Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Để start up vươn ra toàn cầu, điểm nghẽn là tiếng Anh"

(Dân trí) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng đưa ra những biện pháp đang thực hiện và đề xuất những giải pháp đề thúc đẩy khởi nghiệp.

Đã có cơ chế thành lập quỹ đầu tư nhanh gọn

Tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp 2018, sau khi lắng nghe rất nhiều ý kiến của các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp vướng mắc về vốn, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính..., các lãnh đạo Bộ, Ngành liên quan có câu trả lời dựa trên chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là phải thực chất chứ không nói suông.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng nói rằng hiện nay chúng ta không còn thủ tục cấp giấy chứng nhận nhà đầu tư nữa, góp phần giảm thiểu sự phức tạp cho các nhà đầu tư.

Cũng như thế, việc thành lập các quỹ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng được rút gọn một cách tối đa quy trình thành lập. Doanh nghiệp có thể trực tiếp điều hành quỹ đầu tư của mình. Thứ trưởng nhắc nhiều về Nghị định 38 hướng dẫn đầu tư nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng

Thứ trưởng Thắng cho biết Bộ KH&ĐT cũng đang kết hợp Bộ Khoa học công nghệ để hoàn tiện các hướng dẫn để thành lập quỹ khởi nghiệp sáng tạo và hoàn thiện cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể, trước đây thành lập quỹ đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp cần 15-30 ngày, hiện tại 3-5 ngày, có một số tỉnh thành đã rút gọn chỉ còn 1 ngày.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với cách làm rút gọn quy trình của các Bộ. Thủ tướng nói “Phải rút gọn quy trình thành lập quỹ đầu tư nếu không các nhà đầu tư “thiên thần” sẽ biến mất”.

Cũng tại Diễn đàn, Phó Thống đốc Ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tú cho biết một thực tế là việc các ngân hàng thương mại đầu tư cho DN khởi nghiệp rất khó vì các ngân hàng cho vay cần mức độ tín dụng (thế chấp) mà đầu tư cho khởi nghiệp tính rủi ro rất cao.

Phó Thống đốc Ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tú
Phó Thống đốc Ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tú

Phó Thống đốc minh chứng: Thông thường ở các nước, nguồn vốn cho DN khởi nghiệp vẫn là các quỹ đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm. Tuy vậy, hiện tại vay vốn cho nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp có thể huy động được vốn ngân hàng, có thể lên tới 70-80% dự án, lãi suất cũng được đưa vào nhóm ưu đãi (6,5% hiện tại).

Như vậy có nghĩa DN khởi nghiệp sáng tạo khó có thể thể tiếp cận vốn từ ngân hàng. Phó Thống đốc nói rằng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ có những quy định cởi mở hơn để các ngân hàng mở rộng vốn cho các DN khởi nghiệp.

Đề xuất sửa đổi luật để DN khởi nghiệp sẽ lên sàn chứng khoán

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải

Về vấn đề cung cập thông tin hỗ trợ khởi nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải hứa là Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ KHCN để hoàn thành cổng thông tin khởi nghiệp, đồng thời tiếp tục thiết lập các mạng lưới liên kết DN khởi nghiệp.

Bộ Tài chính sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các DN khởi nghiệp để thời gian tới có những cơ chế phù hợp thúc đẩy khởi nghiệp. Bộ Tài chính đề xuất ngân sách dành cho khoa học công nghệ cần dành ra một gói dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khoa học công nghệ.

Năm sau, Bộ Tài chính sẽ trình sửa đổi luật chứng khoán sao cho phù hợp với các DN khởi nghiệp để lên sàn chứng khoán, tiếp cận nguồn vốn.

Về vấn đề nộp thuế, quy định pháp luật hiện hành cũng đã có những ưu đãi về thuế cho những DN phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh phát biểu: “Làm sao hình thành được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là vấn đề tất cả mọi người đều quan tâm. Chúng tôi cũng lắng nghe ý kiến của các DN tại đây để điều chỉnh cơ chế, cùng với các Bộ liên quan để làm sao khiến cho quy trình thủ tục ngắn gọn nhất có thể. Để khởi nghiệp thành công chúng ta cần có các yếu tố: hạ tầng, thể chế chính sách, tài chính - nguồn vốn, thị trường, văn hoá, nhân tài. Làm thế nào hoàn thiện các yếu tố này là cách để giúp đỡ DN khởi nghiệp”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phân tích, có 4 con đường trong đổi mới sáng tạo, trong đó có sự tham gia của các trường học, học sinh - sinh viên. Bộ GD đã có kế hoạch hướng dẫn thúc đẩy sự tham gia khởi nghiệp của học sinh - sinh viên.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT khởi động tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong nhà trường và trang bị kiến thức trong nhà trường cho học sinh - sinh viên để khiến cho các em hiểu về khởi nghiệp, dám khởi nghiệp và giảm thiểu rủi ro khởi nghiệp trong tương lai.

Bộ GD&ĐT đang triển khai Đề án 1665 về khởi nghiệp trong nhà trường, đồng thời tạo ra các module về khởi nghiệp sáng tạo để truyền cảm hứng trong nhà trường. Môi trường đại học cũng đang tạo môi trường, không gian chung để học sinh - sinh viên cùng trao đổi, sáng tạo ra các ý tưởng khởi nghiệp. Đối với các trường đại học, nguồn lực quan trọng là các giảng viên và sinh viên giỏi có thể hợp tác để hình thành các chuỗi từ ý tưởng nghiên cứu tới triển khai ứng dụng.

Mặt khác, các doanh nghiệp và nhà trường kết hợp cũng có thể đầu tư cho các dự án khởi nghiệp để phát triển startup, mong được các doanh nghiệp đồng hành cùng với các trường học để thực hiện. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến khích các trường đẩy mạnh học tập, đưa những công nghệ mới như AI, blockchain... vào trong nhà trường, biến đổi những công nghệ ấy thành của mình, trở thành cái nôi khởi nghiệp.


Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng khởi nghiệp muốn đột phá phải có cách tiếp cận mới. Ông dẫn chứng: "Chúng ta có hàng ngàn doanh nghiệp startup, vậy làm sao có đủ quỹ đầu tư thiên thần để đáp ứng được?

Lời giải là để doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp. Các công ty lớn, vừa hợp tác, đầu tư với các công ty sáng tạo khởi nghiệp, tất nhiên phải ưu tiên cho họ một số chính sách. Như vậy các start up mới có cơ hội phát triển mình”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Ông cũng đề xuất chi tiêu Chính phủ nên tập trung vào các sản phẩm công nghệ, đặc biệt công nghệ start up. Các doanh nghiệp Nhà nước cũng nên mua sắm, chi tiêu cho công nghệ sáng tạo.

“Khởi nghiệp muốn đột phá thì phải tính tới vấn đề toàn cầu chứ không thể chỉ là khởi nghiệp trong nước. Để giải quyết câu chuyện toàn cầu, hiện vẫn còn điểm nghẽn là tiếng Anh. Xin Thủ tướng sớm công bố tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của đất nước Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông đề xuất.

Mai Châm