Cậu sinh viên biến đồ phế thải thành tranh

(Dân trí) - Từ những thứ tưởng chừng như đã bỏ đi, nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của cậu sinh viên 9X quê Nam Định, những đồ phế thải đó đã biến thành những bức tranh về làng quê Việt Nam, chân dung con người…

Cậu sinh viên có đôi bàn tay khéo léo trên là Nguyễn Văn Quang (sinh năm 1993), ở xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, hiện là sinh viên năm thứ 2, trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thương mại Hà Nội.

 Quang đang cắt những phế liệu để làm tranh.
 Quang đang cắt những phế liệu để làm tranh.

Nói về manh nha để làm tranh từ vật liệu phế thải, Quang cho biết, trong một lần lên mạng tìm kiếm những bức tranh, Quang đã vô tình tìm thấy những đồ vật, các bức tranh được làm từ những đồ phế thải mà rất gần gũi với cuộc sống thường ngày. Cậu bắt đầu nảy sinh ý nghĩ mình cũng có thể làm được những tác phẩm giống như thế. Sau một thời gian mày mò, Quang quyết tâm thực hiện ý định của mình trên những miếng bìa cát tông mà cậu mua lại từ mấy người buôn đồng nát.

Nghĩ thì dễ, nhưng khi bắt tay vào làm, Quang mới thấy khó. Sau một thời gian tìm hiểu, Quang bắt đầu vẽ những đường nét đầu tiên nên bìa các- tông sau đó tìm các vật dụng bỏ đi có sẵn như rơm, rạ, vỏ trứng, mùn gỗ, mo cau… để dán lên những hình đã thể hiện trên đó.

 Gắn vật liệu vào bức tranh là công đoạn cần sự tỉ mỉ và kiên trì.
 Gắn vật liệu vào bức tranh là công đoạn cần sự tỉ mỉ và kiên trì.

Tác phẩm mà Quang thực hiện đầu tiên là một bức tranh về làng quê, sau gần một tuần cặm cụi làm. Nhưng khi tác phẩm hoàn thành cũng là lúc mà Quang vô cùng chán nản vì nhìn tác phẩm không khác gì một đống phế thải màu mè thì lòe loẹt, các miếng ghép không theo thứ tự, thậm chí có những miếng ghép khi đụng tay vào bị rớt ra ngoài.

Thấy bức tranh đầu tiên làm không được như ý muốn, Quang nghĩ ý tưởng của mình không có tính khả thi và quá khó thực hiện. Nhưng được sự động viên của các bạn và các anh chị, cậu quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình thêm một nần nữa. Lần này, Quang nghiên cứu kĩ hơn về cách có thể giữ được rơm, rạ, vỏ cây, cành cây khô, vỏ cam, quýt… làm sao giữ được lâu và không bị mất màu.

Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng Quang cũng nghĩ ra cách ngâm vật liệu làm tranh vào nước vôi khoảng 12 tiếng sau đó vớt ra và phơi khô sẽ giữ được lâu và không bị mất màu. Đối với vỏ trứng thì phải tách hết màng dính bên trong sau đó phơi nắng khoảng 45- 60 phút vì nếu phơi quá lâu thì sẽ bị giòn, dễ vỡ vụn.

 Bức tranh làng quê Việt Nam của Quang làm.
 Bức tranh làng quê Việt Nam của Quang làm.

Bức tranh về Thần đồng đất Việt.
Bức tranh về Thần đồng đất Việt.

Sau khi biết cách giữ được các vật liệu bám lâu trên bức tranh, Quang lại loay hoay tìm hiểu và dùng thử các loại keo dính khác nhau để có thể tìm ra loại keo thích hợp với các chất liệu.

Sau khi chuẩn bị kĩ lưỡng và chu đáo các vật liệu để bắt tay vào làm bức tranh thứ hai, chỉ trong vòng 3 ngày, Quang đã hoàn thành bức chân dung chính mình. Sau khi đưa cho bạn bè và mọi người thẩm định xem như thế nào, Quang được tán thưởng không ngớt về khả năng khéo léo của mình.

Cậu sinh viên Nguyễn Văn Quang bên tác phẩm của mình.
Cậu sinh viên Nguyễn Văn Quang bên tác phẩm của mình.

Quang cho biết: “Khâu khó nhất chính là việc hình thành và phác họa ý tưởng, sau đó là khâu gắn các vật liệu lên hình đã vẽ vì khâu này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và sự trừu tượng để mình có thể gắn sao cho phù hợp với từng hình ảnh từng chi tiết nếu không bức tranh sẽ không hài hòa và không đẹp”.

Chỉ trong vòng 7 tháng, Quang đã hoàn thành hơn chục tác phẩm được thực hiện trên các vật dụng bỏ đi như bìa các-tông, vỏ trứng, bèo khô, vải vụn, mùn cưa… ngoài thời gian học, những lúc rảnh rỗi, có hôm Quang còn thức thâu đêm để thể hiện tác phẩm của mình.

Đối với những tác phẩm làm từ đồ phế thải ngoài có sự mày mò tìm hiểu, nghiên cứu người làm đặc biệt phải có tính kiên trì. “Làm một tác phẩm mất rất nhiều công và có những công đoạn rất tỷ mỷ, không thể vội vàng và phải có tình yêu thiên nhiên, cuộc sống thì mới có thể tạo nên những tác phẩm hay và ý nghĩa”, Quang chia sẻ.

Những ngày đầu khi mới thực hiện ngoài khó khăn về các công đoạn hoàn thiện và phác thảo tác phẩm, Quang còn gặp khó khăn về phía gia đình khi bố mẹ nghe tin cậu đang thực hiện ý tưởng làm tranh từ đồ phế thải gia đình rất lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến việc học tập.

Quang tách vỏ trứng để làm tranh.
Quang tách vỏ trứng để làm tranh.

Bà Nguyễn Thị Tranh - mẹ Quang tâm sự:Ngày đầu khi các bạn cùng xã bảo cháu nó đang làm tranh từ đồ phế thải gia đình rất lo lắng, thậm chí bố nó còn gọi điện về và trách cho một trận vì sợ ảnh hưởng đến việc học tập. Nhưng sau một hồi nghe nó giải thích thì cả nhà ai cũng đồng ý, vì ý tưởng của nó là muốn bảo vệ môi trường, thiên nhiên, thậm chí bố nó còn bắt tôi hàng tháng gửi thêm tiền cho con để có tiền mua khung tranh và dụng cụ”.

Với niềm đam mê vẽ, tình yêu thiên nhiên cộng với ý thức bảo vệ môi trường, Quang đã tự mình mày mò, học hỏi để biến những phế liệu, rác thải thành những bức tranh, qua đó Quang muốn truyền đạt thông điệp đến mọi người đó là hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường, hãy dành tình yêu cho thiên nhiên.

Đức Văn - Hoàng Hải