Cận cảnh trường nghèo nơi Sài thành

(Dân trí) - Trường học như hộp diêm với nhiều chiếc hộp nhỏ bên trong, giáo viên không có chỗ nghỉ khi chờ chuyển tiết phải ngồi ở ghế đá, giám thị làm việc ở hành lang… Ngay ở giữa TPHCM, có những trường học nghèo đến mức mà kể ra thấy rất khó tin.

GV nghỉ ở ghế đá, giám thị làm việc ở hành lang 

Không quá khi nói trường THCS Nguyễn Ánh Thủ “có tiếng” nhất Q.12 vì sự xập xệ, nghèo nàn rất khó hình dung. Trường chỉ có 2 dãy nhà cấp 4 lụp xụp với 9 lớp học, nhiều năm nay nhà vệ sinh vệ sinh xập xệp chỉ có đúng 2 bồn rửa tay dành cho hơn 700 HS. Ở trường có phòng “đa chức năng” nhỏ hẹp là nơi hiệu trưởng, hiệu phó làm việc cùng phòng y tế, đoàn đội, tài vụ…

Hành lang trước căn phòng này cũng là nơi làm việc của giám thị. Giám thị ngồi trước cửa như “canh trường” khi nắng thì chịu, còn mỗi khi trời đổ mưa lại vội vàng thu dọn sổ sách vào trú ở phòng đa chức năng.

Cận cảnh trường nghèo nơi Sài thành
Phòng "đa chức năng" tại trường THCS Nguyễn Ánh Thủ là nơi làm việc của hiệu trưởng, hiệu phó, phòng y tế, đoàn đội, tài vụ...

Phòng giải ca cho GV đồng thời cũng là nhà kho đựng tất cả mọi dụng cụ của trường. Không đủ chỗ nên ghế đá trước lớp học được tận dụng làm chỗ nghỉ chân chờ tiết và nghỉ trưa cho thầy cô.

Nói về “cái nghèo” của trường, bà hiệu trưởng Nguyễn Thị Thắm có thể kể cả ngày không hết cùng với nỗi lo lắng về an toàn cũng như trăn trở vì sự thiệt thòi của cô trò tại trường. Điều cô nghĩ ngợi nhiều nhất là trường không có phòng thí nghiệm, với các môn cần thí nghiệm, thực hành thì thầy trò lại phải “bày biện” ngay trong lớp hoặc ở cửa lớp.

“Như thực hành môn Sinh về động vật, GV phải chuẩn bị dụng cụ, mổ động vật ở ngay lớp rồi phải xách từng xô nước để thu dọn. Nhiều tiết thí nghiệm không thực hiện được, GV chỉ làm mẫu”, cô Thắm cho biết.

Năm học này, nhờ Dự án sức khỏe dinh dưỡng học đường, mới đây trường được đầu tư bồn rửa tay mà có học trò hồn nhiên khoe: “Lần đầu tiên đi vệ sinh mà con có chỗ rửa tay” mà không khỏi xót xa. Còn trước đó, hàng trăm HS chỉ có 2 bồn rửa tay thường xuyên hư hỏng nên nhiều em bỏ thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh. Lớp học hiện cũng đã được lắp cửa sổ chứ không phải dùng bạt che mưa như trước.

Nhiều phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt, Q.5 thường dặn con đến lớp không được chạy nhảy vì lo cho sự an toàn. Trường chỉ là hai khối nhà ghép được xây dựng từ trước năm 1975 và được sử dụng làm trường học khoảng 25 năm nay. Trường gồm 7 lầu là những căn phòng nhỏ được chia ra để làm lớp học nên hành lang trước lớp hay bãi dựng xe ở lầu trệt cũng là sân chơi của HS. Mọi sinh hoạt như chào cờ, thể dục… đều được tổ chức trên sân thượng.

Cận cảnh trường nghèo nơi Sài thành
Bục giảng và chỗ học sinh ngồi tại Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt chỉ cách nhau... hơn gang tay. 

Lối lên xuống của trường chỉ là cầu thang nhỏ hẹp dựng đứng hai người đi cũng phải tránh nhau nên nỗi lần HS lên lớp hay ra về, GV phải đảm nhiệm thêm công việc chỉ dẫn để đảm bảo an toàn và không bị kẹt.

Lớp học như hộp diêm, bục giảng vào bàn học sát chỉ cách nhau khoảng hai gang tay. Giữa các bàn học không có lấy một kẽ hở nên việc muốn tăng sĩ số lớp lên 1 em cũng không thể vì không có nổi chỗ ngồi. Cô thầy ở trường vẫn đùa với nhau "trường mình đạt chuẩn sĩ số vì nhờ chật hẹp".

Dự án “treo”, trường học thành tạm bợ

Cô Huỳnh Thị Bực - hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt cho hay cô và nhiều đời hiệu trưởng trước đó đã 16 năm chờ đợi trường và giờ vẫn tiếp tục chờ đợi. Năm nào cô trò cũng nói với nhau rằng sắp tới sẽ có trường mới mà chẳng biết bao giờ thành hiện thực. Những khao khát được nhìn thấy cây xanh, có sân chơi… của các em HS ở trường được bày tỏ qua những bức tranh, những lời chia sẻ qua sổ liên lạc.

Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 thở dài khi nói đến ngôi trường Huỳnh Mẫn Đạt khó khăn nhất quận. 16 năm nay, mọi kế hoạch xây trường mới đã được duyệt nhưng rồi gặp phải các vướng mắc như thay đổi lãnh đạo, không giải tỏa được mặt bằng, đến nay chỉ còn một hộ duy nhất không chụi bàn giao mặt hàng. Trước mắt quận chỉ có thể hỗ trợ ngân sách để trường sửa chữa những hạng mục xuống cấp để đảm bảo an toàn cho việc dạy học.

Dự án xây mới trường THCS Nguyễn Ánh Thủ cũng được đề cập 10 năm nay đến giờ vẫn “treo” do vướng mặt bằng. Thế nên năm học nào trường cũng trong tình trạng… sửa chữa, nâng cấp. Năm thì sửa nhà vệ sinh, năm lại lợp mái, sửa tường và năm nay nâng nền được cho 4 lớp học. Kinh phí có hạn nên việc sửa chữa cũng chắp vá, tạm bợ nên mong ước của trường được lên lầu trên nền nhà cũ cũng không thực hiện được.
 
Cận cảnh trường nghèo nơi Sài thành
Hai ghế đá này cũng là nơi "nghỉ chân" chờ tiết và nghỉ trưa của GV trường THCS Nguyễn Ánh Thủ, Q.12, TPHCM.

Bà Nguyễn Thị Thắm cho biết, chẳng phụ huynh nào muốn cho con vào trường học. Nhiều gia đình có điều kiện đều tìm cách chuyển con đến trường khác, HS của trường chỉ toàn là con em của dân lao động nghèo.

“Trường khác thì người ta chạy vô, còn trường mình HS chỉ mong chạy đi nên trường đã nghèo còn phải lo giữ HS. Các trường đóng khoản này khoản nọ chứ trường mình đến học phí có 15.000 đồng mà nhiều phụ huynhh còn không đóng nổi, phải báo cáo thất thu”, bà Thắm nói.

Năm học này, TPHCM có thêm khoảng 2.500 phòng học mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn nhiều ngôi trường xuống cấp và thiếu thốn trăm bề về cơ sở vật chất.

Hoài Nam