trong khi đó xã hội cần lao động có đào tạo bài bản, nhưng các trường cao đẳng nghề thời gian qua có xu thể giảm số lượng.

Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Hiện nay, các trường nghề cần phải phối hợp cùng với doanh nghiệp để tuyển sinh thì sẽ rất là thực tế.
Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: "Hiện nay, các trường nghề cần phải phối hợp cùng với doanh nghiệp để tuyển sinh thì sẽ rất là thực tế".

Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trả lời: "Vấn đề hiện nay là học ra phải có việc làm. Trong các trường nghề cần đào tạo ra người có thể làm việc ngay. Câu hỏi này liên quan tới câu hỏi trước, chính là phải vừa học vừa làm. Một số ngành nghề cần tới 50%, tối đa là 70% thực hành. Bộ cũng đã cho phép có 40-50% giờ học là do doanh nghiệp giảng dạy.

Hiện nay, các trường nghề cần phải phối hợp cùng với doanh nghiệp để tuyển sinh thì sẽ rất là thực tế. Cùng với khi ra trường, SV được đảm bảo với vấn đề việc làm và thu nhập tốt. Nếu các trường không hiểu được nhu cầu thị trường thì không tuyển sinh tốt được.

Hiện nay, nhiều trường nghề rất yếu vì không thích nghi được với tình hình hiện tại. Nhưng cũng đã có 29 trường CĐ thành công vì đã cam kết với người học là khi ra trường không có việc làm thì trả lại tiền cho người học. Đó là những ngôi trường thu hút người học. Chúng tôi đang nỗ lực để toàn quốc sẽ có khoảng trên 500 trường nghề và trung cấp mạnh".

Mai Châm