Con “nghiện” game, phụ huynh lo lắng

(Dân trí) - Hôm qua, một phụ huynh điện cho tôi với tâm trạng hốt hoảng, sợ hãi. Họ không hiểu vì sao cậu "con cưng" của mình giờ lại nghiện game đến độ "quên ăn, quên ngủ". Họ mong tôi tư vấn và giúp đỡ để "cứu" cậu bé trước khi quá muộn.

Cậu con cưng của phụ huynh này hiện đang học lớp 9. Em ít nói nhưng khá thông minh. Học kì 1 vừa qua em vẫn đạt học sinh giỏi. Năm nay em thi vào cấp 3. Vì vậy ba mẹ em đã không tiếc tiền để đầu tư cho con trai. Nghe nói cách học trực tuyến tiếng Anh trên mạng rất hiệu quả, mẹ em đã đăng kí ngay cho con. Thấy con suốt ngày ngồi trên máy tính cha mẹ mừng vô cùng. Cả nhà cứ nghĩ con chăm chỉ để luyện thi. Mọi chuyện chỉ vỡ nở khi bữa qua em bị xỉu trước màn hình game trên máy tính. Nhìn con gầy guộc vì nghiện game, cha mẹ em đau xót vô cùng.

Chuyện học sinh nghiện game không phải là vấn đề mới. Bây giờ hầu như nhà nào cũng có mạng và máy tính. Các em được đầu tư rất kĩ về chuyện học hành. Nhiều nhà đăng kí cho con học trực tuyến tiếng Anh. Đây là cách học được phụ huynh rất ưa chuộng. Các em không phải đến trung tâm mà vẫn giỏi tiếng Anh. Cha mẹ chỉ cần mua thẻ đăng kí là con bắt đầu học. Nếu các em không làm bài cha mẹ sẽ được qua điện thoại. Vì vậy mà rất nhiều phụ huynh ưa thích cách học này. Tuy nhiên đây lại là nguyên nhân gián tiếp dẫn các em đến chuyện mê game.

Trò chơi điện tử vốn là một thú vui tiêu khiển rẻ tiền, vừa dễ chơi với những âm thanh được đồ họa rất sống động, bắt mắt, mới lạ, hợp tính cách giới trẻ. Tuy nhiên nếu các em chỉ coi game là trò chơi giải trí thì không có vấn đề gì, đáng nói nhiều em vì quá ham mê mà bỏ bê việc học, quên đi nhiệm vụ chính của mình. Phần lớn thời gian trong ngày dành cả việc vào chơi game. Tình trạng này dẫn đến đầu óc các em mê muội. Lên lớp thì mệt mỏi, ngủ gà ngủ gật, kết quả học tập sa sút.

Ngoài tác hại lơ là chuyện học hành thì nhiều em còn kiệt sức vì chơi nhiều. Cha mẹ ban đầu cũng không mấy quan tâm đến chuyện con chơi game, chỉ đến khi xảy ra chuyện họ mới cuống cuồng tịch thu điện thoại, cắt mạng để cứu vãn tình thế.

Tuy nhiên, rất nhiều em bắt đầu phản ứng lại cha mẹ khi bị cấm chơi. Đầu tiên là chúng không chịu học hành, sau đó là chống đối ba mẹ. Thậm chí nhiều em còn bỏ nhà đi bụi để dằn mặt cha mẹ. Trước tình trạng này, phụ huynh bắt đầu dùng kỉ luật sắt với con, nào là đánh, mắng rồi dọa để mong con sợ mà từ bỏ game.

Thực ra chơi game điều độ thì không có gì đáng lo quá. Cha mẹ cũng không nên cấm con chơi game hoàn toàn. Cái chính là cha mẹ cần trò chuyện, phân tích cho con thấy những mặt lợi, hại của việc chơi game, đặc biệt là dạng game bạo lực. Tốt nhất cha mẹ hãy dành thời gian vui chơi cùng con. Cha mẹ có thể đăng kí cho con tham gia các hoạt động bổ ích như đá bóng, hay tham gia việc nhà. Cha mẹ cũng không nên đột ngột cấm con chơi game ngay khi các cháu nghiện. Làm sao để các cháu hiểu được ở lứa tuổi này, chuyện học hành vẫn là quan trọng nhất.

Bản thân tôi cũng từng đau đầu vì con mê game. Để phục vụ chuyện học hành, tôi cũng trang bị máy tính cho các con. Lúc đầu con học hành rất nghiêm túc. Dần dần cháu hay chơi trộm khi mẹ vắng nhà. Chỉ đến khi thấy cháu có biểu hiện mệt mỏi chúng tôi mới phát hiện ra. Lúc này tôi đã phải dừng hết mọi việc để gần gũi khuyên bảo cháu. Ngày nào tôi cũng ăn ngủ cùng cháu. Sau đó tôi rủ cháu cùng đến thư viện để học bài. Ở môi trường an toàn này, dần dần cháu đã thay đổi và lại chuyên tâm vào việc học hành.

Sau khi nghe tôi trò chuyện, tâm sự, phụ huynh đã hiểu ra vấn đề. Họ cám ơn tôi và mong muốn tôi cùng giúp đỡ để cháu thay đổi. Nhìn họ bạc tóc vì lo cho con mà tôi thương vô cùng.

Thời buổi này, khi dạy con cái cha mẹ cũng cần có kĩ năng. Không phải cứ lấy quyền cha mẹ mà nói con nghe. Ở lứa tuổi ẩm ương này, cha mẹ cần giáo dục con từ từ. Hãy vui vẻ trò chuyện với các em hàng ngày. Làm sao để hướng trẻ đến một cuộc sống tốt đẹp, chỉ có như vậy mới giúp trẻ tránh xa được những tệ nạn.

Loát Trần

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!