Hung-ga-ri là đối tác quan trọng trong đào tạo tiến sĩ bằng ngân sách nhà nước

(Dân trí) - Việt Nam sẽ coi Bên Hung-ga-ri là đối tác quan trọng trong khuôn khổ chương trình đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài bằng học bổng ngân sách nhà nước và thúc đẩy việc cử nghiên cứu sinh Việt Nam sang học tại Hung-ga-ri trong khuôn khổ chương trình học bổng này.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Ngài Szijjarto Peter, Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại Hung-ga-ri, chiều 12/1/2016, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Szijjarto Peter đã ký kết Chương trình Hợp tác giáo dục giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Nguồn nhân lực Hung-ga-ri cho giai đoạn 2016-2018.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Szijjarto Peter đã ký kết Chương trình Hợp tác giáo dục giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Nguồn nhân lực Hung-ga-ri cho giai đoạn 2016-2018.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Szijjarto Peter đã ký kết Chương trình Hợp tác giáo dục giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Nguồn nhân lực Hung-ga-ri cho giai đoạn 2016-2018.

Căn cứ văn bản ký kết này, Hai Bên sẽ hợp tác trong mọi lĩnh vực giáo dục, cùng thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học của hai Bên tăng cường hợp tác trực tiếp, trao đổi kinh nghiệm và giảng viên để hợp tác nghiên cứu và giảng dạy.

Về học bổng Bên Hung-ga-ri cấp 100 học bổng cho công dân Việt Nam mỗi năm để theo học tại Hung-ga-ri, gồm 60 học bổng cử nhân và thạc sĩ trong đó ưu tiên đào tạo bậc thạc sĩ, 20 học bổng tiến sĩ trong các lĩnh vực Bên Việt Nam quan tâm và có nhu cầu, 10 học bổng y khoa và luật, 10 học bổng ngắn hạn…

Trong số học bổng nêu trên, Bên Hung-ga-ri ưu tiên cho ít nhất 1 sinh viên đang học Đại học Công nghiệp Việt – Hung; 1 sinh viên dân tộc thiểu số hoặc từ khu vực có hoàn cảnh khó khăn của Việt Nam và 5 ứng viên từ Viện kiểm sát tối cao Việt Nam nếu các ứng viên này đáp ứng các yêu cầu tuyển sinh hiện hành của Việt Nam.

Hàng năm, Bên Việt Nam cấp học bổng cho các sinh viên và giảng viên Hung-ga-ri để học tập hoặc nghiên cứu tại Việt Nam (10 sinh viên học 10 tháng bán thời gian về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam và 12 tháng học bổng cho chuyên gia Hung-ga-ri để đào tạo thêm hoặc nghiên cứu khoa học trong mọi lĩnh vực quan tâm).

Bên Việt Nam sẽ coi Bên Hung-ga-ri là đối tác quan trọng trong khuôn khổ chương trình đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài bằng học bổng ngân sách nhà nước Việt Nam và thúc đẩy việc cử nghiên cứu sinh Việt Nam sang học tại Hung-ga-ri trong khuôn khổ chương trình học bổng này.

Hung-ga-ri là đối tác quan trọng trong đào tạo tiến sĩ bằng ngân sách nhà nước - 2

Ngài Szijjarto Peter, Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại Hung-ga-ri tin rằng Chương trình hợp tác giáo dục và đào tạo 2016-2018 là một công cụ hỗ trợ đắc lực để Hai Cơ quan Bộ triển khai các nội dung đã thỏa thuận trong khuôn khổ Hiệp định Hợp tác về Giáo dục giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hung-ga-ri (ký ngày 04/3/2013).

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đánh giá cao quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Hung-ga-ri, đặc biệt là đối với các nguồn học bổng mà Chính phủ Hung-ga-ri dành cho sinh viên và giảng viên Việt Nam.

Hung-ga-ri là một quốc gia có nền giáo dục đại học và nghiên cứu chất lượng tiên tiến ở châu Âu, Bộ GD&ĐT tin rằng với chương trình hợp tác giai đoạn 2016-2018, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác với các đối tác Hung-ga-ri nhằm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như đóng góp tăng cường quan hệ giữa hai quốc gia về giáo dục và đào tạo.

Được biết, Hung-ga-ri có thế mạnh về đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Trường Đại học Kĩ thuật và Kinh tế Budapest và Nhà máy điện hạt nhân Paks tổ chức được 4 khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về năng lượng nguyên tử cho 157 cán bộ, giảng viên của các cơ sở đào tạo được phân công đào tạo nhân lực về năng lượng nguyên tử đi học tập ngắn hạn (6 tuần).

Trong thời gian tới, Hai Bên sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về năng lượng nguyên tử cho cán bộ, giảng viên và chuyên gia Việt Nam tại Hung-ga-ri và gửi sinh viên đại học năm cuối học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Việt Nam sang thực tập tại Hung-ga-ri.

 

Sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hung-ga-ri năm 2014, Chính phủ Hung-ga-ri đã quyết định tăng số học bổng lên 100 suất/năm cho giai đoạn 2016-2018. Hiện nay, tổng số lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Hung- ga-ri diện Hiệp định do Chính phủ Hung-ga-ri cấp là 128 người: 92 đại học, 10 thạc sĩ, 26 tiến sĩ. Lưu học sinh đi học chủ yếu tập trung vào các ngành đào tạo mà Hung-ga-ri có thế mạnh như: Y - dược, nha khoa, báo chí, du lịch, âm nhạc, kiến trúc, kỹ thuật, thể thao, công nghệ,... và đang thu hút lưu học sinh Việt Nam sang học tự túc các ngành y dược bên cạnh các ngành về khoa học, xử lý nước và nông nghiệp.

 

Hồng Hạnh