Bạn đọc viết:

Đề kiểm tra Văn: Lý thuyết xa vời thực tiễn!

(Dân trí) - Đọc hai bài viết của tác giả Thanh Thanh và Loát Trần trên báo Dân trí, tôi cảm thấy rất đồng tình với trăn trở của các cô giáo xung quanh vấn đề đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh trong bộ môn Ngữ Văn. Tuy nhiên, tôi lại có những nhìn nhận khá khác biệt với về vấn đề này.

Không phải đến bây giờ người ta mới bàn về đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, cụ thể là đổi mới cách ra đề. Tôi nhớ cách đây khoảng 6 - 7 năm về trước, chúng tôi đã tham gia nhiều chuyên đề cấp huyện về công tác này. Một trong những điểm mới đáng chú ý là phải xây dựng ma trận đề kiểm tra bên cạnh đề và đáp án trước đây.

Ma trận đề khá là mới mẻ với tất cả giáo viên với sự phân loại rõ ràng về 4 mức độ tư duy: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Thú thật, ma trận đề khá phức tạp nhưng chính nhờ nó mà cách ra đề của giáo viên được trải rộng nhiều kiến thức cùng với những yêu cầu khắt khe về mức độ khó trong từng câu hỏi, bài tập.

Nếu trước đây, giáo viên ra đề một cách chủ quan, tùy ý thích và phụ thuộc dụng ý của từng người thì ma trận đề buộc người thầy phải đặt từng câu hỏi, bài tập vào đúng mức độ tư duy và rải đều các mức độ tư duy theo đúng tỷ lệ đã thống nhất.

Công việc của giáo viên khi ra đề nhiều hơn trước, nhọc nhằn hơn trước. Nhưng tôi nhất trí cao với chủ trương đổi mới cách ra đề kèm ma trận như thế. Vấn đề là giữa lý thuyết và thực tiễn lại cách biệt đến vô vàn.

Chỉ giáo viên cốt cán trong huyện thị mới được cử đi tập huấn với chuyên viên cấp sở, bộ. Còn đội ngũ giáo viên đông đảo tại cơ sở vẫn phải nghe “nói lại”, “trình bày lại” từ những báo cáo viên không chuyên. Vậy nên, có nhiều vấn đề chưa được tỏ tường, có nhiều thắc mắc không lời giải đáp. Và nghịch lý là tất cả giáo viên đều phải chấp nhận cái chưa rõ, điều chưa tỏ đó.

Một, hai buổi tập huấn tập trung giáo viên toàn huyện thị chẳng giúp giáo viên thông hiểu và thực hành nhuần nhuyễn nhiệm vụ xây dựng ma trận đề. Nếu không tự nghiên cứu và tự bồi dưỡng, giáo viên sẽ chẳng thâm nhập để phân biệt được sự khác nhau giữa các mức độ tư duy, xác định câu hỏi này thuộc mức độ tư duy nào, và bố trí bảng ma trận đã phù hợp với yêu cầu chưa…

Tôi vẫn còn nhớ như in đợt kiểm tra chuyên môn tại trường cách đây 6 năm trước. Hồi ấy, tổ bộ môn chúng tôi đón hai giáo viên vốn là tổ trưởng chuyên môn của trường bạn về dự giờ, kiểm tra hồ sơ và việc thực hiện quy chế chuyên môn. Mọi việc đều diễn ra suôn sẻ. Rồi mọi chuyện rắc rối nảy sinh khi đề kiểm tra của chúng tôi bị “soi”.

Hồi ấy, đề kiểm tra bộ môn Ngữ Văn có 30% trắc nghiệm và 70% tự luận. Một câu hỏi trắc nghiệm chiếm 0,25 điểm được tôi đặt vào bảng ma trận đề ở mức độ nhận biết. Hai giáo viên thanh tra lại không đồng ý và khẳng định câu hỏi ấy thuộc mức độ thông hiểu. Thầy giáo tổ trưởng của tôi lại nhất trí với quan điểm của giáo viên trường mình.

Vậy là một cuộc “khẩu chiến” nhỏ xảy ra giữa giáo viên tại cơ sở và giáo viên thanh tra. Kết quả là mỗi bên đều khư khư giữ lấy quan điểm của mình và đến tận bây giờ câu hỏi ấy vẫn lửng lơ ở hai mức độ tư duy.

Nói thế để thấy rằng bất kỳ cái mới nào cũng cần được phổ biến và cập nhật một cách đầy đủ, thống nhất trong đội ngũ giáo viên. Nếu không, tất cả đều chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”! Và khi giáo viên tự mày mò, “tự biên tự diễn” để thực hành, ứng dụng cái mới, nguy cơ đi “lệch đường ray” rất dễ nảy sinh. Để rồi thiệt thòi nhất vẫn là học sinh của chúng ta phải tự gánh chịu.

Từ đó đến nay, đổi mới việc kiểm tra, đánh giá học sinh, cụ thể là khâu ra đề lại tiếp tục được cải cách liên miên. Hết thêm vào trắc nghiệm lại bỏ trắc nghiệm. Tiếp theo là xây dựng đề theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Rồi đề kiểm tra phải có thêm bảng mô tả bên cạnh ma trận đề, đề và đáp án.

Cái mới liên tục nảy sinh, đòi hỏi giáo viên phải liên tục vận động. Tuy nhiên, giữa lý thuyết và thực tiễn bao giờ cũng tồn tại một khoảng cách xa vời khó lấp đầy khiến hiệu quả đổi mới chưa cao và chưa nhận được sự đồng thuận cao trong đội ngũ giáo viên.

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!