Cảm động tình yêu của cô giáo với học sinh huyện đảo Phú Quốc

(Dân trí)-Vừa tròn đôi mươi, cô giáo trẻ ấy đã xung phong ra dạy ở đảo Phú Quốc cùng lời hứa với gia đình sau 3 năm sẽ trở về. Nhưng tình cảm của con người nơi đây đã níu bước chân cô ở lại để rồi gắn bó với mảnh đất này như quê hương của mình

Đó là câu chuyện cảm động của cô Dương Thị Mỹ Hằng (giáo viên Trường Tiểu học Dương Đông 3, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Ra nghề được 25 năm, cô đã có tới 23 năm gắn bó với học sinh đảo Phú Quốc và mảnh đất này đã trở thành quê hương thứ hai mà cô không muốn rời xa.

Nhớ lại khoảng thời gian đầu khi quyết định xung phong ra đảo dạy học, cô Hằng xúc động kể lại: “Lần đầu ra đảo với tôi quả là kỉ niệm không bao giờ quên bởi tôi bị say sóng đến không biết gì nữa. Lúc tàu nghỉ, tôi đã phải chuyển xuống một chiếc thuyền nhỏ hơn cho đỡ say rồi mới đi tiếp được. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau khi tàu đi đã có còi rất to nhưng tôi say quá vẫn nằm li bì nên không nghe thấy gì cả, thế là tôi bị tách đoàn và đành phải ở lại. Lúc đó, bản thân tôi rất lo lắng nhưng cũng may 3 ngày sau có một tàu khác đi qua nên tôi đã đi được nhờ ra đó”.

23 năm gắn bó với học sinh huyện đảo Phú Quốc, cô Hằng coi nơi đây là quê hương thứ 2 của mình
23 năm gắn bó với học sinh ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), cô Dương Thị Mỹ Hằng coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình.

Lần đầu tiên bước chân lên đảo Phú Quốc, nhìn thấy trường học là một cái đình cũ mà người dân sửa sang lại thành vẻn vẹn 3 lớp học khiến cô rất chạnh lòng. Ngày đó học trò còn ít mà em nào nhìn cũng còi đẹt bởi suy dinh dưỡng nhưng khi thấy cô giáo trẻ đến các em mừng quýnh khiến cô cảm động vô cùng. Người dân sống trên huyện đảo đa phần có cuộc sống khó khăn nhưng luôn coi cô giáo như người trong gia đình nên “có gì cũng phần cho cô” như lời cô Hằng tâm sự.

Xa gia đình, thời đó lại không có điện thoại, thư từ thì cách trở nên, cô Hằng rất nhớ đất liền, nhớ trường, nhớ các học sinh cũ. Nhưng cô chưa một lần nào hối hận về quyết định của mình. Ở huyện đảo, ai cũng là người lạ nhưng lại thương cô giáo như người trong gia đình. Cô Hằng kể: “Người dân ở đó cứ mỗi lần đi biển về là lại qua nhà tôi cho tôi con cá hay trái gì đó nhà trồng được. Rồi có những hôm mà bố mẹ phải đi biển mấy ngày thì lại gửi các em sang nhà tôi nên cô giáo và học trò ngày càng thêm gần gũi”.

Dạy ở một trường tiểu học gần 750 học sinh với trình độ nhận thức của các em còn thấp và chưa đồng đều, nhiều năm qua, cô giáo Hằng đã trăn trở làm cách nào để giáo dục học trò một cách hiệu quả nhất. Sống ở vùng đất với bốn bề sông nước lại gắn với cuộc sống di dân, sống theo mùa vụ nên trẻ em nơi đây có lối sống tự do. Chính vì thế, việc giáo dục cho các em kỹ năng sống là điều quan trọng đầu tiên mà cô Hằng hướng đến.

Trong phương pháp dạy học của mình cô thường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, mở các cuộc thi “Chúng em kể chuyện về Bác Hồ”, nêu gương người tốt việc tốt để giờ học thêm thú vị. Bên cạnh đấy, việc lồng ghép các phương pháp dạy học như kể chuyện, đàm thoại, dạy học theo nhóm, dạy học đóng vai, trò chơi… cũng được cô áp dụng khiến bài học sinh động hơn.

23 năm gắn bó với học sinh huyện đảo Phú Quốc, cô Hằng coi nơi đây là quê hương thứ 2 của mình
Cô Dương Thị Mỹ Hằng (ngoài cùng bên trái) tại buổi gặp mặt biểu dương, khen thưởng 128 nữ giáo viên ưu tú vùng khó cả nước do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội ngày 9/11/2012.

23 năm đã đi qua có biết bao thăng trầm trong cuộc đời người giáo viên nhưng cô Mỹ Hằng vẫn gắn bó với huyện đảo Phú Quốc nơi có những em nhỏ đang mong chờ những bài học sinh động và đầy yêu thương của cô.

Phạm Oanh