Thanh Hóa:

Cảm phục nghị lực của cậu học trò mồ côi mẹ

(Dân trí) - Mẹ đột tử trong một lần lên cơn đau tim, nhà nghèo đến miếng ăn còn phải chạy từng bữa thế nhưng cậu học trò người dân tộc Mường ở một huyện miền núi xa xôi của xứ Thanh lại luôn nỗ lực vươn lên trong học tập. Nhiều năm liền em dẫn đầu thành tích học tập của toàn trường và giành nhiều giải cao các cuộc thi học sinh giỏi.

Đó là tấm gương vượt khó đầy nghị lực của em Bùi Đăng Đức (SN 2002, học sinh lớp 9A, trường trung học cơ sở Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa).

Tôi đến thăm cậu học trò này vào một ngày cuối năm theo lời giới thiệu của anh cán bộ Phòng Giáo dục huyện Cẩm Thủy. Phải lặn lội một quãng đường khá xa mới đến được căn nhà em ở. Là căn nhà cấp bốn tuềnh toàng nằm ven sườn núi hiu hắt. Nhìn dáng người gầy guộc, nhỏ thó chỉ 34 kg, tôi không nghĩ cậu bé đứng trước mặt tôi lại là một học sinh lớp 9.

Vượt qua hoàn cảnh đáng thương, Đăng Đức luôn là học sinh chăm ngoan và học giỏi
Vượt qua hoàn cảnh đáng thương, Đăng Đức luôn là học sinh chăm ngoan và học giỏi

Đức sinh ra trong một gia đình nghèo. Ngay cả khi mẹ Đức còn sống thì cuộc mưu sinh cơm áo của gia đình vẫn phải chạy từng bữa. Bố mẹ Đức ngoài việc nuôi các con, còn phải cưu mang người ông nội bị câm điếc bẩm sinh.

Cảnh đã nghèo đói lại éo le, một năm trước trong một lần lên cơn đau tim, mẹ Đức đã ra đi để lại hai đứa con còn thơ dại đang tuổi ăn, tuổi học.

Sớm ý thức được hoàn cảnh của mình, ngay từ những ngày học tiểu học, Đức đã luôn cố gắng vươn lên để học tập. Không có tiền mua sách nâng cao, Đức cũng không đi học thêm ở đâu cả mà ngoài giờ lên lớp, em tranh thủ mượn sách nâng cao của bạn bè thầy cô rồi chép những bài toán hay ra vở để nghiên cứu.

Hoàn cảnh là vậy, nhưng suốt 9 năm em đều là học sinh giỏi của trường. Ngoài ra, năm lớp 7 Đức giành được giải Nhì môn Toán và giải khuyến khích Toán máy tính cầm tay; lớp 8 đạt hai giải Ba môn Toán và Toán máy tính cầm tay. Vừa qua, Đức giành được giải Nhì cấp huyện môn Toán (đây là giải cao nhất vì toàn huyện không có giải Nhất).

Thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ nhưng Đức không vì thế mà nản lòng
Thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ nhưng Đức không vì thế mà nản lòng

“Khi mẹ mất, em đã rất sốc, thấy cuộc sống khó khăn, thương bố, thương em còn nhỏ, em đã định bỏ học để đi làm lấy tiền, bớt gánh nặng trên vai bố nhưng rồi em nghĩ nếu bỏ học, cuộc đời mình lại đi lại cuộc đời của bố, vẫn nghèo, vẫn khổ. Mẹ cũng vì không có tiền mà chữa bệnh nên mới chết sớm… Được bố, thầy cô, bạn bè động viên em đã từ bỏ ý định nghỉ học và răn mình nếu đã quyết tâm theo con chữ thì hãy khiến nó thay đổi cuộc đời mình. Từ đó, em lại càng cố gắng hơn nữa” - cậu học trò mồ côi chia sẻ.

Đức tâm sự rằng từ khi mẹ mất, mỗi khi nhìn thấy các bạn cùng trang lứa quây quần bên gia đình đầm ấm, vui vẻ cùng cha mẹ, nhất là vào những ngày tết, em rất buồn và nhớ mẹ vô cùng. Thương mẹ bao nhiêu, em lại càng thương bố và thương em gái bấy nhiêu. Em gái em còn nhỏ quá, nó mới chỉ học lớp 2 đã phải thiếu đi bàn tay chăm sóc của mẹ. Những ý nghĩ đó khiến em lại có thêm động lực để cố gắng.

Từ ngày mẹ mất, bố đi phụ hồ để lấy tiền nuôi các con ăn học. Đức vừa làm anh vừa làm bố và làm mẹ. Đi học về là Đức làm việc nhà giúp bố, nấu ăn cho ông và em gái. Lúc rảnh rỗi, Đức lại đi nhặt ve chai bán cho người ta. Đêm về, Đức vùi mình vào sách vở để quên đi nỗi bất hạnh và để thực hiện ước mơ thay đổi số phận mình.

Bố đi vắng, Đức vừa phải chăm sóc ông và em gái còn nhỏ tuổi
Bố đi vắng, Đức vừa phải chăm sóc ông và em gái còn nhỏ tuổi

Bằng chứng cho sự vươn lên của cậu học trò này đó là sau khi mẹ mất, Đức vẫn giữ được danh hiệu học sinh giỏi, là một trong những học sinh đứng tóp đầu của trường và vẫn đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi. Hiện, Đức đang nằm trong đổi tuyển ôn thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Mong ước của cậu học trò này đó là sau này ra trường sẽ được làm một công việc gì liên quan đến tính toán vì em yêu thích môn Toán và đam mê những con số.

Không chỉ vượt khó học giỏi mà trong các hoạt động Đoàn, Đội, Đức đều tham gia tích cực, gương mẫu. Các thầy, cô giáo trong trường đều thương hoàn cảnh gia đình cậu học trò nghèo nhưng đầy nghị lực, nhà trường cùng các thầy cô thường phát động quyên góp ủng hộ cho gia đình em.

Chia sẻ về cậu học trò đầy nghị lực này, cô giáo Cao Thị Phê, Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Bình cho biết: “Phải công nhận Đức là tấm gương tiêu biểu về vượt khó vươn lên trong học tập. Dù hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng em đã rất nỗ lực. Em luôn là học sinh giỏi toàn diện của trường, đến mức khi kỳ thi học sinh giỏi đến là các thầy cô phải thương lượng cho em tự chọn vì thầy cô nào cũng muốn em đi thi môn của mình”.

“Nhà trường cũng luôn động viên và chia sẻ để em vượt qua những mặc cảm, cố gắng chuyên tâm vào học tập. Những dịp lễ, Tết trường cũng kêu gọi quyên góp để giúp đỡ em. Đặc biệt, những học bổng như Doãn Tới, Lam Sơn cũng đều ưu tiên cho em. Phòng Giáo dục cũng có công văn đề nghị tạo điều kiện hết mức cho em. Tết này, nhà trường và Phòng giáo dục cũng có quà gửi đến động viên em và gia đình” - cô Phê cho biết thêm.

Nguyễn Thùy