Bình Đinh:

"Gặp gỡ Việt Nam 2018': Nhà khoa học trẻ Việt Nam lĩnh hội được gì?

(Dân trí) - “Những hội thảo khoa học quốc tế là nơi để gặp gỡ và trao đổi các ý tưởng, thậm chí cũng là để tìm các ý tưởng để nghiên cứu…”, tiến sĩ Phan Việt Cương, công tác tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, chia sẻ bên lề Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 14 đang diễn ra tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 14 diễn ra tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định với sự tham gia của trên 150 nhà khoa học quốc tế, đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hội thảo lần này, là cơ hội để các nhà khoa học trẻ Việt Nam có dịp gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ với các nhà khoa học quốc tế.

Tiến sĩ Phan Việt Cương, công tác tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam chia sẻ bên lề Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 14 năm 2018 tại TP Quy Nhơn, Bình Định.
Tiến sĩ Phan Việt Cương, công tác tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam chia sẻ bên lề Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 14 năm 2018 tại TP Quy Nhơn, Bình Định.

Là một người đang nghiên cứu trong lĩnh vực Vật lý Hạt nhân, tiến sĩ Phan Việt Cương, công tác tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết đây là lần thứ 2 anh tham dự gia chương trình Gặp gỡ Việt Nam diễn ra tại ICISE ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tiến sĩ Cường cho rằng, việc tham gia các hội thảo quốc tế là cơ hội gặp gỡ, giao lưu, kết nối, thậm chí là để tìm các ý tưởng nghiên cứu.

Tiến sĩ Phan Việt Cương chia sẻ: “Tất cả những nhà làm khoa học thì đến với hội thảo khoa học là nơi để gặp gỡ và trao đổi các ý tưởng, thậm chí cũng là để tìm các ý tưởng để nghiên cứu. Các hội thảo của giáo sư Trần Thanh Vân là những hội thảo tập hợp các nhà khoa học hàng đầu và các nhà quản lý. Đây cũng xuất phát từ ý tưởng của GS Vân muốn tạo ra hội nghị này là nơi gặp gỡ, giao lưu, cơ hội để kết nối giữa các nhà khoa học trẻ với nhà khoa học nổi tiếng, sau đó sẽ tìm cơ hội hợp tác”.

TS Cương hiện đang nghiên cứu về Vật lý Hạt nhân, "Một trong những lĩnh vực tôi đang rất quan tâm đến là ứng dụng trong lĩnh vực y tế. Trong y tế, người ta có nhiều ứng dụng mà sử dụng kỹ thuật hạt nhân như sử dụng các máy gia tốc khi điều trị ung thư; các đơn vị phóng xạ trong điều trị như ung thư gan và các bệnh ung thư khác hay sử dụng các kỹ thuật hạt nhân trong chuẩn đoán hình ảnh”.

Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 14 diễn ra tại Quy Nhơn, thu hút hơn 150 nhà khoa học đến từ 40 quốc gia trên thế giới.
Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 14 diễn ra tại Quy Nhơn, thu hút hơn 150 nhà khoa học đến từ 40 quốc gia trên thế giới.

TS Cương cho hay, đến hội thảo khoa học này, có rất nhiều nhà khoa học đến từ tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), cụ thể đó là giám đốc phụ trách về vấn đề máy gia tốc và vật lý vi sinh của CERN. Dịp này, là cơ hội để tôi thảo luận trực tiếp với ông về cơ hội hợp tác cũng như tìm kiếm sự giúp đỡ từ CERN, cho việc phát triển các công cụ của vật lý hạt nhân trong điều trị ung thư ở Việt Nam.

Sự đam mê khoa học giống như ngọn lửa, nếu không chăm bón, quan tâm thì nó sẽ bị lụi tàn?, TS Cương bày tỏ: Điều này hoàn toàn đúng, bởi vì người làm nghiên cứu ở Việt Nam cũng như trên thế giới, họ không có cuộc sống dư giả, nghĩa là ta không thể làm giàu bằng khoa học. Nhưng làm khoa học là cái gì đấy xuất phát từ đam mê của từng người, sự tò mò muốn hiểu biết, đạt đến một trình độ nào đó.

Thực ra, để nuôi dưỡng ngọn lửa yêu thích khoa học thì phải xuất phát từ bản thân mỗi người. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ kịp thời của xã hội cũng như của Nhà nước cũng cần quan tâm đầu tư và vinh danh các nhà khoa học. Nhà nước cần phải đặt niềm tin vào nhà khoa học, cho cơ hội để họ trải nghiệm, thay vì quản lý khoa học một cách cứng nhắc như hiện tại. Khoa học là sáng tạo, là quá trình rất là lâu dài cần được đầu tư, hỗ trợ”.

Giáo sư Gerard t’Hooft, người đạt giải Nobel Vật lý năm 1999 tham dự Gặp gỡ Việt Nam.
Giáo sư Gerard t’Hooft, người đạt giải Nobel Vật lý năm 1999 tham dự Gặp gỡ Việt Nam.

Nói về GS Trần Thanh Vân, người sáng lập Hội "Gặp gỡ Việt Nam", TS Cương cho biết, thực sự, tôi có thể nói đó là sự khâm phục và một tình cảm hết sức đặc biệt khó nói ra. Tôi được vinh dự gặp GS Vân khi tôi còn làm nghiên cứu sinh ở Pháp. Sau đó, tôi có tham gia hoạt động của hội bảo trợ trẻ em nghèo Việt Nam ở Pháp do GS Lê Kim Ngọc và GS Trần Thanh Vân sáng lập ra.

Chúng tôi có những hoạt động như đi bán thiệp giáng sinh chỉ 1 đến 2 đô la, với mục đích để quyên góp tiền giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không may mắn ở Việt Nam. Bằng sự nỗ lực đó, vợ chồng GS Vân đã xây dựng nhiều làng trẻ SOS ở Việt Nam như: ở Quảng Bình, Huế, Đà Lạt.

Doãn Công