Gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya

“Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển / Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?” - băn khoăn của nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng là day dứt của các phụ huynh người Việt ở Rumani mong giữ được tiếng mẹ đẻ cho con cháu mình.

Không giống các cộng đồng khác ở khu vực Đông Âu, cộng đồng người Việt Nam tại Rumani là cộng đồng được hình thành muộn nhất (vào những năm 1993-1995) và có số lượng ít nhất (chưa đầy 500 người). Có thể nói, đây là một cộng đồng trẻ, tập hợp xung quanh Hội người Việt Nam, Hội Doanh nghiệp và Câu lạc bộ Phụ nữ. 20 năm qua, cộng đồng đã không ngừng được củng cố cả về tổ chức và phương thức hoạt động. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng những sinh hoạt thường xuyên và phong phú do Hội tổ chức luôn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc ý thức dân tộc, hướng về cội nguồn.

Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Rumani kỷ niệm 1 năm thành lập. (Ảnh: Hoàng Thị Hiền)
Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Rumani kỷ niệm 1 năm thành lập. (Ảnh: Hoàng Thị Hiền)

Trẻ em không biết tiếng Việt, lỗi do đâu?

Ở Rumani, đa phần trẻ được giao cho các bà Tây chăm sóc suốt từ vài ba tháng tuổi đến tuổi đi học. Vào các đợt nghỉ hè, nghỉ đông thậm chí nhiều phụ huynh cũng gửi con về nhà bà Tây, đến mức các cháu thích ăn món tây hơn cả cơm ta, tâm sự với bà Tây dễ hơn cả với người nhà của mình.

Điều cản trở lớn nhất, có lẽ không phải do thế hệ con cháu không có ý thức, lười biếng, mà là do nhiều phụ huynh còn thiếu quan tâm và thiếu quyết tâm. Dù ai cũng thấy việc cho con mình học tiếng Việt là quan trọng nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, họ đã không tạo điều kiện cho trẻ làm việc đó. "Em rất tiếc là đã lãng đi việc học tiếng Việt của cháu. Lúc đó, vì công chuyện làm ăn, vợ chồng lại không biết tiếng Ru nên cần cháu phiên dịch. Vì thế, chỉ chú trọng tiếng Ru. Vả lại, đi làm suốt ngày, tối về đã mệt, chẳng có lúc nào nói tiếng Việt với cháu. Đến bây giờ lớn rồi, nó ngại học lớp thấp vì xấu hổ" - Đây chính là tâm sự của không ít các bà mẹ Việt đang sinh sống ở Rumani.

Một khó khăn nữa là ở nước ngoài, do hoàn cảnh bắt buộc, nhiều ông bố mà mẹ phải phó thác con cái cho những người không có kiến thức giáo dục sư phạm cần thiết. Vì vậy, để giữ mối truyền thống giữa các thành viên trong gia đình, dù có bận rộn lo kế sinh nhai, cha mẹ cần dành thời gian giáo dục con cái về cội nguồn, về đạo lý, về tập tục của tổ tiên ông bà để trẻ không bị bỡ ngỡ, thậm chí hiểu sai khi tiếp xúc với con người và văn hóa mẹ đẻ.

Cần quyết tâm của cả cộng đồng

Luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ bản sắc dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Hội người Việt Nam tại Rumani luôn coi đây là một trong nhiệm vụ trọng tâm. Vào dịp hè hàng năm, lớp học tiếng Việt do Hội người Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán tổ chức ngày càng được cải thiện từ cơ sở vật chất đến chất lượng giảng dạy cùng các hoạt động ngoại khóa bổ ích. Khoá đông nhất là hè 2009 gồm 35 cháu, chia làm 4 lớp theo các lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 4, tổ chức vào tất cả các buổi chiều trong tuần tại trụ sở Đại sứ quán.

Không chỉ học chữ, đến lớp, các em còn được học làm bánh, cắt hoa làm thiếp về tặng cha mẹ, học hát, học múa, đọc thơ, tập thể dục, chơi các trò chơi dân gian… Đi học tiếng Việt mà được học thêm nhiều thứ nên nhiều em còn đòi bố mẹ đưa đến lớp dù không phải ngày học của lớp mình. Ở lớp Bé, các em đua nhau xung phong phát biểu để nhận được những tấm phiếu Bé ngoan, còn ở lớp Lớn, em nào cũng cố gắng tập đọc, tập viết và có nhiều em còn xin thêm cả vở Viết chữ đẹp để về nhà luyện.

Thiếu giáo viên chuyên trách, Hội người Việt Nam ở đây đã chủ trương phải dựa vào sức mình, tận dụng mọi cơ hội và khả năng hiện có để dạy, nhưng vẫn đảm bảo quy trình sư phạm, nội dung và chất lượng giảng dạy. Được Đại sứ quán ủng hộ, người Việt ở Rumani đã vận động các Phu nhân cán bộ Sứ quán đảm nhiệm công việc lên lớp. Đặc biệt từ hai năm nay, Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Rumani đã cử 3 hội viên - những người ít nhiều có kinh nghiệm giảng dạy- đảm nhận việc dạy các cháu, giúp tháo gỡ được một vấn đề nan giải của Hội từ nhiều năm nay: không có giáo viên dạy tiếng Việt. Hàng năm, Đại sứ quán đã cùng Hội và giáo viên bàn bạc thống nhất về nội dung kế hoạch mở lớp, phương pháp giảng dạy, xây dựng giáo án, cũng như mọi công việc liên quan tới tổ chức lớp.

Một biện pháp hiệu quả khác là cho các cháu về Việt Nam sinh hoạt hè hay nghỉ Tết cùng họ hàng, anh chị em để bồi dưỡng nâng cao các khả năng nghe nói, thực hành tiếng mẹ đẻ. Bên cạnh đó, các chương trình truyền hình trên VTV4 và sách vở tiếng Việt dành cho thiếu nhi, nhi đồng là nguồn đề tài vô tận trợ giúp trẻ học và thực hành tiếng mẹ đẻ, bồi bổ kiến thức văn hóa Việt.

Hoàng Thị Hiền (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Rumani)
Theo Thế giới & Việt Nam