Căng thẳng gia đình vì con chọn ngành đồ họa

Để theo đuổi đam mê với Mỹ thuật đa phương tiện - Multimedia, không ít bạn trẻ phải đối diện với sự phản đối của gia đình.

Hoàn thành tốt 3 môn thi vào khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Công Bách (Hà Nội) tỏ ra tự tin vì đã gần hơn với ước mơ trở thành chuyên gia thiết kế. Nhờ vậy, không khí gia đình Bách đã bình yên trở lại sau thời gian căng thẳng vì Bách không nghe theo sự sắp đặt của bố mà đăng ký ngành mình yêu thích. 

Vốn có năng khiếu vẽ, từ bé Bách đã đam mê hội họa. Đặc biệt, những đường nét thiết kế trong những ấn phẩm sách, báo luôn có sức hấp dẫn riêng với cậu. Từ đó, Bách tự tìm tòi khám phá, theo học những khóa học ngắn hạn về thiết kế hay tham gia vào những cuộc thi, triển lãm dành cho giới trẻ như “Just do it” (“Cứ làm đi”) do trường FPT Arena và Viện Goethe phối hợp tổ chức thường niên.

Ngỡ tưởng gia đình sẽ ủng hộ đam mê theo đuổi ngành Multimedia của mình, nhưng khi đưa ra lựa chọn thi thì Bách bị chính cha mình phản đối với lí do “Ngành Đồ họa sau này ra làm rất vất vả, suốt ngày ngồi trên bàn máy tính và hầu hết dân theo nghề này rất lập dị”. Tuy nhiên, với đam mê của bản thân và sự ủng hộ từ bạn bè, Bách đã quyết tâm giữ vững lập trường.

Khác với Bách, Thu Hòa (22 tuổi), sinh viên năm cuối, vốn năng động, sáng tạo và yêu thích phim hoạt hình, Hòa đã đăng ký học một khóa về Truyền thông đa phương tiện tương tác - khóa học Truyền thông Thị giác tại trường FPT Arena. Để tham gia được khóa học này, Hòa cũng phải trải qua những ngày tháng “đấu tranh” với gia đình khi cả nhà không hiểu “Mỹ thuật đa phương tiện là gì”. 6 tháng ròng thuyết phục, 2 tháng trời mẹ không nhìn mặt con gái… là những tổn thương tinh thần mà Hòa phải chịu khi kiên quyết theo đuổi đam mê.

Hòa tâm sự “Thông thường, nhiều bậc phụ huynh quan niệm khi học Đại học rồi nghĩa là bạn chỉ cần “chung thủy” với nghề và chỉ cần học ngoại ngữ hay học lên văn bằng cao hơn để có cơ hội tiến xa. Tuy nhiên, hiện nay nhiều sinh viên ra trường đâu có làm đúng ngành nghề. Mình tự hào vì đã tìm được đam mê và dám thực hiện”. Lê Vân - giáo viên ngành Thiết kế, ĐH Kiến trúc Hà Nội cho hay: “Công việc trong ngành đồ họa thường không gò bó, năng động và đa phần mang lại nguồn thu nhập cao, tạo sức hút cho nhiều bạn trẻ hiện nay. Tuy nhiên, chính sự mới mẻ, hiện đại và phát triển quá nhanh của ngành công nghiệp này đã tạo ra “lỗ hổng” trong nhận thức của cộng đồng về nghề Mỹ thuật đa phương”.

Chân dung một nhà thiết kế Multimedia.
Chân dung một nhà thiết kế Multimedia.

Xuất hiện tại Việt Nam cách đây 10 năm, Mỹ thuật đa phương tiện không còn xa lạ gì với giới trẻ nhưng hiện nó vẫn là ẩn số khó hiểu với các bậc phụ huynh. Một số người cho rằng, đồ hoạ là nghệ thuật, cần tạo hình lãng mạn, phiêu linh; số khác lại hiểu: cứ giỏi về vi tính, kỹ thuật là đủ để thiết kế sản phẩm vừa mắt. Thực tế, Mỹ thuật đa phương tiện là việc ứng dụng công nghệ trong việc sáng tạo, thiết kế những sản phẩm trong các lĩnh vực như: Thiết kế đồ họa, quảng cáo, in ấn; thiết kế web; sản xuất phim hoạt hình 2D và 3D; phát triển trò chơi; sản xuất hậu kỳ các chương trình phát thanh, truyền hình… Hay đơn giản hơn, có thể hiểu Multimedia là sự kết hợp giữa Công nghệ và Nghệ thuật.

Huỳnh Mạnh Khôi, sinh viên trường FPT Arena, chủ nhân của một trong "Top 20 tác phẩm xuất sắc nhất" của cuộc thi thiết kế logo "Save the Dugong - Bảo vệ bò biển" do Lãnh sự quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại TPHCM tổ chức chia sẻ: “Đây là nghề đòi hỏi khả năng sáng tạo và đam mê không giới hạn tuổi tác hay địa điểm. Mỹ thuật đa phương tiện giúp kết nối mọi người lại với nhau một cách màu sắc và năng động nhất. Qua đó, bạn sẽ khám phá bản thân và nhìn nhận cuộc sống theo chiều hướng tích cực hơn”.

Chân dung một nhà thiết kế Multimedia.
Logo dự thi của Huỳnh Mạnh Khôi (sinh viên FPT Arena) với hình ảnh gia đình bò biển tại cuộc thi "Save the Dugong - Bảo vệ bò biển".

Được đánh giá cao nhất trong top 10 ngành nghề “hot”, nhóm ngành Công nghệ Thông tin - Thiết kế Đồ họa đang lớn lên thành một “làn sóng ngầm” trong giới trẻ Việt Nam và châu Á, đi cùng sự phát triển của các thiết bị di động như Smartphone, Tablet, quảng cáo, phim ảnh… Ngày nay, ở bất cứ đâu, chúng ta cũng đều có thể nhận thấy sự hiện diện của thiết kế đồ họa. Một biển hiệu, logo, một mẫu quảng cáo, một video ca nhạc hay kỹ xảo phim ảnh, một giao diện website, bìa báo hoặc chỉ là một tờ bướm, băng rôn trên đường phố, tất cả đều cần đến bàn tay của người thiết kế đồ họa.

Hiện, tại Việt Nam, những đơn vị đào tạo nghề này một cách bài bản và uy tín vẫn chưa nhiều, có thể kể đến như trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, ĐH Kiến trúc hay trường FPT Arena… Hầu hết các đơn vị này đều có những chương trình giảng dạy mới nhất, giúp các học viên được tiếp cận với sự phát triển của các kĩ thuật, phần mềm đồ họa mới nhất trên thế giới.