Làm thế nào để phát triển tinh thần "khởi nghiệp vì xã hội" trong trường đại học?

(Dân trí) - Năm 2016 được Chính phủ chọn là năm quốc gia khởi nghiệp, với mục tiêu tạo ra làn sóng đầu tư thứ hai với Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Vậy làm thế nào để phát triển tinh thần khởi nghiệp? Sự khác biệt như thế nào giữa tinh thần khởi nghiệp nói chung và tinh thần khởi nghiệp vì xã hội?

GS. Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích: Tinh thần khởi nghiệp vì xã hội (social entrepreneurship) là quá trình nhận biết và theo đuổi một cách tận tâm các cơ hội để tạo ra giá trị xã hội. Tinh thần khởi nghiệp và tinh thần khởi nghiệp vì xã hội có nhiều nền tảng tương đồng, nhưng cũng có những điểm khác biệt cơ bản:

Bên cạnh đó, mặc dù đều nhận ra cơ hội và chuyển hóa nó thành hoạt động kinh doanh, nhưng sự khác biệt ở đây là doanh nhân xã hội nhận ra cơ hội thị trường từ vấn đề xã hội cần giải quyết và theo đuổi một cách nghiêm túc.

Ngoài ra, một đặc điểm khác biệt nữa là khởi nghiệp thương mại thông thường không nhất thiết đòi hỏi đổi mới và sáng tạo. Trong khi đó, khởi nghiệp vì xã hội nhất thiết phải có yếu tố đổi mới và sáng tạo, đổi mới trong giải pháp giải quyết vấn đề xã hội hoặc đối tượng thị trường phục vụ.

Doanh nhân và doanh nhân xã hội đều đòi hỏi có kỹ năng lãnh đạo và quản lý. Nhưng doanh nhân xã hội đòi hỏi các kỹ năng phức tạp hơn, vì họ đóng hai vai trò lãnh đạo: lãnh đạo tổ chức của mình và lãnh đạo cả cộng đồng họ phục vụ.

Đồng thời, doanh nhân xã hội thường có động cơ đạo đức-xã hội hơn là theo đuổi lợi nhuận thuần túy, họ mong muốn đóng góp cho phúc lợi xã hội.


GS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân

GS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân

Phóng viên: Vậy thì tinh thần khởi nghiệp vì xã hội có những đặc điểm hay vai trò chủ đạo gì đối với phát triển xã hội thưa GS?

GS.TS Trần Thọ Đạt: Tinh thần khởi nghiệp vì xã hội được nhấn mạnh với bốn vai trò chính.

Thứ nhất, tạo việc làm: Một điểm đáng lưu ý là trong rất nhiều trường hợp, doanh nghiệp xã hội tạo ra việc làm cho nhiều nhóm người yếu thế.

Thứ hai, sáng tạo và đổi mới sản phẩm và dịch vụ. Có thể thấy tính đổi mới và sáng tạo được nhấn mạnh hơn nhiều ở hoạt động kinh doanh xã hội, thể hiện ở cả mô hình kinh doanh, thị trường mục tiêu hoặc chính sản phẩm, dịch vụ mới mà các doanh nghiệp thương mại truyền thống thường bỏ qua vì thị trường được coi là không có tiềm năng hoặc mang lại ít lợi nhuận kỳ vọng. Đây cũng là một cống hiến quan trọng của khu vực doanh nghiệp xã hội đóng góp cho nền kinh tế và tính sáng tạo, đổi mới nói chung của xã hội.

Thứ ba, phát triển vốn xã hội. Bản thân những doanh nhân xã hội phải dựa nhiều vào các mạng lưới mối quan hệ như là một nguồn lực quan trọng để phát triển hoạt động kinh doanh. Chính kinh doanh xã hội đóng góp vào phát triển niềm tin, vào tính đạo đức, tâm thiện nguyện của xã hội.

Thứ tư, khuyến khích công bằng trong xã hội. Tính xã hội của tinh thần kinh doanh xã hội là việc phân phối lại sự công bằng trong xã hội, giảm khoảng cách giầu nghèo, tạo điều kiện cho người yếu thế được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ, cơ sở hạ tầng cơ bản của xã hội.

GS cho biết một số nét chính về sự phát triển tinh thần khởi nghiệp vì xã hội trong các trường đại học trên thế giới?

Trong hơn 10 năm qua, tinh thần khởi nghiệp vì xã hội đã bắt đầu được lồng ghép vào hoạt động học thuật. Môn học đầu tiên về tinh thần kinh doanh xã hội do giáo sư Greg Dees khởi xướng tại Đại học Havard năm 1994.

Ngày nay có khoảng 350 giáo sư từ khoảng 35 quốc gia khác nhau đang giảng dạy môn học này. Nhiều trường kinh doanh hàng đầu hiện nay đang giảng dạy và tổ chức các cuộc thi ý tưởng kinh doanh xã hội. Khá nhiều trường lớn đã có Trung tâm nghiên cứu về tinh thần kinh doanh xã hội hoặc sáng tạo xã hội.

Một số lượng không nhỏ các chương trình thạc sỹ về tinh thần kinh doanh xã hội, doanh nghiệp xã hội, sáng tạo xã hội đã ra đời ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Hong Kong.

Một số tạp chí về các nội dung này cũng đã ra đời, nhiều trường đại học đã có các quan hệ hợp tác với các tổ chức hàng đầu về phát triển tinh thần kinh doanh xã hội. Các chương trình hợp tác này giúp gắn kết thường xuyên giữa giảng viên, sinh viên và các doanh nhân xã hội.

Còn tại Việt Nam, GS đánh giá như thế nào về tinh thần khởi nghiệp vì xã hội đã phát triển trong thời gian gần đây?

Năm 2016 được Chính phủ Việt Nam chọn là năm quốc gia khởi nghiệp, với mục tiêu tạo ra làn sóng đầu tư thứ hai, với Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Tôi cho rằng khởi nghiệp vì xã hội là một lựa chọn đúng cần được khuyến khích vì một nền kinh tế và xã hội phát triển sáng tạo và bền vững. Khái niệm doanh nghiệp xã hội và tinh thần khởi nghiệp vì xã hội đã được giới thiệu vào Việt Nam khá mới từ năm 2008 và doanh nghiệp xã hội đã trở thành một phong trào trong bối cảnh phát triển khởi nghiệp tại Việt Nam.

Doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam đã được công nhận chính thức trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2014. Theo thống kê sơ bộ hiện tại có khoảng 1000 doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam, so với gần 200 vào thời điểm 2012. Trong số đó mới có 10 doanh nghiệp xã hội đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp mới.

Cho đến nay đã có một hệ sinh thái với các cấu phần khá đầy đủ cho việc phát triển tinh thần khởi nghiệp vì xã hội như: Khung pháp lý với Luật Doanh nghiệp sửa đổi và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành; Có các tổ chức trung gian phát triển doanh nghiệp xã hội như CSIP và Spark, đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao nhận thức, phát triển doanh nghiệp xã hội, bao gồm cả hoạt động nâng cao năng lực và đầu tư vào doanh nghiệp xã hội; khoảng 1000 tổ chức, doanh nghiệp tự coi mình là doanh nghiệp xã hội và các doanh nghiệp có các đặc điểm tương tự.

Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp xã hội hiện tại mới chỉ dừng ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chưa dễ dàng tìm được doanh nghiệp có năng lực mở rộng quy lớn vào thời điểm hiện tại ở mảng kinh doanh xã hội ở Việt Nam;

Được biết Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có những bước đi đầu tiên trong việc phát triển tinh thần khởi nghiệp vì xã hội. Xin GS cho biết một số hoạt động cụ thể của Trường?

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đang nỗ lực và đã có nhiều bước đi đầu tiên với vai trò tiên phong mang tính trụ cột trong việc phát triển tinh thần khởi nghiệp vì xã hội ở Việt Nam, thông qua các hợp tác, sáng kiến trong nước và quốc tế với các hoạt động sau:

Hoạt động lồng ghép tinh thần khởi nghiệp vì xã hội và doanh nghiệp xã hội vào trường đại học. Hoạt động này được thực hiện trong sự phối hợp chặt chẽ giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Hội đồng Anh Việt Nam thông qua các hoạt động như đào tạo giảng viên về doanh nghiệp xã hội, hội thảo khoa học về lồng ghép doanh nghiệp xã hội vào trường đại học, một số nội dung của tinh thần khởi nghiệp vì xã hội, doanh nghiệp xã hội đã được lồng ghép ở cấp độ khác nhau vào một số môn học hiện tại của Nhà trường.

Hoạt động nghiên cứu, vận động chính sách, nâng cao nhận thức về tinh thần khởi nghiệp vì xã hội, doanh nghiệp xã hội bao gồm tổ chức Hội thảo về phát triển doanh nghiệp xã hội với vai trò của trường đại học và các tổ chức nghiên cứu trên cơ sở đó đã ra mắt Mạng lưới học giả doanh nghiệp xã hội (VSES, Hội thảo về Hệ sinh thái cho Tinh thần kinh doanh và Sáng tạo xã hội, Tọa đàm về “Sáng tạo xã hội” giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hội đồng Anh và Trung tâm Sáng tạo vì xã hội của Đại học Cambridge.

Hoạt động tư vấn, nâng cao năng lực cho khối doanh nghiệp xã hội thông qua việc khảo sát nhu cầu nâng cao năng lực của doanh nghiệp xã hội, tiến hành khóa đào tạo cho tư vấn viên, hướng dẫn viên cho doanh nghiệp xã hội, sau đó thực hiện hoạt động đào tạo lại và tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp xã hội tham gia chương trình.

Xin trân trọng cám ơn GS!

Nhật Hồng (thực hiện)