Công nghệ thông tin tiếp tục giữ vị thế ngành “hot”

Không chỉ “nóng” trên thị trường tuyển dụng, Công nghệ thông tin (CNTT) còn là một trong các ngành thi tuyển đầu vào hấp dẫn đối với hệ Cao đẳng - Đại học. Nghị quyết 41 của Chính phủ giảm 50% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho người làm trong lĩnh vực công nghệ cao hứa hẹn củng cố thêm vị thế dần đầu cho ngành này trong 10 năm tới.

Nhiều chuyên gia dự báo, việc giảm 50% thuế TNCN sẽ sớm tạo tín hiệu tích cực lên thị trường lao động và thị trường tuyển sinh đầu vào ngành CNTT, đặc biệt trong bối cảnh mùa thi đại học đang cận kề. Qua đó phần nào tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp CNTT vì thiếu hụt nguồn lực chất lượng trong cả ngắn và dài hạn.

Đồng tình với quan điểm trên, song thầy Lê Trường Tùng - đại diện Hệ thống đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech cho biết, Nghị quyết 41 là liều “doping” tốt cho các bạn trẻ có dự định học lập trình tại Việt Nam như cơ hội nghề nghiệp nhiều hơn, mức thu nhập tốt hơn…, nhưng không thể là “chìa khóa vạn năng” giúp ngay lập tức cải thiện cả lượng và chất của nguồn nhân lực toàn ngành.

Công nghệ thông tin tiếp tục giữ vị thế ngành “hot” - 1

Theo thầy Lê Trường Tùng, nghị quyết 41 sẽ giúp các bạn trẻ dự định học lập trình có cơ hội nghề nghiệp nhiều hơn, thu nhập tốt hơn.

“Bên cạnh thu hút nguồn nhân lực trẻ thông qua ưu đãi thuế TNCN cho ngành CNTT, bản thân các cơ sở đào tạo cần xây dựng lại chương trình học thực sự hấp dẫn theo hướng cập nhật nhanh những kiến thức công nghệ mới nhất của thế giới như IoT (Internet of everything), Big Data, Cloud, Mobility… Ngoài ra, tính chuyên nghiệp và khả năng đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế là hai yếu tố cần được đặc biệt lưu tâm nhằm giúp học viên khi ra trường tự tin tìm kiếm việc làm”, thầy Lê Trường Tùng khẳng định.

Đơn cử như Aptech đang cho học viên tham gia chương trình “Thực hành làm dự án cùng chuyên gia quốc tế” – e-Project do chuyên gia nước ngoài hướng dẫn. Chương trình được Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Aptech toàn cầu (Ấn Độ) xây dựng và áp dụng tại hơn 1.200 trung tâm tại 40 quốc gia. Các chuyên gia Aptech toàn cầu sẽ đưa ra các bài toán (dự án) kèm yêu cầu cho sinh viên giải quyết. Trong quá trình triển khai, họ sẽ giữ vai trò vừa là cố vấn giúp đỡ sinh viên, vừa là người tổng kết, chấm điểm khi dự án kết thúc.

Công nghệ thông tin tiếp tục giữ vị thế ngành “hot” - 2

Mỗi năm, Aptech cho “ra lò” hàng ngàn lập trình viên chất lượng cao nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường

Hiện theo tính toán của VietnamWorks, nếu ngành CNTT tiếp tục tăng trưởng nhân lực ở mức 8% như hiện nay, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 nhân lực IT mỗi năm, và đến năm 2020 sẽ thiếu hơn 500.000 nhân lực IT, chiếm hơn 78% tổng số nhân lực IT thị trường cần.

Nghị quyết 41 đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành vào ngày 26/5 vừa qua. Nghị quyết nêu rõ, để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp CNTT, đẩy mạnh thu hút đầu tư phục vụ cho phát triển CNTT theo các mục tiêu đã đặt ra trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần thiết phải có thêm các chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy hơn nữa ứng dụng và phát triển CNTT trong nước.

Cụ thể, Nghị quyết giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT.

Lãnh đạo một công ty công nghệ lớn của Việt Nam từng chia sẻ, với mức thuế TNCN 35%, một doanh nghiệp khi trả cho một nhân sự 2.000 USD thì bản chất đã phải chi trả hơn 3.000 USD nếu tính cả bảo hiểm xã hội. Như vậy, không chỉ doanh nghiệp thiệt, mà bản thân thu nhập của người lao động cũng bị giảm do mức thuế TNCN cao.

Ngay từ khi ở dạng dự thảo, Nghị quyết 41 đã mau chóng nhận được sự ủng hộ của đông đảo doanh nghiệp CNTT trong nước, coi đây là sức bật quan trọng cho ngành này nếu được áp dụng trong thực tế. Điều này hoàn toàn khả thi nếu nhìn sang Singapore – một đất nước có diện tích nhỏ hơn Tp.HCM, nhưng đang chiếm giữ vị thế dẫn đầu trong khu vực về công nghệ cao, một phần dựa vào chính sách thuế TNCN ưu đãi cho nhân sự của ngành.