PGS Văn Như Cương:

“Không thể phủ nhận sự cố gắng của các địa phương”

(Dân trí) - Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cả nước, <i>Dân trí</i> đã có cuộc trao đổi với PGS Văn Như Cương nhằm nhìn nhận đánh giá về những con số cũng như tính hiệu quả của cuộc vận động “Hai không”

Bộ GD-ĐT vừa công tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2011. PGS đánh giá như thế nào về những con số này?

Về vấn đề này chúng ta cần phải phân tích thành hai khía cạnh. Như chúng đã biết thì lệ đỗ tốt nghiệp toàn quốc đối với giáo dục phổ thông (GDPT) là 95,72%, tăng 3,15% so với năm 2010, giáo dục thường xuyên (GDTX) là 85,47% tăng 18,76% so với năm trước. Tôi đưa ra con số để nhìn nhận đánh giá cho nó đúng bởi việc nói tỷ lệ đỗ cả nước “cực khủng” hay “cực cao” chỉ đúng với hệ GDTX. Còn đối với GDPT thì việc tăng hơn 3% không có gì là quá đáng.
 
“Không thể phủ nhận sự cố gắng của các địa phương”  - 1

PGS Văn Như Cương: "Đối với giáo dục phổ thông thì việc tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng hơn 3% không có gì là quá đáng".

Tuy nhiên nếu xét về khía cạnh chia ra từng địa phương thì lại có những chuyện bất hợp lý. Những địa phương tăng trong phạm vi hẹp, thậm chí là thấp hơn so với năm trước thì còn có thể chấp nhận được nhưng ở đây có không ít địa phương tăng lên rất mạnh, điều này là không phản ánh đúng thực chất. Tôi lấy ví dụ, năm nay tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở miền núi phía bắc là rất cao, nhiều địa phương còn xếp trên cả Hà Nội như Tuyên Quang, Lạng Sơn… đây là những dấu hiệu không bình thường. Thậm chí có nơi còn tăng hơn 30% so với năm trước thì tôi không thể tin vào chuyện đó.

Nhiều địa phương cho rằng việc ra đời của cuộc vận động “Hai không” đã tạo ra luồng gió mới trong khâu giảng dạy cũng như kèm cặp học sinh yếu kém. Chính từ những nỗ lực đó nên việc tỷ lệ đỗ tốt nghiệp có cao hơn không có gì bất ngờ bởi lẽ số học sinh đỗ loại khá giỏi vẫn ở mức hạn chế mà chủ yếu là trung bình. PGS đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Theo quan điểm của tôi thì chúng ta không thể phủ nhận sự cố gắng của các địa phương trong những năm qua.

Tôi biết khi người ta cố gắng ôn luyện cho học sinh đạt được mức trung bình để có thể đỗ tốt nghiệp thì đây cũng là một việc làm rất tốt. Ngoài ra giai đoạn ôn thi tốt nghiệp cho các em, nhiều địa phương còn quản lý chặt chẽ các em dưới hình thức các trường tập trung các em lại để bắt các em ngồi học. Nếu họ làm quyết liệt đi thì có thể nâng được tỷ lệ đỗ, tôi không phủ nhận điều đó. Thậm chí, có giám đốc Sở GD-ĐT nói tỷ lệ đỗ tốt nghiệp còn phụ thuộc vào lứa học sinh năm nay tốt hơn năm trước, tôi nghĩ điều này nghe cũng có lý...

Tuy nhiên theo quan điểm của tôi thì trong giáo dục có thể tạo những đột biến do những biện pháp nào đó nhưng thường không thể mạnh mẽ quá được.

Kết quả đỗ tốt nghiệp phụ thuộc rất nhiều yếu tố trong đó có khâu ra đề thi, giám thị coi thi và chấm thi. Vậy trong kì thi năm nay PGS đánh giá như thế nào về các khâu này?

Tôi phải khẳng định thế này, đề thi năm nay dễ hơn năm ngoái nhưng đề thi như vậy là chuẩn chứ không phải là hạ thấp. Đề thi vẫn phân loại được và không đánh đố thí sinh. Với đề thi này nếu em nào làm được thực chất mà đỗ tốt nghiệp thì hoàn toàn xứng đáng.

Tôi rất đồng tình với quan điểm của Bộ GD-ĐT đó là chúng ta đừng có nhìn nhận đề thi dễ hay khó so với năm ngoái mà hãy đánh giá xem có đúng chuẩn hay không, tức là đúng với yêu cầu của ta không, điều này mới là vấn đề quan trọng. Chỉ khi đề thi hạ thấp so với chuẩn thì điều đó mới đáng để chúng ta phê phán.

Đề thi đã tốt rồi nhưng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp còn phải phụ thuộc vào hai khâu khác là coi thi và chấm thi. Khâu quan trọng nhất vẫn là coi thi bởi tôi nghĩ chấm thi không thể “nới tay” quá đáng được, bởi nếu chấm lại sẽ phát hiện ra ngay.

Thú thực tôi biết, các thầy cô cũng thường hay thương học trò. Bên cạnh đó cũng có tâm lý nếu làm ngặt ở phòng thi này thì liệu các phòng khác có như vậy không, các địa phương khác thì như thế nào... Đây là những tâm lý có thật. Tuy nhiên có những nơi thì thấy học sinh vi phạm thì nhắc nhở và yêu cầu không tái phạm nhưng lại có những nơi để các em tự do quá, thậm chí còn cho người “canh khác” từ xa để khi phát hiện thanh tra đến sẽ báo cho hội đồng thi biết. Đây là những tác nhân sẽ làm cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao hơn. Song chúng ta cũng chỉ có thể nêu lên những hiện tượng như vậy chứ chưa có bằng chứng xác đáng để nói chỗ này hay chỗ kia làm nhẹ được.

Như PGS đã nói, chất lượng của kì thi phụ thuộc rất nhiều vào giám thị coi thi. Nhưng rõ ràng việc giám thị làm có đúng quy chế hay không phải do chính quyền Sở tại giám sát, Bộ GD-ĐT cũng không thể giám sát thay họ được. Nhưng tại sao khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp "có vấn đề” thì xã hội lại đỗ dồn sức ép về phía Bộ GD-ĐT và cho rằng Bộ nới lỏng nơi khâu này, khâu kia?

Theo tôi nghĩ quan điểm của xã hội như vậy là không đúng. Tôi vẫn thường hay nói: Bộ GD-ĐT khổ lắm, nếu năm nay tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp hơn năm ngoái thì liệu có ai khen không? Còn bây giờ cao thì chúng ta chê hết mức nhưng giả sử thấp đi thì có lẽ còn bị chê hơn nữa. Cái khổ của những người làm giáo dục là ở chỗ đó.

Có ý kiến cho rằng, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng ngày càng cao thì mục tiêu của cuộc vận động “Hai không” đã bị phá sản. Quan điểm của PGS về vấn đề này như thế nào?

Theo tôi nghĩ ý kiến này cũng có cái đúng của nó. Năm học 2006-2007, chúng ta đề ra “Hai không”, lúc đó tỷ lệ đỗ tốt nghiệp dưới 70% và không ai kêu cả. Người ta cho là tốt, vì lúc đó xã hội muốn nhận thức được giáo dục của ta đạt hiệu quả đến mức độ như thế nào. Tuy nhiên sau đó thì tỷ lệ tốt nghiệp cứ nhích dần lên.

Tôi được biết, năm đầu tiên “Hai không” triển khai thì các địa phương đều quyết tâm làm nhưng có nơi làm triệt để, có nơi lại làm vừa phải. Chính vì thế dẫn đến tình trạng các năm sau nhiều nơi có tư tưởng “Làm thì vẫn làm nhưng ở mức độ vừa phải thôi”. Có lẽ vì thế mà tỷ lệ đỗ tốt nghiệp mới tăng dần lên.

Thưa PGS, việc so sánh tỷ lệ đỗ tố nghiệp năm nay so với những năm trước để đánh giá “Hai không” phá sản liệu có đủ cơ sở bởi như chúng ta đã biết với nỗ lực của ngành thì chất lượng giáo dục có thể thay đổi hàng năm?

Tôi đồng ý với quan điểm của bạn là chúng ta không thể chỉ dùng con số tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm để đánh giá tính hiệu quả hay không hiệu quả của “Hai không”. Chúng ta càng không thể so sánh kết quả năm 2011 với năm 2006 (trước khi có “Hai không” - PV) bởi năm nay chúng ta thi theo chương trình mới, phương pháp giảng dạy mới... Vì thế việc so sánh là rất khập khiểng.

Tôi hi vọng sau kì thi này, Bộ GD-ĐT và địa phương sẽ đưa ra phân tích đánh giá để rút kinh nghiêm. Bên cạnh đó, báo chí cũng cần phải rút kinh nghiệm để nhận định làm sao cho nó đúng. Cần phải đánh giá cao là do đâu, thấp là nguyên nhân gì, tính toàn cục ra sao và tính địa phương như thế nào, phải làm rõ như vậy thì mới có cái nhìn khách quan được.

Xin cảm ơn PGS!

Nguyễn Hùng (thực hiện)