Hà Nội: Nhiều trường học thiếu sân chơi cho học sinh

Sân chơi chật chội, thậm chí chung đụng với hàng quán, bãi gửi xe ở nhiều trường học (từ Mầm non tới THPT) tại Hà Nội không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng học tập mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro gây nguy hại cho học sinh.

Nhiều trường thiếu chỗ vui chơi cho học sinh
Nhiều trường thiếu chỗ vui chơi cho học sinh 

Thiếu đất, nhiều ngôi trường ở Thủ đô Hà Nội hiện nay chỉ dành một khoảng nhỏ để xây sân vui chơi cho học sinh. Tuy nhiên, không ít trường, còn tình trạng “chia năm xẻ bảy” sân trường để làm bãi giữ xe, hàng quán ăn nhanh.

Cụ thể, tại một số trường trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Trường Tiểu học Bà Triệu, Võ Thị Sáu… do diện tích đất hẹp, trường phải phân thành nhiều địa điểm, nhưng tất cả những địa điểm này đều có khoảng sân chơi chật hẹp.

Nhiều trường thiếu chỗ vui chơi cho học sinh
Vỉa hè thành sân chơi cho học sinh trường Tiểu học Bà Triệu (phố Tô Hiến Thành, Q. Hai Bà Trưng). (Ảnh: HQ Online)

Trong giờ ra chơi, hàng trăm học sinh ùa ra sân trường đùa nghịch trong cảnh chen chúc nhau, thậm chí nhiều học sinh phải ngồi lại trong lớp học. Đặc biệt, việc tổ chức những giờ ngoại khóa để giảm bớt áp lực học tập cũng trở nên khó khăn hơn vì sân chơi quá chật hẹp.

“Trường học chất lượng thì phải có cơ sở vật chất tương xứng. Cụ thể, như hệ thống thí nghiệm, thư viện và nhất là sân chơi bãi tập…thiếu những yếu tố này chúng ta khó có thể phát triển giáo dục toàn diện”, thầy Nguyễn Tùng Lâm (hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Ba Đình, Hà Nội nói.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên cũng cho rằng, trong những giờ chính khóa, giờ ra chơi phải có chỗ cho các em chạy nhảy, vui chơi.

Còn riêng với những hoạt động khác, phải có một diện tích nhất định. Đặc biệt là đối với trẻ, phải có những hoạt động để phát triển thể chất. Hiện nay, những hoạt động chơi game, xem vô tuyến hay thậm chí đua nhau học liên miên đều không phù hợp với độ tuổi học sinh.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Một hệ lụy cực kỳ nghiêm trọng khi thiếu sân chơi cho học sinh đó là sự mất cân bằng giữa hoạt động trí óc và hoạt động thể chất.

Bởi lẽ sân chơi không chỉ là nơi để học sinh phát triển cơ bắp mà còn là nơi để học sinh giao lưu, chia sẻ với nhau về mọi vấn đề trong cuộc sống.

“Thiếu sân chơi sẽ không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi trạng thái từ hoạt động trí óc sang hoạt động thể chất làm cơ bắp của các em phát triển, chính vui chơi là để thể hiện, khẳng định cho mỗi em có năng lực riêng của mình”, thầy Nguyễn Tùng Lâm cho biết thêm.

Bên cạnh đó, theo một số thầy cô giáo, chính hoạt động thể chất sẽ tác động tích cực tới tinh thần. Do đó, việc thiếu sân chơi sẽ dẫn đến sự phát triển không đồng đều của các em, nhất là khi không giao tiếp, học sinh sẽ rơi vào tình trạng tự kỉ, béo phì…

Không những thế, khi sân chơi còn “chung đụng” với bãi giữ xe, hàng quán còn tiềm ẩn nhiều rủi ro gây tai nạn, thương tích cho học sinh; gây nguy hại về sức khỏe của học sinh.

Theo Lường Toán - Dạ Thảo
Một thế giới