Cho giáo viên làm đề thi của học sinh: Nhiều GV không đồng tình

(Dân trí) - Qua <i>Dân trí</i>, nhiều thầy cô giáo khối cấp 3 tại Huế chia sẻ những ý kiến tâm huyết trước việc Trường THPT Cao Thắng (TP Huế) yêu cầu các giáo viên cùng làm đề thi học kỳ 2 với học sinh khối 12 để đánh giá chất lượng.

ThS. Phan Thiên Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu cho hay, đây là một cách làm sáng tạo, tuy nhiên có tính tự phát hơi quá. Cái tốt là nó thúc đẩy giáo viên (GV) trao đổi nghiệp vụ, là động lực giúp GV phát triển. Nhưng mặt không tốt là nó đánh đồng GV và học sinh (HS), xúc phạm đến nhân phẩm GV.

“Trường nên tổ chức 1 cuộc kiểm tra riêng cho GV nhưng phải có ý kiến từ Sở GD-ĐT. Nội dung kiểm tra phải được xây dựng kỹ càng để GV làm bài. Và Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng cũng nên tham gia làm bài luôn với các GV trong trường để đánh giá năng lực chuyên môn” - thầy Bảo đề xuất.

Thầy Ngô Văn Phước - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Huế Star cho biết, việc kiểm tra trình độ của GV thì đối với cán bộ quản lý, điều đó cần phải suy nghĩ. Và phải tìm cách làm vì có rất nhiều cách. Hiện GV sau khi ra trường thì vấn đề năng lực chuyên môn, yêu cầu đáp ứng cho việc giảng dạy phải được nhà quản lý có các kế hoạch, kiểm tra để nâng cao tay nghề. Nó nằm trong kế hoạch của nhà quản lý.

Tuy nhiên vừa rồi việc xảy ra ở Trường THPT Cao Thắng, tôi thấy không tế nhị. Cách làm không hay. Nó gây ra hiệu ứng, làm uy thế của GV thấp đi trước HS. Điều này không tốt, nên chọn cách nào khác để kiểm tra trình độ GV vì có rất nhiều cách.

Giờ tan học ở Trường THPT Cao Thắng (TP Huế).
Giờ tan học ở Trường THPT Cao Thắng (TP Huế).

Theo ThS. Nguyễn Phước Bửu Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học Huế, cái gì mới sẽ phải nghiên cứu thêm. Việc này cũng có phần là lạ, hay hay. Nhưng tôi cũng chưa rõ mục đích trong vấn đề này của hiệu trưởng là gì: có phải đánh giá GV hay để chống việc tiêu cực trong dạy thêm của GV? Tôi cũng chưa thấy cách làm như thế này ở trên toàn quốc xưa nay đến giờ. Cho nên nói lạ là đúng.

Nếu để cho GV làm bài, lấy ví dụ những HS ở trường chuyên chúng tôi còn làm nhanh hơn thầy thì sao? Và có những bài ở trường chuyên thầy giải cũng không ra huống chi là trò. Nếu trò làm bài hơn thầy để rồi nói thầy yếu thì không phải. Người thầy có vai trò quan trọng nhất là định hướng, dạy người và dạy chữ.

“Nếu đánh giá GV trong trường thì phải đánh giá hết. Vì sao chỉ cho làm một số môn mà các môn khác không làm. Nếu GV làm bài thi học kỳ của HS chỉ để đưa ra đáp án của mình nhằm thảo luận rồi nhớ đáp án sâu hơn, kỹ hơn như cô Mai nói thì lại là động tác thừa. Vì thảo luận đáp án là một chuyện khác.

Giả sử GV làm 10 điểm, giáo viên làm 7 điểm, để so sánh năng lực 2 người cũng chưa hẳn. Trong giáo dục có trường hợp các giáo sư cho giải bài toán theo kiểu lớp 5 cũng không giải ra, nhưng thầy đó vẫn dạy giỏi. Kiến thức là biển mênh mông.

Cho nên đánh giá 1 GV đâu phải chỉ vấn đề năng lực chuyên môn mà còn phẩm chất đạo đức, kết quả thành tích lâu nay họ dạy, rồi thông qua kênh học sinh nhận xét. Còn nếu đánh giá chỉ thông qua 1 bài làm 45 phút thì việc đó không thiết thực gì hết. Nó không hiệu quả. Đánh giá GV là một cái chuẩn chứ đâu phải ưa thì phát lên thì không phải” - thầy Tuấn cho ý kiến.

Theo thầy Nguyễn Văn Minh - GV Sử Trường THPT Hai Bà Trưng Huế, “là người đã có lúc làm công tác coi thi cùng cô Hiệu trưởng, tôi hiểu được phần nào sự mong muốn, sự trăn trở, sự sáng tạo để đưa ra những ý tưởng mới nhằm đưa ngôi trường Cao Thắng của mình ngày một đi lên. Song, điều tôi băn khoăn ở việc làm này là:

Kiểu đột xuất yêu cầu GV làm bài kiểm tra cùng đề với học trò trên giấy thi, có rọc phách, chấm khách quan, công bố điểm, thưởng… cho dù với mục đích gì đều thể hiện sự xúc phạm nghiêm trọng đến nhân cách GV, vi phạm đạo đức nhà giáo, thể hiện cách làm việc, điều hành tùy hứng, vi phạm quy chế dân chủ trong đơn vị.

Một bài làm của giáo viên Toán trường Cao Thắng cùng với đề thi học kỳ 2 của học sinh.
Một bài làm của giáo viên Toán trường Cao Thắng cùng với đề thi học kỳ 2 của học sinh.

Đây là một cải tiến kỳ lạ xưa nay hiếm. Người làm hiệu trưởng phải tạo uy tín cho đồng nghiệp bằng công tác quản lý tốt, sử dụng và khai thác tốt thế mạnh của đồng nghiệp, cùng nhau phát triển chứ không phải ra oai kiểu thế này. Về mặt pháp luật: Đây là một việc làm vượt quyền hạn của Hiệu trưởng; về đạo đức nghề nghiệp: Áp đặt GV làm bài thi không đúng đối tượng; về mặt giáo dục: không tốt, ức chế, nhục mạ GV.

Người làm hiệu trưởng phải tạo uy tín cho đồng nghiệp bằng công tác quản lý tốt, sử dụng và khai thác tốt thế mạnh của đồng nghiệp, cùng nhau phát triển. Không nên đột ngột thử nghiệm những việc làm vượt quyền hạn, mang tính áp đặt, cho dù với mục đích nào làm ảnh hưởng đến nhân cách GV và thiếu tính mô phạm trong môi trường giáo dục.

Thầy Tuấn cũng cho hay, “nếu có 1 GV không dự làm bài thì cô hiệu trưởng cũng không làm chi được GV đó vì không có quy chế nào quy định vậy. Lúc đó sẽ thua lý liền. Vì làm gì có quy định ở trường nào mà hiệu trưởng lại bắt GV làm bài thi cùng HS. Tiếp đến, bài của các GV đó ai chấm? Nếu người trong cuộc chấm thì không khách quan, không hay lắm.

Đã mục đích không rõ ràng, không minh bạch thì không hay. Làm thì phải thông báo trước, có mục đích rõ ràng, người ta đồng tình thì sẽ làm. Ví dụ: kiểm tra trình độ GV tiếng Anh thì Bộ và Sở có quy định các tiêu chí rõ ràng, đầy đủ thì người ta sẽ thực hiện. Khi người ta thực hiện, có kết quả thì họ sẽ tâm phục khẩu phục. Về nhà thấy mình đang còn thấp thì mình phải học tập nhiều hơn. Còn hiệu trưởng làm tự ý, sau này bộc phát thêm một điều gì khác nữa thì sao? GV bức xúc thì sẽ đúng. Đây là vấn đề nhạy cảm, vì đánh giá con người là không phải dễ”.

Thầy Minh trăn trở: “Thiết nghĩ, để thử nghiệm có hiệu quả hơn, là cán bộ quản lý, đáng lẽ cô Mai nên bàn bạc, cần có những bước đi, có kế hoạch chứ không nên mới là một ý tưởng thôi mà đã coi đó là một sáng tạo, vội vàng thực hiện thể hiện sự điều hành tùy hứng đồng thời vi phạm quy chế dân chủ”.

Đại Dương