Dạy tiếng Anh liên kết ở tiểu học: “Ép” theo kiểu tự nguyện

Chương trình đưa tiếng Anh vào trường tiểu học đã được triển khai từ năm 2008, đến nay đã có hơn 400 trường thí điểm và triển khai. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã bộc lộ một số vấn đề bất cập, gây nghi ngại cho phụ huynh học sinh khi quyết định cho HS theo học.

Petrotimes đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) về vấn đề này. 

PV: Thưa ông, qua khảo sát, có nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội phối hợp với các công ty, trung tâm đưa tiếng Anh liên kết vào giảng dạy. Điều này có nằm ngoài sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội hay không?

Ông Phạm Xuân Tiến: Tôi khẳng định điều này không nằm ngoài sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT và Bộ GD-ĐT cũng đã cho phép.

PV: Việc các trường được phép phối hợp với các công ty, trung tâm đưa chương trình liên kết tiếng Anh, Sở GD-ĐT có quy định gì không? Quy trình cấp phép cho các công ty, trung tâm và các chương trình được tiến hành ở những khâu nào, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Tiến: Đối với chương trình liên kết trong nhà trường, các công ty xây dựng đề án và trình bày với lãnh đạo Sở, Phòng giáo dục tiểu học và các bộ phận chuyên môn. Sau đó, Sở sẽ cho phép thí điểm ở 1 số trường. Trong quá trình thí điểm, tổ chức hội thảo với sự tham gia của lãnh đạo Sở, chuyên viên phòng Tiểu học, chuyên viên phụ trách tiếng Anh; về phía cơ sở có phòng GD-ĐT, hiệu trường, giáo viên tiếng Anh và đặc biệt, PHHS cũng tham gia vào buổi hội thảo này.

Chúng tôi có dự giờ, kiểm tra trình độ học sinh ngay trong quá trình thí điểm. Sau khi kết thúc thí điểm, chúng tôi có tổ chức hội thảo đánh giá và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GD-ĐT đối với từng chương trình để cho phép triển khai. Các chương trình này thường được thí điểm trong vòng 1 năm.

Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội).
Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội).

PV: Thưa ông, hiện nay có bao nhiêu trung tâm, chương trình được cấp phép để đưa vào trường học? Sở GD-ĐT giám sát hiệu quả thực thi đến đâu?

Ông Phạm Xuân Tiến: Hiện nay, có 6 chương trình cũng như trung tâm đã được cấp phép, gồm có Phonics (VPBox), Language Link, Victoria, Dynet, Washington và Bình Minh. Đối với những chương trình có giáo viên người nước ngoài giảng dạy, sẽ được Phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài thẩm định về mặt pháp lý.

Sau khi Sở cấp phép, sẽ giao cho các phòng GD-ĐT, cho phép các đơn vị làm việc với các nhà trường, đi đến thỏa thuận hợp tác đưa chương trình tiếng Anh này vào dạy trong các nhà trường. Về phân cấp, các trường tiểu học trực thuộc các phòng GD-ĐT, do vậy, Sở giám sát việc giảng dạy thông qua báo cáo từ các phòng GD-ĐT tổ chức những đợt kiểm tra đột xuất và tổ chức tập huấn, hội thảo.

Hiện chưa có trường ĐH nào có chuyên ngành đào tạo riêng cho giáo viên dạy tiếng Anh ở tiểu học, các giáo viên tiếng Anh hiện nay chưa được đào tạo chuyên sâu về tâm lý học sinh tiểu học. Vì thế, Sở đã tổ chức rất nhiều cuộc tập huấn cho đối tượng giáo viên này và tôi khẳng định đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh được tham gia nhiều đợt tập huấn nhất.

Mỗi chương trình có ít nhất 2 đợt tập huấn cho giáo viên, kéo dài trong khoảng 2 ngày. Còn với chương trình theo đề án 2020 (Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 - PV) của Bộ GD-ĐT, mỗi đợt tập huấn kéo dài khoảng 3 tháng, trong đó có 2 tháng học tập trung và 1 tháng đào tạo từ xa.

PV: Qua khảo sát, có trường chỉ có giáo viên người Việt, có trường có thêm giáo viên người nước ngoài dẫn tới việc học phí thu chênh lệch từ 50.000 đồng cho đến 600.000 đồng/ tiết học. Sở GD-ĐT có quy định nào về quy trình thực hiện và mức thu này không?

Ông Phạm Xuân Tiến: Mức học phí này tùy thuộc vào chương trình, có chương trình học với phần mềm (Dynet), có chương trình học trực tiếp với người nước ngoài (Language Link) và cũng có chương trình có cả người Việt và người nước ngoài giảng dạy, trong đó, các tiết học có người nước ngoài đều có trợ giảng. Một yếu tố nữa tác động đến mức học phí chênh lệch chính là số lượng học sinh, ví dụ như Language Link ký hợp đồng với nhà trường không quá 25 học sinh/lớp. Trong trường hợp lớp có 35-40 học sinh, sẽ có 2 cô giáo đến dạy và chia lớp đó thành 2 lớp nhỏ học song song.

PV: Nhiều ý kiến đặc biệt lo lắng về chất lượng của giáo viên, cả người Việt và người nước ngoài. Trước khi đứng lớp, những giáo viên này có được các Phòng GD-ĐT kiểm tra chất lượng không?

Ông Phạm Xuân Tiến: Về giáo viên người Việt phải phù hợp quy chế tuyển dụng giáo viên của các trường tiểu học, kể cả trong biên chế và hợp đồng. Theo đó, giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên. Với giáo viên người nước ngoài cũng phải có bằng sư phạm và Phòng giáo dục có yếu tố nước ngoài quản lý số giáo viên này. Vì thế, khi đơn vị đưa giáo viên nước ngoài vào giảng dạy cần rất nhiều yếu tố: visa, giấy phép lao động, đẩy đủ các bằng cấp và chứng nhận nghiệp vụ sư phạm.

Thêm vào đó, về phía nhà trường giáo viên trợ giảng người Việt và giáo viên người nước ngoài giám sát, có ý kiến lẫn nhau nếu chất lượng giảng dạy không đảm bảo.

PV: Dù tự nguyện nhưng ở nhiều trường, số học sinh tham gia chương trình đều đạt 100%, Sở có nhận được phản ánh nào của phụ huynh học sinh (PHHS) về việc họ buộc phải tham gia vì sợ con bị phân biệt đối xử?

Ông Phạm Xuân Tiến: Khi mới tham gia chương trình, hầu như không có trường nào đạt 100%. Khi triển khai, các nhà trường cho PHHS đăng ký ngay từ đầu năm, dựa vào số học sinh đăng ký, nhà trường sẽ xếp lớp và sắp xếp thời khóa biểu phù hợp. Nếu trong lớp có một số em không đăng ký học, nhà trường sẽ bố trí giáo viên chủ nhiệm để quản lý các em, có thể đưa lên phòng thư viện hoặc ngồi ngay tại lớp. Nhưng thông thường, trường cũng sẽ sắp xếp những em đăng ký học vào cùng một lớp.

Cho đến nay, Sở chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào của PHHS về việc con cái bị phân biệt đối xử nếu không đăng ký học tiếng Anh. Thực ra việc các cháu học hay không học tiếng Anh là do nhận thức của PHHS, thậm chí có những người trong quá trình họp PHHS không nghe nhà trường phổ biến nên không hiểu.

PV: Việc dạy tiếng Anh liên kết dưới danh nghĩa tự nguyện nhưng lại tổ chức vào các tiết học chính khoa mà các trường đang làm có đúng quy định không?

Ông Phạm Xuân Tiến: Chúng tôi xin khẳng định, để tiếng Anh vào được các nhà trường cho nhiều học sinh được tham gia thì phải nằm trong các tiết học chính khóa trong tuần. Nếu tổ chức học ngoài giờ, các em không “tải” nổi; còn nếu học vào thứ 7, chủ nhật thì không được phép. Với chương trình học 2 buổi/ngày, thêm 2 tiết tiếng Anh, chương trình của lớp 1, 2 vẫn gói gọn trong 35 tiết, lớp 3, 4, 5 sẽ lên 36 hoặc 37 tiết. Với các trường có chương trình tiếng Anh liên kết thì thời khóa biểu không xếp một ngày quá 7 tiết học văn hóa, tránh áp lực cho học sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT. Các tiết tự nguyện thường được sắp xếp đan xen vào chương trình chính khóa để đảm bảo đủ giáo viên và phù hợp với tâm lý học sinh tiểu học và tuân thủ hướng dẫn của Sở GD-ĐT.

Tôi cũng khẳng định không có chuyện các tiết tự nguyện “chen” vào giờ học khác hoặc giờ ra chơi của các học sinh.

PV: Xin ông cho biết, từ trước đến nay, đã có cá nhân hoặc đơn vị nào bị xử lý do vi phạm trong chương trình này?

Ông Phạm Xuân Tiến: Hiện nay chưa có có chương trình nào bị xử lý sai phạm. Trong quá trình triển khai, các chương trình có đánh giá chất lượng, trình độ của giáo viên để quyết định ký hợp đồng tiết hay không. Nếu về phía nhà trưởng phản ánh về chất lượng giáo viên thì công ty sẽ có biện pháp chấn chỉnh, bên cạnh đó, Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT cũng thường xuyên kiểm tra đột xuất.

Ví dụ, khi biết thông tin phản ánh từ phụ huynh về các vấn đề dạy và học tiếng Anh liên kết tại quận Hoàng Mai, chúng tôi đã tổ chức khảo sát đột xuất với PHHS của hai trường tiểu học Đền Lừ và trường tiểu học Hoàng Mai (quận Hoàng Mai) vào ngày 21/9/2012 về quan điểm và mong muốn của PHHS. Trong phiếu khảo sát này, chúng tôi đề cao tính khách quan nên không cần ghi tên PHHS, tên học sinh hay tên lớp.

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy có nhiều PHHS không nắm được sự khác nhau giữa chương trình làm quen (lớp 1, 2) và chương trình tăng cường tiếng Anh (lớp 3, 4, 5). Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thấy được hi vọng của PHHS rất lớn và họ cũng rất ủng hộ chương trình tiếng Anh liên kết này.

Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội).
Mẫu khảo sát của Sở GD-ĐT Hà Nội về việc dạy và học tiếng Anh tại trưởng tiểu học Đền Lừ và Hoàng Mai.

PV: Theo ông, trẻ em lớp 1 có cần chương trình dạy làm quen với tiếng Anh không?

Ông Phạm Xuân Tiến: Cách đây hơn 10 năm, khi TP.HCM triển khai chương trình cho học sinh làm quen với tiếng Anh ở lớp 1, 2 thì Hà Nội chưa có và cũng rất băn khoăn. Mặc dù nhu cầu của PHHS và nhà trường rất lớn, có nhiều Ban giám hiệu có ý kiến đề xuất với Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT, thế nhưng theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở cũng triển khai chương trình học tiếng Anh bắt đầu từ lớp 3 nên không cho phép có các chương trình dạy tiếng Anh cho lớp 1, 2. Trong khi đó, TP.HCM đã triển khai sớm và đạt được những kết quả đáng kể.

Đến khi có đề án 2020 năm 2008, Sở GD- ĐT Hà Nội mới cho phép các trường dạy chương trình làm quen với tiếng Anh. Kết quả cho thấy, các học sinh lớp 1, 2 học chương trình này không ảnh hưởng tới việc học tiếng Việt cũng như không làm quá tải việc học, bởi chương trình này rất đơn giản, phương pháp phong phú, chủ yếu tập trung vào việc nghe, nói.

Khi tôi có cơ hội sang các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, tôi nhận thấy họ đưa tiếng Anh vào ngay cấp học mầm non và học sinh không có nhầm lẫn giữa hai ngôn ngữ. Vì thế theo tôi, với với nhu cầu của PHHS, thực tế hội nhập của xã hội thì việc cho trẻ em lớp 1, 2 làm quen với tiếng Anh là rất cần thiết, vừa không ảnh hưởng tới các bộ môn khác, vừa giúp trẻ năng động hơn.

PV: Liệu việc học thêm tiếng Anh liên kết có đi ngược lại chủ trương của ngành là giảm tải chương trình học không?

Ông Phạm Xuân Tiến: Tôi xin khẳng định, tiếng Anh liên kết không làm tăng tải. Bởi chương trình học tiếng Anh ở tiểu học rất đơn giản mà hiệu quả cao, đặc biệt việc giao tiếp rất cởi mở, thân thiện, năng động, có vốn từ khá tốt. Chương trình không nhồi nhét, không đặt mục tiêu quá cao cho các em.

PV: Nếu trẻ không theo chương trình liên kết, tăng cường thì trẻ có theo kịp được chương trình tiếng Anh của Bộ GD-ĐT không?

Ông Phạm Xuân Tiến: Tất nhiên trẻ vẫn có thể theo kịp được, thế nhưng có học tăng cường thì sẽ hơn hẳn. Nếu như có đủ giáo viên dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần thì không cần chương trình liên kết, tăng cường nữa. TP.HCM có chương trình tăng cường tiếng Anh cho học sinh lớp 1 từ 8 – 10 tiết/tuần, hoàn toàn có thể nhận thấy chất lượng và năng lực sử dụng ngoại ngữ của cả đối tượng người dạy và người học có sự khác biệt rõ rệt.

Trẻ được học tiếng Anh từ lớp 1, 2, kiến thức sẽ ngấm dần, tiếp nhận dần. Nếu chờ sáng lớp 6 mới học tiếng Anh bắt buộc thì việc học sẽ khó khăn và hạn chế hơn rất nhiều. Khi học sinh được học đều thì sẽ tạo ra một phản xạ nhất định trong việc tiếp nhận ngoại ngữ.

PV: Khi PHHS cho học sinh theo học chương trình tiếng Anh liên kết, PHHS có cần đóng góp tiền bạc để mua các trang thiết bị, phần mềm cho việc học không? Nếu có trường yêu cầu cha mẹ HS đóng góp thì điều này có sai nguyên tắc không?

Ông Phạm Xuân Tiến: Những trang thiết bị, phần mềm, máy tính… phục vụ cho học sinh trong quá trình học đều do trung tâm, công ty chịu trách nhiệm mua sắm. Bởi HS tiểu học tiếp thu phương pháp dạy học trực quan là phù hợp nhất. Các con không phải đóng thêm bất kỳ khoản nào, chỉ đóng duy nhất tiền học phí thôi. Ngoài ra, có nhiều chương trình đều miễn giảm học phí 50% đến 100% cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ cần phụ huynh có nguyện vọng cho con học tiếng Anh là được học, bất kể hoàn cảnh gia đình ra sao.

PV: Hiện nay đang có tình trạng PHHS vẫn phải cho con đi học thêm tiếng Anh tại các trung tâm ngoài, mặc dù đã học tiếng Anh liên kết tại trường; và khi không có nhu cầu học tiếp, lại bị nhà trường “ép” phải học. Là cơ quan quản lý giáo dục tiểu học, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Phạm Xuân Tiến: Thực ra nhu cầu, mong muốn của phụ huynh rất lớn, vì cũng có rất nhiều phụ huynh có trình độ tiếng Anh có kỳ vọng rất lớn vào chương trình tiếng Anh. Thế nhưng phụ huynh cần hiểu rằng, ở lớp 1, chương trình chỉ dừng lại ở mức độ này, hết lớp 2 sẽ có mức độ khác; thế nhưng nhiều phụ huynh hi vọng mới hết lớp 1 đã có kiến thức của lớp 5, lớp 6, điều này là không thể xảy ra. Chúng tôi khẳng định rằng nhu cầu, mong muốn ấy của PHHS là rất tốt, nhưng họ cũng cần hiểu được mức độ kiến thức,, chương trình theo từng lớp đến đâu và con họ đã đạt chưa?

Còn về việc Ban giám hiệu “ép” PHHS phải cho con học tiếp, hiện nay Sở GD-ĐT chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào. Về phía Sở GD-ĐT, việc học tiếng Anh hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện, nếu PHHS không có nhu cầu cho con theo học, giáo viên chủ nhiệm sẽ chịu trách nhiệm quản lý các cháu trong giờ tiếng Anh.

PV: Nhu cầu cho học sinh tiểu học được học tiếng Anh của PHHS cũng như nhà trường khá cao, nhưng tiếng Anh chưa phải môn học bắt buộc. Liệu đây có phải là sự chậm trễ của chính sách?

Ông Phạm Xuân Tiến: Chủ trương đưa tiếng Anh vào trường tiểu học của Bộ GD-ĐT hoàn toàn hợp lý và chính xác.

Hiện nay chương trình của Bộ GD-ĐT, tiếng Anh chưa phải môn học bắt buộc, nên Hà Nội đã có quy định, mỗi trường tiểu học có một giáo viên tiếng Anh trong biên chế, làm nòng cốt cho việc quản lý và chỉ đạo việc dạy và học tiếng Anh trong trường, và việc này đã được triển khai từ năm 2006. Với 1 giáo viên biên chế thì không đủ dạy cho các em học sinh, vì thế, các trường phải liên kết, hợp tác với các trung tâm học tiếng Anh. Chúng ta hoàn toàn có thể nhận thấy việc đưa tiếng Anh vào trường tiểu học hoàn toàn đúng đắn, giúp bổ trợ cho học sinh rất nhiều.

Mong muốn của Sở GD-ĐT vẫn là đưa tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc trong trường tiểu học, nhưng hiện nay Bộ GD-ĐT chưa có chính sách cụ thể. Khi đã có chỉ đạo, việc triển khai giáo trình, biên chế giáo viên cho các lớp sẽ dễ dàng hơn.

PV: Xin cám ơn ông!

Theo Vương Tâm
Petrotimes