Bạn đọc viết:

Dạy sách giáo khoa song ngữ trong trường học: Nhiều trăn trở

(Dân trí) - SGK song ngữ với giá thành gấp đôi đồng nghĩa với số tiền phụ huynh bỏ ra để trang bị đồ dùng, tài liệu học tập cho con em tăng cao đáng kể. Nhưng đó chưa phải là vấn đề cốt lõi làm phụ huynh bận tâm. Mà quan trọng là: Dạy học SGK song ngữ như thế nào? Hiệu quả đến đâu?

Đổi mới toàn diện GD&ĐT đang là mối bận tâm lớn của toàn xã hội. Nhiều đề xuất cải cách, nhiều giải pháp thay đổi đã được triển khai đem lại niềm vui lớn về ước vọng khởi sắc nền giáo dục nước nhà. Bên cạnh đó cũng song hành không ít nỗi lo, trăn trở về tính khả thi, thiết thực của nó. Mới đây thông tin về bộ sách giáo khoa (SGK) song ngữ từ lớp 2-12 với các môn Toán, Khoa học, Hóa, Sinh đã được Bộ Giáo dục trình làng từ năm ngoái được hiệu chỉnh toàn diện, chuẩn bị phát hành đã làm dư luận hoang mang.

Phụ huynh hoang mang bởi hàng loạt thông tin của các bên liên quan cứ “đá” nhau chan chát. Ngay từ buổi họp phụ huynh cuối năm, một số giáo viên chủ nhiệm đã ra thông báo trực tiếp về việc dạy học SGK song ngữ Toán và Khoa học cho học sinh tiểu học trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, thông tin từ Trưởng ban Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (thuộc Bộ GD&ĐT) khẳng định bộ sách này do NXB Giáo dục tự tổ chức dịch và Bộ GD&ĐT chưa thẩm định. Ngay sau đó là thông tin 40 Sở GD&ĐT đã đăng kí tự nguyện dạy SGK song ngữ. Tiếp đến là thông tin chính thức từ UBND TPHCM: Chưa có chủ trương dạy học sách song ngữ. Thế là một “mớ bòng bong” rối bù về số phận của bộ SGK song ngữ!

Một số lượng SGK song ngữ được NXB Giáo dục công phu chuẩn bị đã tiêu tốn biết bao nhiêu tiền của. Vậy mà nó chưa hề được thẩm định đã lại được các trường đăng kí mua, phụ huynh đăng kí mua. Rất nhiều bạn đọc thắc mắc phải chăng NXB đã “cầm đèn chạy trước ô tô” quả chẳng sai!

SGK song ngữ với giá thành gấp đôi đồng nghĩa với số tiền phụ huynh bỏ ra để trang bị đồ dùng, tài liệu học tập cho con em tăng cao đáng kể. Nhưng đó chưa phải là vấn đề cốt lõi làm phụ huynh bận tâm. Mà quan trọng là: Dạy học SGK song ngữ như thế nào? Hiệu quả đến đâu?

Chương trình học của học sinh quá tải, nặng về kiến thức, lí thuyết hàn lâm là một thực tế khiến bao người ca thán và chờ đợi sự thay đổi tích cực từ công cuộc cải cách toàn diện lần này. Một vài ba năm trở lại đây, Bộ GD&ĐT vừa mới có qui định giảm tải một số mục, một số bài. Tuy nhiên, bộ SGK song ngữ này ra đời chẳng khác gì lại tiếp tục “tăng tải” cho học sinh. Trình độ học sinh không đồng đều, số lượng học sinh tiểu học nói và viết chuẩn Tiếng Anh vẫn không phải là đa số. Bên cạnh đó, ý thức học tập của các cháu tiểu học chưa cao đến mức các cháu chủ động và tích cực nâng cao năng lực ngoại ngữ của bản thân. Tôi chỉ sợ một viễn cảnh học sinh lại càng bị áp lực hơn với bộ sách song ngữ này rồi tình trạng nháo nhào chạy đua học thêm, học kèm, học trung tâm để đuổi theo bạn bè trên lớp.

Về phía đội ngũ giáo viên đứng lớp, số lượng giáo viên Tiếng Anh ở nước ta đạt chuẩn thì nhiều nhưng chất lượng thì còn nhiều vấn đề phải bàn. Giáo viên các bộ môn khác có bằng Ngoại ngữ A, B,… nhưng lắm lúc nó chỉ để làm đẹp cho bộ hồ sơ cá nhân. Vì vậy, dự kiến giáo viên Tiếng Anh “lấn sân” dạy các môn Toán, Hóa, Sinh, Khoa học còn khá nhiều bất cập. Hơn nữa, giáo viên Toán, Khoa học, Hóa, Sinh có thể dạy song ngữ, vừa đảm bảo kiến thức theo ngôn ngữ mẹ đẻ, vừa đảm nhận hướng dẫn ngoại ngữ phải chăng còn xa vời.

Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT thì đội ngũ giáo viên dạy song ngữ sẽ tham gia các lớp tập huấn đầy đủ, nhưng bao nhiêu lớp tập huấn sẽ được mở và trong thời gian bao lâu đi chăng nữa cũng khó thể lấp đầy “lỗ hổng” chênh lệch trong chuyên môn.

Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT thì việc dạy học SGK song ngữ được khuyến khích theo tinh thần tự nguyện. Có thể dạy và có thể chỉ để học sinh dùng làm tham khảo. Có hay không một sự lãng phí quá là lớn khi giá thành chênh lệch đến vậy?

Để tiến tới dạy học SGK song ngữ trong trường học, thiết nghĩ chúng ta cần có một quá trình chuẩn bị dài lâu để xây đắp những nền móng vững chắc đầu tiên…

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!