Điều gì đang xảy ra với hệ thống giáo dục Ấn Độ?

(Dân trí) - Mặc dù số lượng các trường cao đẳng, đại học ở Ấn Độ đang tăng mạnh nhưng chất lượng lại đi xuống. Tại sao lại như vậy?

Có thể nói, Ấn Độ là nước có nền giáo dục lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Trường đại học Nalanda ở Ấn Độ đã thu hút sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim này đã trở thành dĩ vãng. Các trường đại học Ấn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nổi cộm như cơ sở vật chất thiếu thốn, chất lượng giáo dục yếu kém và cả sự can thiệp ngày càng lớn của giới chính trị vào trường học. Đó là những khủng hoảng khiến hệ thống giáo dục của nước này không đủ sức đáp ứng cho yêu cầu ngày càng cao của người dân. 

Kết quả là ngày càng nhiều gia đình gửi con đi du học. Chảy máu chất xám là một bài toán nan giải khi Ấn Độ đang vật lộn với số lượng y bác sĩ ít ỏi còn những sinh viên tài năng của Viện Nghiên cứu Y học toàn Ấn Độ (AIIMS) có xu hướng lập nghiệp ở các quốc gia hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, những người trong ngành kỹ thuật hay phần mềm thường không làm việc ổn định tại một nơi mà đi từ quốc gia này sang quốc gia khác, tạo nên sự tuần hoàn chất xám.

Điều gì đang xảy ra với hệ thống giáo dục Ấn Độ?
Sinh viên Viện Nghiên cứu Y học toàn Ấn Độ (AIIMS). Nhiều SV của AIIMS có xu hướng hướng lập nghiệp ở các quốc gia hàng đầu thế giới. (Ảnh: Indiatoday)

Để đáp ứng cho nhu cầu giáo dục chất lượng của người dân và để chống chảy máu chất xám, chính phủ đã bật đèn xanh cho các trường đại học nước ngoài mở các trung tâm nghiên cứu và trường đại học tại nhiều thành phố của Ấn Độ. Nhưng nhiều sinh viên lại coi cái mác trường đại học quốc tế như tấm hộ chiếu để họ có thể định cư ở nước ngoài.

Công cuộc toàn cầu hóa cũng tác động mạnh mẽ lên nền giáo dục bậc cao ở nước này. Là một nước châu Á đang nổi lên, Ấn Độ cần thiết lập một xã hội dựa trên kiến thức điều mà chưa xảy ra ở nước này. Các trường học tư thục có vai trò quan trọng ở một mức độ nào đó trong việc quảng bá ngành giáo dục bậc cao. Tuy nhiên, sự liên quan của mảng giáo dục tư thục bậc đại học vẫn còn là một câu hỏi. Hàng năm, có rất nhiều trường đại học được thành lập nhưng đa số đều thiếu cơ sở vật chất thiết yếu như phòng thí nghiệm, thư viện hay đội ngũ giáo viên chất lượng. Tỉ lệ sinh viên trên giáo viên cũng khá thấp so với nhiều nước châu Á như Singapore, Trung Quốc hay Nhật Bản.

Các trường đại học y không đào tạo đủ đội ngũ y sĩ cho các vùng nông thôn. Các viện công nghệ Ấn Độ (IIT) và viện quản lý Ấn Độ (IIM) đang đào tạo được những sinh viên tốt nghiệp có thể tìm việc làm ở nước ngoài. Kể cả những cơ sở đào tạo này cũng không có hướng đào tạo nhà nghiên cứu tại Ấn Độ.

Số sinh viên tìm được việc sau khi ra trường là rất thấp. Đặc biệt, hầu hết các sinh viên tốt nghiệp trường công hay cao đẳng đều khó kiếm việc vì thiếu kỹ năng mềm. Đây cũng là một thách thức lớn, hậu quả của cách dạy kém chất lượng tại các trường đại học. Có một sự khác biệt lớn giữa hệ thống giáo dục đại học của các nước phương Tây và Ấn Độ.

Các trường đại học ở Mỹ thường chọn cách hợp tác với các công ty tư nhân và các trường đại học khác để phổ biến nghiên cứu và trao đổi giảng viên. Trong khi đó, chỉ một số ít các trường Ấn Độ liên kết với các trường trong nước. Việc chính trị gia can thiệp vào nhiều khía cạnh của các trường đại học Ấn Độ cũng là một trở ngại ngày càng lớn. Nếu các trường đại học tại Mỹ tuyển dụng giảng viên dựa trên những thành tích của họ thì nhiều giáo viên ở Ấn Độ được đứng trên bục giảng là do được đề cử bởi các chính trị gia và những nhân vật có ảnh hưởng.

Tại Ấn Độ, số lượng tiến sĩ đào tạo được trong nước ít hơn nhiều so với Mỹ và một số nước châu Á khác. Nếu ở Mỹ, việc phong tiến sĩ dựa trên những nghiên cứu và bài báo nổi trội thì số nghiên cứu trong ngành khoa học kỹ thuật ở Ấn Độ lại rất hạn chế do chất lượng kém của việc giáo dục bậc đại học dựa trên định hướng việc làm.

Gần đây, Thủ tướng Ấn Độ, tiến sĩ Manmohan Singh, đã phát biểu trong lễ trao giải của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ (CSIR) rằng: "Chúng ta không thể tự hài lòng chính mình. Là một quốc gia, chúng ta chưa thành công trong việc huy động đủ đầu tư của tư nhân cho khoa học để nâng đầu tư cho nghiên cứu  khoa học đến mức 2% GDP. Chúng ta cần thừa nhận rằng sự xuất sắc đã không có được ở tất cả các trường và trung tâm nghiên cứu. Và chúng ta vẫn chưa thể gây được ảnh hưởng tầm thế giới tương xứng với nguồn nhân lực dồi dào về khoa học của đất nước".

Ngô Vân
Theo Merinews