Cần 480.000 tỷ giải quyết phòng học tranh tre nứa lá, nhà công vụ GV

(Dân trí) -Phát biểu tại buổi tổ chức lấy ý kiến Báo cáo giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật đảm bảo chất lượng CT, SGK giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: “Cần 480.000 tỷ đồng để giải quyết phòng học tranh tre nứa lá, nhà công vụ GV”.

Ngày 15/7, Ủy ban Văn hóa GDTTN&NĐ của Quốc hội đã tổ chức buổi lấy ý kiến lần cuối dự thảo báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Cả nước còn nhiều phòng học tranh tre, nứa lá.

Cả nước còn nhiều phòng học tranh tre, nứa lá.

Ngành giáo dục thiếu đồng bộ…

Các ý kiến phát biểu đều nêu những thực trạng hạn chế yếu kém của chương trình, sách giáo khoa hiện nay còn nhiều bất cập kiến thức còn nặng và dàn trải. Nội dung chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) hiện hành mới chú trọng đến các kiến thức cơ bản, chưa chú trọng đến việc tích hợp hợp lý vào môn học các kỹ năng sáng tạo, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp… Quy mô trong giai đoạn đổi mới nhưng chất lượng giảm sút, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống… Bản thân sự quá tải của chương trình học, còn do sự thiếu đồng bộ về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên trong trường học và cả bởi sự kỳ vọng của phụ huynh...

GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN&NĐ cho biết: “Điểm hạn chế nhất của việc triển khai CT, SGK phổ thông hiện hành là sự thiếu đồng bộ trong việc chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cung ứng thiết bị dạy học, nâng cấp cơ sở vật chất. Trong khi đó, ngành giáo dục chưa khắc phục được mâu thuẫn giữa yêu cầu cao về chất lượng giáo dục và sự hạn chế về trình độ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cũng như điều kiện cơ sở vật chất, thời lượng học tập ở trường phổ thông…”.

PGS Trần Thị Tâm Đan cho rằng: “Nhà trường phải được tự chủ về tài chính, nhân sự, tổ chức thực hiện chương trình giáo dục trên cơ sở công khai, minh bạch tiến tới xây dựng nhà trường đủ điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, có khả năng thực hiện nguyên lý giáo dục theo hướng đổi mới”.

Tiếp thu và đồng tình với những ý kiến của đại biểu và dự thảo báo cáo giám sát của Ủy ban đưa ra, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, khi đánh giá về CT, SGK thì phải nói đến tính lịch sử, phải xác định về mục tiêu được giao như thế nào. Đồng thời phải xác định với thời điểm hiện nay đã bộc lộ những hạn chế, bất cập gì. Nếu không xác định thời điểm hiện nay và nhiệm vụ cách đây 10 năm thì lịch sử sẽ không công bằng.

Bộ trưởng giải thích…

Bộ trưởng Luận cho biết: “Trong ngành giáo dục thời gian qua đã có nhiều nhân tố mới, nhiều điển hình mới, những thành công mới và xuất hiện những vấn đề mới cần giải quyết. Cụ thể, đối với phổ thông là vấn đề cho sử dụng rộng rãi chương trình tiếng Việt mới và đến năm nay 63 tỉnh, thành phố áp dụng và kết quả rất tốt. Lứa lớp 1, lớp 2 năm nay chúng tôi đảm bảo các em sẽ khó tái mù chữ khi học đến lớp 4, lớp 5, nhất là các em học sinh dân tộc. Bên cạnh đó, chúng tôi đảm bảo các em cũng sẽ không nói ngọng, không viết câu sai… điều này không chỉ đảm bảo chất lượng cho môn tiếng Việt mà đảm bảo vững chắc cho chất lượng bậc tiểu học”.

Về chương trình nội dung, phương pháp học, thi tuyển sinh… theo Bộ trưởng Luận chưa thực sự chuyển biến về chất nhưng những nhân tố mới, kết quả đổi mới trên cơ sở nhiều chủ trương mới của ngành và nhiều địa phương qua thực tế được xã hội đánh giá tốt.

Bộ trưởng Luận cho biết: “Chúng tôi thấm thía nhiều khi nghe các ý kiến góp ý là chúng ta chưa đủ điều kiện để đảm bảo chất lượng giáo dục. Nói cá biệt thì trong nhiều trường hợp chúng ta chưa đủ điều kiện tối thiểu cho hoạt động của giáo dục chứ chưa phải đảm bảo. Cụ thể, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc vẫn chưa có lớp học, lớp học vẫn là những phòng học tạm tranh tra nứa lá, ngay ở vùng đồng bằng Bắc Bộ như Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định… cũng không thiếu những phòng học xập xệ và có những phòng học kiên cố hiện nay còn nguy hiểm hơn vì không biết sập lúc nào mà chúng tôi đã đi thăm và kiểm tra”.

Để đảm bảo về cơ sở vật chất, Bộ trưởng Luận cho hay: “Tính toán sơ bộ của chúng tôi, để có đủ lớp học theo chương trình kiên cố hóa của chính phủ, để thực hiện được mục tiêu Thủ tướng phê duyệt năm 2012 thì cần phải có 48.000 tỷ đồng. Còn để giải quyết triệt để phòng học, tranh tre nứa lá, nhà công vụ giáo viên… cần 480.000 tỷ đồng. Lúc nào chúng ta có số tiền này? Kinh phí này không chỉ có tiền ngân sách nhà nước mà cần xã hội hóa giáo dục… Đối với phổ thông nguồn lực nhà nước vẫn là chủ yếu. Nếu có đủ điều kiện trên cũng chưa thể nói đến chuẩn hóa, hiện đại hóa được. Vì có đủ phòng học mới là đủ theo hướng kiên cố hóa. Còn để chuẩn hóa và hiện đại hóa thì còn phải cần nhiều hơn nữa”.

Kiến nghị đảm bảo chi tối thiểu cho các trường học

Theo Bộ trưởng Luận, nhà nước chi 20% ngân sách cho giáo dục đó là sự có gắng lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhưng với các cơ sở giáo dục vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, chúng ta chưa có đủ và thiếu những điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục. Ở một số địa phương vẫn chưa đủ điều kiện tối thiểu cho hoạt động giáo dục. Ví dụ, ngân sách các nhà trường chi lương cho giáo viên là 80% và 20% là hoạt động thường xuyên. Thậm chí nhiều đơn vị chi lương lên tới 95% nên không có tiền chi hoạt động thường xuyên. Bộ GD-ĐT sẽ có kiến nghị đảm bảo chi tối thiểu cho các cơ sở giáo dục. Tiến tới đảm bảo chi cho chất lượng đào tạo.

Kết luận tại buổi lấy ý kiến, GS Đào Trọng Thi cho biết: “Việc thiết kế CT, SGK mới phải phù hợp với điều kiện thực hiện chứ đổi mới nhưng không có khả năng triển khai thì không đạt yêu cầu và không khả thi. CT, SGK phổ thông mới không thể thoát ly điều kiện thực tế, vốn là điểm yếu trước đây.

“Mục tiêu việc giám sát lần này của UB Thường vụ Quốc hội hướng tới xây dựng nghị quyết mới cho đề án đổi mới CT, SGK cũng như đề án đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện. Đặt vấn đề đổi mới nghị quyết cho thấy việc cần thiết đổi mới giáo dục không chỉ có trách nhiệm ngành giáo dục mà còn phải nhìn nhận ở tầm Quốc hội, Chính phủ. Nếu thấy chính sách không phù hợp thì cần phải sửa đổi, bổ sung” - GS Thi cho hay.

Hồng Hạnh