Dự thảo Luật GDĐH: Xử lý triệt để những vấn đề “nóng”

(Dân trí)- Dự thảo 2, Luật Giáo dục Đại học đã được nhiều ý kiến của chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, nhà quản lý, đại biểu quốc hội... đồng tình và ví rằng: “Nếu dự thảo luật giáo dục đại học lần trước là lươn thì dự thảo lần này là rồng!”.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1827/Du-thao-luat-Giao-duc-dai-hoc.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Dự thảo luật Giáo dục đại học</b></a>

Dự thảo Luật GDĐH: Xử lý triệt để những vấn đề “nóng”
Dự thảo Luật Giáo dục đại học lần thứ 2 đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình.
 
Tạo hành lang pháp lý vững chắc cho giáo dục đại học

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, sau 25 năm đổi mới của đất nước và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010, giáo dục đại học (GDĐH) đã từng bước phát triển rõ rệt về quy mô, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo, có nhiều đóng góp cho phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, hoạt động GDĐH được điều chỉnh bởi các văn bản qui phạm pháp luật phân tán, hiệu lực pháp lý không cao. Nhiều vấn đề quan trọng của GDĐH như tổ chức, hoạt động giáo dục (đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, kiểm định chất lượng giáo dục), tài chính, tài sản của cơ sở GDĐH, thanh tra, kiểm tra, quản lý nhà nước… được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật rời rạc, chưa tạo nên được một hệ thống pháp luật chặt chẽ, thống nhất.

Khi chưa hoàn thiện hệ thống pháp lý thì khó có thể đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống và thiếu cơ sở vững chắc cho sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH. Thấy rõ ý nghĩa này, Quốc hội đã có Nghị quyết về việc xây dựng dự án Luật GDĐH. Ban soạn thảo Luật GDĐH đã được thành lập và đã chuẩn bị dự thảo luật công phu, khoa học, đúng qui trình, tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước, lấy ý kiến rộng rãi của các nhà trường, các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục... như kết luận Hội thảo của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng. Sau khi được Quốc hội 13 cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, các phiên bản dự thảo luật được tiếp tục đưa ra lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội chuyên trách, thảo luận tại các hội thảo chuyên đề, xin ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Mục tiêu cơ bản của xây dựng dự thảo Luật GDĐH là tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động GDĐH nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước hiện nay và chuẩn bị nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức trong giai đoạn tiếp theo. Có thể nói nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực là mục tiêu xuyên suốt của bản dự thảo Luật GDĐH, đó là trục trung tâm để xây dựng dự Luật chuyên đề này.

Dự thảo Luật GDĐH xử lý những vấn đề quan trọng trong GDĐH mà cho tới nay chưa có văn bản pháp qui nào hoặc có văn bản nhưng chưa đủ để áp dụng một cách có hiệu quả. Luật GD là luật khung, điều chỉnh toàn bộ các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống GD quốc dân, từ GD mầm non, GD phổ thông, GD nghề nghiệp và GDĐH, do vậy Luật GD không quy định cụ thể đối với từng cấp học và trình độ đào tạo. Luật GD chỉ có 6 điều quy định về GDĐH, chưa điều chỉnh cụ thể và riêng biệt các lĩnh vực quan hệ xã hội của GDĐH.

Những vấn đề “nóng” được xử lý triệt để

GDĐH đang đứng trước những thách thức to lớn trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên phương pháp quản lý nhà nước đối với cơ sở GDĐH chậm được thay đổi, chưa đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của toàn hệ thống, chưa phát huy mạnh mẽ được sự sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, các nhà quản lý và sinh viên. Chất lượng nguồn nhân lực chưa mang tính cạnh tranh cao, chưa đáp ứng được đòi hỏi của các ngành kinh tế mũi nhọn. Mặt khác, trong bối cảnh GDĐH Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động GDĐH chưa thay đổi, bổ sung kịp thời để các cơ sở GDĐH, cơ quan quản lý nhà nước đủ căn cứ để làm tốt nhiệm vụ của mình.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Dự thảo 1 của Luật GDĐH đưa ra lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội khóa 12 ở kỳ họp thứ 2 còn né tránh những vấn đề “nóng” của GDĐH. Trong dự thảo 2 của Luật, những vấn đề này đã được xử lý ở một mức độ khái quát.

Các đại biểu dự hội nghị ở ba địa điểm Bình Dương, TPHCM và Hà Nội đều nhìn nhận sự tiến bộ của dự thảo 2 luật và sự tiếp thu ý kiến nghiêm túc của Thường trực Ủy Ban VHGDTNTNNĐ. GS.Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã “hết sức hoan nghênh giải trình của Thường trực Ủy Ban, các ý kiến đóng góp đã được lắng nghe và giải trình đầy đủ”.

GS. Phạm Phụ (Đại học Bách khoa TPHCM) cho biết, dự thảo luật đã đưa vào những điều khoản về phân tầng đại học, hội đồng trường sau khi lắng nghe ý kiến của những lần hội thảo trước. GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, dự thảo luật lần này có nhiều tiến bộ, nếu tiếp tục đầu tư, gia công, hoàn thiện thì có thể thông qua và rất có ích cho hoạt động GDĐH.

Còn GS. Từ Quang Hiển cũng nhìn nhận dự thảo luật đã đạt được những bước tiến rất tốt, đã cụ thể hóa những vấn đề mà trong các dự thảo trước còn xử lý bởi các văn bản dưới luật. GS. Phạm Thị Trân Châu, thành viên Hội đồng tư vấn KHGD, UBMTTQVN tán thành việc thông qua dự thảo luật trong kỳ họp sắp tới của Quốc hội để có cơ sở pháp lý lập lại trật tự, kỷ cương và nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ông Huỳnh Ngọc Đáng, Đại biểu Quốc hội Tỉnh Bình Dương (người nói Luật GDĐH là “luật né” trước đây) cho rằng dự thảo 2 của Luật đã có những bước tiến quan trọng, nội dung dự thảo đã có những thay đổi căn cơ. Ông nói ví von “nếu dự thảo luật giáo dục đại học lần trước là lươn thì dự thảo lần này là rồng!”.

GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UBVHGDTNTNNĐ cho rằng: “Những tư tưởng, chủ trương của Đảng và Nhà nước được đưa vào dự thảo luật qua những điều khoản nằm rải rác ở các chương mục khác nhau nhằm xử lý những vấn đề lớn của hoạt động giáo dục đại học”. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại các hội nghị đều rất cụ thể và thiết thực. UBVHGDTNTNNĐ, Ban soạn thảo dự án Luật đã cân nhắc tiếp thu để hoàn thiện dự thảo 3 của Luật trước khi trình Quốc hội thông qua ở kỳ họp thứ 3.

Nếu những vấn đề “nóng” của GDĐH đã bị “né” trong dự thảo 1, sau đó được xử lý một cách khái quát trong dự thảo 2 thì trong dự thảo 3, những vấn đề này đã được xử lý một cách cụ thể và triệt để.
 
Dự thảo Luật Giáo dục đại học, có thể xem tại đây.

Hồng Hạnh