Không nên ra đề thi tổ hợp kiểu đánh đố

(Dân trí) - “Đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa biết bài thi tổ hợp nghĩa là tích hợp các kiến thức hay kiến thức đơn lẻ của từng môn nhưng gộp vào trong một bài thi? Nếu làm bài thi tổng hợp theo hướng tích hợp, học sinh phải được dạy theo hướng tích hợp kiến thức liên môn”.

Trên đây là ý kiến của một số nhà giáo khi bàn về bài thi tổ hợp KHTN và KHXH trong Dự thảo thi năm 2017 của Bộ GD&ĐT.

Chưa dạy đại trà theo hướng tích hợp liên môn

Theo Dự thảo phương án thi 2017 vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn: bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng THPT Việt Đức, Chủ nhiệm CLB Hiệu trưởng khối THPT của Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại, ông vẫn chưa hình dung ra bài thi tổ hợp như thế nào. Nếu làm bài thi tổng hợp theo hướng tích hợp, học sinh phải được dạy theo hướng tích hợp kiến thức liên môn. Vì vậy, như Bộ GD&ĐT cho rằng chỉ là tổ hợp các môn trong một bài thi thì hợp lý.

“Vài năm gần đây, mặc dù nhiều trường đã có hình thức dạy tích hợp liên môn nhưng thực tế chỉ thực hiện ở một số bài chứ không phải tất cả. Vì vậy, theo tôi, nói chung học sinh sẽ rất khó khăn nếu triển khai dự thảo phương án thi vào năm 2017”, ông Bình nói.

Về điều này, ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, phải chờ đến khi Bộ GD&ĐT công bố bài thi mẫu mới nhận xét cụ thể về bài thi tổ hợp.

Tuy nhiên, quan điểm của ông chủ trương tách riêng từng môn trong bài thi đó thì tốt hơn, không nên “tích hợp” bởi việc dạy học ở trường THPT vẫn chưa dạy đại trà theo hướng tích hợp.

Nhiều giáo viên và học sinh đang băn khoăn, không biết bài thi tổng hợp sẽ ra sao? (ảnh minh họa)
Nhiều giáo viên và học sinh đang băn khoăn, không biết bài thi tổng hợp sẽ ra sao? (ảnh minh họa)

Ông Hoàng Đức Minh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cũng băn khoăn, không hiểu bài thi tổ hợp sẽ thực hiện ra sao và phải chờ có bài thi mẫu. Hiện nay ở địa phương này chỉ đang dạy thí điểm vài môn theo hướng tích hợp chứ chưa dạy đại trà. Vì vậy, nếu bài thi theo hướng tích hợp thì giáo viên và học sinh sẽ rất bị động.

Nên ra đề thi không đánh đố

Nhận xét về thời gian tổ chức thi theo phương án mới, ông Minh cho hay, nếu Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương thực hiện phương án thi mới ngay trong năm 2017 thì vẫn phải làm. Tuy nhiên, phải qua 1 năm triển khai mới có thể nhận xét được là tốt hay không.

“Hình thức thi mới mà Dự thảo đưa ra rất hay nhưng nếu bây giờ đưa ra để bàn bạc trên công luận, sau 3 năm nữa triển khai thì kết quả tốt hơn vì giúp học sinh toàn diện hơn.

Ở bài thi tổ hợp, theo tôi nên tách riêng 3 môn và số điểm chia 3 cho cả 3 môn này, học sinh sẽ làm tốt hơn. Còn nếu kiến thức liên môn thì rất lúng túng, nhất là học sinh miền núi”, ông Minh cho biết.

"Nếu áp dụng ngay phương thức thi mới trong năm 2017, sẽ thiệt thòi cho thí sinh tự do. Tuy nhiên, tôi nghĩ thí sinh cần có ý thức chủ động tìm kiếm và điều chỉnh phương thức học tập"

(TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội)

Hiệu trưởng trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, hiện nay chương trình sách giáo khoa tương đối nặng về kiến thức, vì vậy Bộ GD&ĐT cần thông báo kỹ hơn về nội dung ôn tập để học sinh hiểu rõ. Thời gian áp dụng kỳ thi năm 2017 tương đối ngắn, nên đề thi không nên yêu cầu quá cao, các em mới có thể đáp ứng.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Tùng Lâm nhận xét, việc làm bài thi tổ hợp còn quá mới mẻ. Trong khi đó, cách dạy ở các trường THPT hiện nay vẫn chưa thay đổi gì. Vì thế, nếu có bài thi này thì cần ra đề đơn giản, không quá đánh đố.

“Đưa ra cách thức bài thi tổng hợp KHTN hoặc KHXH cũng tốt. Nhưng trong khi chúng ta đang yêu cầu giáo dục toàn diện thì không ổn bởi lẽ việc phân luồng hiện nay ở cấp phổ thông chưa cao”, ông Lâm nói.

Về phương pháp thi trắc nghiệm môn Toán liệu có khả thi, theo ông Lâm, nguyên tắc đánh giá, thi trắc nghiệm, vấn đáp hay tự luận đều được. Tuy nhiên, hiện nay học sinh đang học lệch lạc, nếu thi trắc nghiệm và các em chọn khoanh một phương án từ đầu đến cuối cũng sẽ có điểm thì rất nguy hại. Thứ hai, đề thi cũng phải có phân hóa: 60% cho học sinh có học lực trung bình có thể làm được và 40% còn lại cho học sinh khá, giỏi.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)