Bạn đọc viết:

Bưu thiếp 20/11 hay phong bì “trá hình”?

(Dân trí) - Hôm mới đây con tôi đi học về, mẹ chưa kịp hỏi đã vội kể: “Chúng con mang bưu thiếp lên tặng cô, cô bóc bưu thiếp ra xem, cái nào có tiền, cô đều gửi trả lại mẹ ạ.” Chẳng là những năm gần đây, việc tặng phong bì các thầy cô thường được “ngụy trang” bằng hình thức tặng bưu thiếp như vậy cho tế nhị.

Nghe con kể, tôi thấy rất ấn tượng với cô giáo. Vì từ ngày con vào lớp 1 đến giờ, đây là lần đầu tiên có một cô giáo hành động như thế. Bao năm nay, tôi luôn rơi vào cảm giác khó chịu, day dứt khi cứ đến 20/11 lại thấy các con rào rào mang bưu thiếp đựng tiền lên tặng cô. Lúc đầu cha mẹ còn ý tứ không để cho con biết nhưng sau thì phổ cập đến mức đứa trẻ nào cũng hiểu trong đó có tiền là chính. Với cách làm ấy, phụ huynh thấy nhanh gọn, tiện lợi, đỡ phải mất thời gian đến tận nhà cô mà mục đích cũng chỉ là để biếu cái phong bì, còn các cô giáo thì tặc lưỡi cho qua: Cả xã hội đều thế, đâu phải một mình mình mà ngại. Vậy là hoạt động trao và nhận phong bì giữa cô với trò cứ diễn ra hiển nhiên, tự động như một việc làm bình thường tất yếu .

Ngày trước phụ huynh trực tiếp đưa phong bì cho cô còn thấy ngại, bây giờ thì học trò bé tí mới lớp 2, lớp 3 đã biết đưa phong bì cho cô thông qua hình thức bưu thiếp. Thật không ra sao cả!

Việc tặng phong bì cho thầy cô nhân ngày nhà giáo từ lâu đã là một cuộc tranh luận không hồi kết. Một bên thì cho rằng đó là nghĩa vụ bất khả thi, buộc lòng phải làm vì sợ rằng nếu không thế con sẽ không được quan tâm đúng mức, một bên phản bác rằng cả năm có một ngày để tri ân thầy cô, nếu không có món quà gì gửi tặng cảm giác day dứt vì chưa làm tròn chữ lễ, mà mua quà thì không biết chọn sao cho phù hợp nên phong bì là cách lựa chọn thích hợp nhất. Cá nhân tôi không ủng hộ việc tặng phong bì cho giáo viên vì như thế làm méo mó cái nhìn của học sinh về người thầy, nhất là trong ngày mà cả xã hội đang hết lời tôn vinh, ca ngợi.

Tuy nhiên, ở phạm vi bài viết này, tôi không bàn đến khía cạnh trên mà muốn nhấn mạnh một điều khác. Đó là cách tặng phong bì.

Xin các bậc cha mẹ đừng vì cái sự tiện dụng của bản thân mà gieo vào đầu con trẻ thứ tư duy thực dụng ngay từ trứng nước. Theo tôi, nếu phụ huynh thực lòng quan tâm đến thầy cô thì hãy đến tận nhà hoặc tận trường mà trao tặng những chiếc phong bì kia, còn không thì thôi. Trả lại cho trẻ suy nghĩ hồn nhiên, thánh thiện: bưu thiếp là vật để ghi những lời chúc ngọt ngào, thương mến của trò dành cho thầy chứ không phải là vật ngụy tạo. Trả lại cho trẻ quyền không phải liên quan đến những trao đổi lợi ích vật chất ngấm ngầm giữa cha mẹ và thầy cô.

Và cũng xin các thầy cô nhất là những giáo viên tiểu học hãy dũng cảm từ chối những chiếc phong bì mang hình bưu thiếp do học sinh đưa cho mình. Làm thầy không nên quá dễ dãi, rẻ rúng bản thân như vậy. Người xưa đã dạy “của cho không bằng cách cho”, cùng một chiếc phong bì ấy nhưng là cha mẹ trực tiếp, trân trọng đến tận nơi trao tặng thì khác hẳn với việc cha mẹ thảy vào tay con bảo mai mang đến trường tặng cô.

Quay trở lại câu chuyện về cô giáo của con tôi. Khi vừa nghe con kể xong thì cũng là lúc tôi nhận được tin nhắn của cô giáo. Cô cho tôi biết có nhận bưu thiếp của con, nhưng không nhận tiền trong đó và xin được cảm ơn tấm lòng của phụ huynh đã quan tâm đến cô. Thật là một việc làm hết sức chu đáo, tế nhị, rất đáng để đánh giá cao. Tự nhiên phụ huynh là tôi và học sinh là con tôi phải có cái nhìn khác hẳn về cô.

Thiết nghĩ, nếu ai cũng giàu lòng tự trọng như vậy thì hình ảnh người thầy sẽ đẹp hơn rất nhiều, việc đưa và nhận phong bì sẽ bớt phần tràn lan, biến tướng một cách quá đáng như hiện nay, làm vẩn đục tâm hồn con trẻ.

Hà Đông

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!