Đánh giá HS lớp 1 bằng nhận xét: Gánh nặng cho GV tiểu học

(Dân trí) - Năm học 2013-2014, Hà Nội quyết định thực hiện đại trà không chấm điểm hàng ngày đối với HS lớp 1 mà thay vào đó là nhận xét. Hơn 10 tuần triển khai đã cho thấy mặt tích cực của cách đánh giá mới này nhưng bù lại, giáo viên thêm không ít gánh nặng.

Theo hướng dẫn về nhiệm vụ năm học 2013-2014 của Bộ GD-ĐT thì chỉ khuyến khích các địa phương đánh giá học sinh (HS) lớp 1 bằng nhận xét chứ không bắt buộc. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, Sở GD-ĐT Hà Nội đã quyết định triển khai việc đánh giá HS lớp 1 bằng nhận xét đối với tất cả các trường tiểu học ở địa bàn.
 
Theo đó, hơn 10 tuần học trôi qua nhưng không có một điểm số nào được giáo viên (GV) Hà Nội chấm trong vở HS mà thay vào đó bằng những lời nhận xét ngắn gọn theo chiều hướng tích cực, động viên HS.
 
Theo ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội, từ nhiều năm nay, Sở đã quán triệt tinh thần là GV chỉ cho điểm theo đúng quy định: Điểm kiểm tra thường xuyên ở môn toán có 2 đầu điểm, tiếng Việt có 4 đầu điểm hoặc kiểm tra định kỳ. Việc khuyến khích GV không chấm điểm tràn lan mà chỉ đưa ra các nhận xét trên tinh thần động viên, khích lệ với HS lớp 1 không phải là điểm gì mới trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học của Hà Nội.
 
Cũng theo ông Tiến, việc thực hiện đại trà ở năm học này là nhằm góp phần đổi mới cách đánh giá kết quả học tập phù hợp với HS lớp 1. Khuyến khích HS học tập, ghi nhận sự tiến bộ hàng ngày để động viên và hướng dẫn, giúp đỡ HS cảm thấy tự tin và tích cực học tập. Bên cạnh đó nó cũng góp phần giảm áp lực tâm lý cho HS và phụ huynh, tránh được so sánh giữa các HS, chê trách HS...
 

Dưới góc độ cơ sở, cô Phạm Thị Tâm - giáo viên dạy lớp 1D Trường tiểu học Thị trấn Văn Điển A chia sẻ: “Việc chuyển từ cho điểm hàng ngày sang bằng nhận xét đánh giá có những dấu hiệu tích cực. Cụ thể, trong lớp, HS mạnh dạn và tự tin hơn. Bên cạnh đó, bản thân ngay cả phụ huynh và HS không còn bị áp lực như trước”.

Cô Tâm cũng cho hay, về phía GV cũng có những mặt khó khăn khi thực hiện. Nếu như trước kia, việc thực hiện cho điểm hàng ngày thì rất là đơn giản, bây giờ khi chuyển sang nhận xét thì đòi hỏi phải rất tỉ mỉ để phụ huynh có thể biết được con đang học ở ngưỡng, mức nào.

“Với HS cũng có những mặt hạn chế như đầu năm học các con chưa biết đọc vì thế khi nhìn thấy nhận xét của GV thì không biết là cô nhận xét gì. Chính vì thế chúng tôi lại phải kết hợp nhận xét bằng lời với nhận xét ở trong vở” - cô Tâm nói.

Liên quan đến việc văn hướng dẫn tạm thời của Sở GD-ĐT Hà Nội về đánh giá bằng nhận xét đối với HS lớp 1, không ít GV đều cho rằng: Với việc đánh giá nhận xét bằng lời và ghi nhận xét vào vở hàng ngày ở trên lớp thì giờ lại thêm công việc lập sổ theo dõi để ghi nhận xét hàng tuần, hàng tháng. Như vậy, công việc của giáo viên sẽ tăng thêm và sẽ thật sự là rất vất vả đối với các lớp có sĩ số đông”.
 
Giáo viên tăng thêm gánh nặng khi đánh giá bằng nhận xét đối với HS lớp 1.

Giáo viên tăng thêm gánh nặng khi đánh giá bằng nhận xét đối với HS lớp 1.

Một trong những khó khăn khác khi thực hiện đánh giá bằng nhận xét ở Hà Nội hiện nay đó là không hẳn các bậc phụ huynh đều đồng tình. Cô Trần Lệ Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Thị trấn Văn Điển A cho biết: “Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học, nhà trường đã tuyên truyền và thông tin một cách kỹ lưỡng về chủ trương thay đổi đánh giá HS lớp 1. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số phụ huynh vẫn đề đạt GV cho điểm số để biết lực học của con em mình. Với quan điểm thực hiện tốt chủ trương của ngành nên chúng tôi cương quyết thực hiện nghiêm tục việc không điểm hàng ngày cho dù phụ huynh có yêu cầu”.

Như vậy, việc thực hiện đánh giá bằng nhận xét đối với HS lớp 1 đã phát huy những mặt tích cực của nó cho dù GV sẽ gánh thêm không ít vất vả. Song để cho chủ trương này ngày càng được thực hiện tốt hơn cần phải đòi hỏi sự hiểu biết đúng đắn từ phía phụ huynh. Chỉ khi nào phụ huynh xóa đi quan niệm về điểm số hàng ngày thì lúc này mới nhìn thấy được giá trị của việc đánh giá bằng nhận xét hàng ngày đối với HS lớp 1.

Nguyễn Hùng - Trọng Trinh