Hội đồng trường chỉ phát huy khi cơ chế Bộ chủ quản được xóa bỏ

(Dân trí) - Nếu thực hiện đầy đủ cơ chế hội đồng trường, xác định đúng vai trò của hội đồng trường thì không cần đến cơ chế Bộ chủ quản và trường trực thuộc. Mặt khác, hội đồng trường chỉ có thể phát huy vai trò của mình đầy đủ và hoạt động có hiệu quả cao khi cơ chế Bộ chủ quản được hoàn toàn xóa bỏ.

Đó là ý kiến của GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, Trường Đại học Thăng Long tại Hội thảo Hội đồng trường vừa qua.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đang trong thời gian xin ý kiến các nhà khoa học và toàn thể xã hội trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. Nội dung dự thảo này có nhiều điểm mới, nhiều nội dung được các cơ sở giáo dục đại học và dư luận quan tâm, đặc biệt trong đó có vấn đề Hội đồng trường.

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp nhận định, trong quá trình đổi mới GDĐH ở nước ta, quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của trường đại học dần dần được tăng cường và nâng cao. Đặc biệt việc đưa thể chế hội đồng trường vào hệ thống GDĐH từ năm 2003 là một bước tiến đáng ghi nhận. Tuy nhiên quá trình áp dụng thể chế hội đồng trường trong GDĐH nước cho ta đến nay xảy ra không suôn sẻ, nguyên nhân chủ yếu là đưa vào một thể chế mới mà không có sự chuẩn bị tạo nên sự đồng thuận và đưa ra một lộ trình hợp lý.


GS.TSKH Lâm Quang Thiệp

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp

Giáo dục đại học yếu kém là do quản lý

Theo GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, trong mấy năm qua vấn đề quản lý giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học (GDĐH) được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Yếu kém vể quản lý được xem là một trong những nguyên nhân chính tạo nên sự yếu kém của GDĐH nói chung.

Khi nói về quản lý, một chủ đề nổi bật được nhắc đến là việc tăng cường quyền tự chủ và nâng cao trách nhiệm giải trình (trong Luật Giáo dục được gọi là “tự chịu trách nhiệm” (Luật GD, 1998, Điều lệ trường ĐH,2002 ) của các cơ sở GDĐH.

Tuy nhiên, khi các cơ sở GDĐH, đặc biệt là các cơ sở GDĐH công lập và các cơ sở GDĐH tư không vì lợi nhuận được trao quyền tự chủ, một vấn đề được đặt ra là điều gì có thể đảm bảo cho các cơ sở đó hoạt động đúng theo phương hướng mong muốn của Nhà nước và của các nhóm người có lợi ích liên quan?

Làm sao cho các cơ sở đó trở thành một thực thể tự chủ nhưng dân chủ, không bị rơi vào tay một người hoặc một nhóm người sử dụng để mưu cầu lợi ích riêng của họ?

Hai thực thể quan trọng trong một cơ sở GDĐH được hình thành để đáp ứng sự tìm kiếm đó là hội đồng trườngbộ máy điều hành của hiệu trưởng. Đối với GDĐH thế giới điều này không có gì mới lạ, tuy nhiên các vấn đề liên quan đến các thực thể này và quan hệ giữa chúng vẫn thường xuyên nảy sinh và được nghiên cứu để xử lý, cải tiến. Còn đối với GDĐH nước ta vấn đề này còn rất mới mẻ, vì đất nước ta nói chung và hệ thống GDĐH nước ta nói riêng vẫn đang trong thời kỳ chuyển tiếp từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng thể chế mới cho Hội đồng trường Việt Nam như thế nào?

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp cho rằng, thể chế hội đồng trường gắn với cặp khái niệm quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của trường ĐH, đã dần dần được đưa vào hệ thống GDĐH nước ta từ khi bắt đầu thời kỳ “đổi mới” sau năm 1986.

Tuy nhiên trong thời kỳ chuyển tiếp kéo dài từ đó cho đến nay các thói quen và thể chế cũ của thời kế hoạch hóa tập trung vẫn tồn tại và giằng co với các phong cách và thể chế mới.

Trong GDĐH, một trong những thể chế và thói quen cũ tạo lực cản rất lớn đối với việc thực hiện các thể chế và phong cách quản lý mới chính là cơ chế “bộ chủ quản” và trường “trực thuộc”.

Bộ chủ quản của các trường ĐH công lập dưới thời kế hoạch hóa tập trung có quyền quyết định mọi vấn đề của trường ĐH, còn cơ quan điều hành trường ĐH phải thực hiện mọi việc theo quyết định “từ trên”.

Trong quá trình đổi mới GDĐH, cơ chế quản lý đó cũng được cải tiến dần, trường ĐH được dần dần giao quyền tự chủ về nhiều mặt.

Tuy nhiên, cho đến nay, hai lĩnh vực quyết định quan trọng nhất trong hoạt động của trường ĐH trực thuộc phần lớn vẫn nằm trong tay bộ chủ quản, đó là tài chính và nhân sự.

Cụ thể là, kinh phí hàng năm cho các trường ĐH do Bộ chủ quản phân phối sau khi Bộ nhận từ ngân sách nhà nước, các nhân sự quan trọng nhất của trường ĐH, trong đó có hiệu trưởng, hiệu phó, do bộ chủ quản bổ nhiệm và miễn nhiệm.

Bộ chủ quản có cơ chế kiểm soát trường trực thuộc về nhiều mặt, và trường trực thuộc có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện công việc với Bộ chủ quản. Trường ĐH không có quyền tự quyết định đối với nhiều vấn đề, điều đó làm cho sự đáp ứng đối với các biến động của thị trường thường không được nhanh nhạy, các trường khó thích nghi với thị trường.

Nhận thấy sự cản trở đó của cơ chế bộ chủ quản, trong Nghị quyết 14 năm 2005 của Chính phủ về đổi mới GDĐH (Nghị quyết 14, 2005) đã ghi chủ trương “Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở GDĐH công lập”.

Có thể thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa chủ trương xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản của Nghị quyết 14 với việc đưa cơ chế hội đồng trường vào trường ĐH theo Điều lệ trường ĐH năm 2003 và Luật Giáo dục năm 2005.

Các chủ trương nói trên của Nhà nước có thể hiểu là xuất phát từ quan niệm trường ĐH công lập thuộc sở hữu công, quyền sở hữu đó được giao cho đại diện của nó là hội đồng trường chứ không phải cho một cá nhân hiệu trưởng.

Hội đồng trường xác định rõ các chính sách của nhà trường, lựa chọn một hiệu trưởng xứng đáng để giao quyền điều hành, và theo dõi, kiểm tra đánh giá việc sử dụng quyền được giao đó.

"Nếu thực hiện đầy đủ cơ chế hội đồng trường, xác định đúng vai trò của hội đồng trường thì không cần đến cơ chế Bộ chủ quản và trường trực thuộc. Mặt khác, hội đồng trường chỉ có thể phát huy vai trò của mình đầy đủ và hoạt động có hiệu quả cao khi cơ chế Bộ chủ quản được hoàn toàn xóa bỏ" - GS Thiệp nhấn mạnh.

Cần sự đồng thuận trong cộng đồng giáo dục đại học

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp cho biết, điều lệ trường ĐH năm 2010 đã đưa ra khá đầy đủ những quy định để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của hội đồng trường.

Tuy nhiên cho đến nay việc triển khai xây dựng thể chế hội đồng trường trong các các trường ĐH vẫn hết sức chậm chạp, sự đồng thuận trong việc đưa thể chế này vào hệ thống GDĐH vẫn chưa cao.

Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này ở chỗ đây là một chủ trương tạo nên sự di chuyển về quyền lực, không phải bộ phận nào trong hệ thống GDĐH cũng dễ dàng chấp nhận và thích nghi được với sự dịch chuyển ấy nên có phản ứng không thuận lợi ở nhiều cấp độ khác nhau. Các phản ứng này có thể liên quan đến lý do về nhận thức, cũng có thể gắn với lợi ích nhóm.

Ở cấp trường ĐH nhiều ý kiến cho rằng các hiệu trưởng ĐH không ai thích đưa vào một cơ chế hạn chế quyền lực của họ. Tuy nhiên, nếu nhìn từ một góc độ khác thì không hẳn như vậy.

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp cho hay, một hiệu trưởng ĐH trao đổi với ông rằng: hội đồng trường tạo cho hiệu trưởng cảm giác “an toàn” hơn nhiều khi điều hành, vì khi nhà trường phải đối mặt với các quyết định lớn quan trọng trong công việc, có thể gây phản ứng của nhiều đối tượng khác nhau, thì hội đồng trường là chỗ dựa vững chắc cho hiệu trưởng.

Chính vì vậy người ta thường nói hội đồng trường là chiếc đệm chắn giảm xung cho hiệu trưởng. Và kết quả là hội đồng trường giúp hiệu trưởng làm được những việc lớn hơn, có ý nghĩa hơn cho nhà trường và xã hội.

Ở các cơ quan quản lý nhà nước, một số người, đặc biệt những cán bộ có năng lực, cho rằng nếu tăng cường việc giao quyền tự chủ cho trường ĐH qua hội đồng trường thì cán bộ ở các cơ quan này sẽ có nhiều thời gian vào những công việc có chất lượng liên quan đến quản lý nhà nước, có điều kiện nâng cao trình độ, chứ không phải đi sâu vào những việc sự vụ của các trường ĐH. Cơ chế “xin cho” sẽ giảm, điều đó sẽ giảm áp lực đối với một số đông cán bộ ở cơ quan quản lý nhà nước (hiển nhiên một số ít người khác sẽ không vui).

Một vấn đề cũng được nhiều người đặt ra khi bàn về chủ đề hội đồng trường ở trường ĐH: một khi đã nói Đảng lãnh đạo toàn diện thì không cần thiết có hội đồng trường, vì sự lãnh đạo của hội đồng trường sẽ chồng chéo với sự lãnh đạo của Đảng ủy.

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp đã kể một phân tích của một cán bộ cao cấp chuyên nghiệp của Đảng tại một hội thảo về vấn đề này. Cụ thể, Đảng lãnh đạo dựa vào hệ thống giá trị mà Đảng theo đuổi chứ không phải dựa vào sự áp đặt bằng quyền lực. Hội đồng trường là một thực thể quyền lực.

Sự lãnh đạo của Đảng ủy sẽ hỗ trợ những quyết định đúng đắn của Hội đồng trường và ngăn chặn những quyết định không đúng đắn, do đó sẽ tạo sự đồng thuận trong nhà trường để nhà trường phát triển tốt. Nếu Đảng ủy dùng quyền lực của mình khi lãnh đạo ở trường ĐH thì sẽ dễ bị thoái hóa.

Cần đưa ra một lộ trình hợp lý để xây dựng cơ chế Hội đồng trường trong các trường ĐH

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp lưu ý, trong hệ thống GDĐH Việt Nam thể chế hội đồng trường là rất mới, do đó để xác lập được thể chế hội đồng trường trong các trường ĐH Việt Nam Nhà nước cần đưa ra một lộ trình hợp lý.

Trước hết cần rà soát hệ thống các văn bản luật và dưới luật có liên quan với hội đồng trường và có phương án chỉnh sửa những quy định không tương thích .

Hội đồng trường không nên được triển khai nhất loạt mà nên được xây dựng trước ở các cơ sở GDĐH được quyền tự chủ cao, đặc biệt là các trường ĐH trọng điểm. Nhà nước nên chỉ đạo các cơ sở GDĐH này lập kế hoạch xây dựng hội đồng trường. Sau một thời gian triển khai nên tổ chức rút kinh nghiệm để phổ biến cho các trường khác.

Những quan niệm chung về hội đồng trường và thể thức hoạt động của hội đồng trường còn rất mới mẻ đối với cả cộng đồng giáo chức và nhân viên trong cơ sở GDĐH, kể cả các thành viên của hội đồng trường. Do đó để có thể đảm bảo hoạt động của hội đồng trường có hiệu quả phải phổ biến sâu rộng về thể chế này trong cộng đồng nhà trường, đồng thời phải tổ chức các khóa tập huấn cho các thành viên hội đồng trường, kể cả chủ tịch hội đồng.

Nếu những người lãnh đạo có quyết tâm chính trị cao, nếu cộng đồng GDĐH kiên trì đấu tranh để những thể chế mới và đúng đắn được xác lập thì có thể hy vọng chúng ta có một hệ thống GDĐH phát triển nhanh và lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Hồng Hạnh (ghi)