Hà Nội: Đổi nhà cung cấp sữa học đường nếu sản phẩm không đạt

(Dân trí) - Báo cáo của Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội về kết quả khảo sát công tác triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn thành phố đề nghị các sở ngành liên quan đánh giá hiệu quả chương trình “Sữa học đường” hàng năm.

Cụ thể, Báo cáo yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Sở Y tế và các sở ngành liên quan xây dựng quy trình quản lý, sử dụng sản phẩm và xử lý rác thải; Đánh giáo hiệu quả việc triển khai đề án thực hiện Chương trình "Sữa học đường" định kì hàng năm.

Văn bản này cũng đề nghị Sở Y tế tham mưu, đề xuất với UBND Thành phố tổ chức lựa chọn sản phẩm sữa đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; Phối hợp với các bên liên quan giám sát việc cung ứng sữa đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và an toàn thực phẩm.

Hướng dẫn xây dựng quy trình giám sát, giải quyết ngộ độc thực phẩm và triển khai giám sát khi xảy ra sự cố.

“Sở Y tế chủ trì thực hiện kiểm tra, kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm sữa định kì và đột xuất.

Khi phát hiện ra sản phẩm không đạt yêu cầu, cần có kiến nghị UBND TP thay đổi nhà cung cấp sữa; Chỉ đạo đánh giá thể lực trẻ theo từng giai đoạn”, Báo cáo nhấn mạnh.

Cũng theo báo cáo này, Sở Y tế cần phối hợp với Sở GD&ĐT hướng dẫn kiểm tra, giám sát chất lượng sữa của nhà cung cấp. Đánh giá hiệu quả của chương trình hàng năm.

Cần phối hợp với Sở GD&ĐT , UBND quận huyện, thị xã kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn trong trường học trên địa bàn thành phố.

Như Dân trí đưa tin trước đó, ngày 12/11, Sở GD&ĐT Hà Nội đã mở gói thầu tài chính chương trình “Sữa học đường”. Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đưa ra giá dự thầu thấp hơn đối thủ trực tiếp 130 tỷ đồng.

Tại buổi mở gói thầu tài chính, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Ngày 10/10/2018, Sở GD&ĐT đã đóng gói thầu kĩ thuật. Sau thời gian xem xét, ngày 12/11, đơn vị này tiếp tục mở gói thầu tài chính.”

“Sở đã thực hiện rất nghiêm túc bởi gói thầu này không những liên quan đến ngân sách Nhà nước mà còn liên quan đến người dân và chi phí mà phụ huynh đóng góp cho con em trên từng hộp sữa. Cuối cùng, người sẽ hưởng lợi ở đây là hàng triệu em học sinh”, ông Tiến cho biết thêm.

Giá dự thầu sau giảm giá mà hai bên đưa ra (Ảnh: Thế Hưng).
Giá dự thầu sau giảm giá mà hai bên đưa ra (Ảnh: Thế Hưng).

Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, có 3 đơn vị chính thức đấu thầu là công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), công ty cổ phần thực phẩm sữa TH và công ty TNHH Thịnh Anh.

Tuy nhiên, trong đó, công ty TNHH Thịnh Anh vì lí do hồ sơ không đáp ứng yêu cầu năng lực, trách nhiệm nên đã bị loại.

Sau khi hai nhà thầu còn lại đủ năng lực đã kiểm tra thùng niêm phong gói hồ sơ tài chính và xác nhận còn nguyên vẹn, thông tin giá thầu hai bên đã được công bố.

Hiện, đơn vị trúng thầu cung cấp sữa học đường cho Hà Nội vẫn chưa được Sở GD&ĐT Hà Nội công bố.

Mỹ Hà