Loay hoay với bài toán chơi hè cho trẻ

Với nhiều người, khi nghĩ về tuổi thơ thì kỷ niệm với các trò chơi, những trò nghịch ngợm vẫn luôn sống động, tươi mới. Để rồi khi nhìn thực tại, mùa hè của con cái chúng ta chỉ là cảnh lui cui bên sách bút, không ít người chạnh lòng: chúng ta đang làm gì với những mùa hè của trẻ?

Trẻ “được” rất nhiều từ chuyện chơi

Các chuyên gia tâm lý giáo dục đã khẳng định, với trẻ em, chơi cũng là một hình thức học cực kỳ quan trọng. Thông qua việc chơi, trẻ phát triển thể chất, hoàn thiện những kỹ năng vận động, ngôn ngữ, giao tiếp, tăng khả năng hòa nhập xã hội và phát huy trí tưởng tượng rộng mở.

Các nghiên cứu cho thấy, những gì trẻ làm dường như chỉ là chơi đùa, nhưng thực ra lại đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ, do việc này đòi hỏi trẻ phải vận dụng tất cả các giác quan một cách rất tự nhiên. Ðộng tác chạy, trèo giúp trẻ phát triển những kỹ năng thể lý, củng cố cơ bắp và thực tập thế cân bằng. Những hoạt động chung với bạn sẽ giúp trẻ có thêm những bài học có tính xã hội. Ngoài sân, trẻ học cách chia sẻ, giao tiếp, cách chơi với bạn. Thậm chí, ngay cả khi có xung đột, trẻ cũng học được cách thương lượng, giải quyết. Tự do hòa mình trong sân chơi, bên cạnh niềm hạnh phúc ngọt ngào của tuổi thơ, trẻ còn được sáng tạo, rèn luyện, trải nghiệm và thể hiện cá tính.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân từng thốt lên: “Trải qua những ngày hè tươi đẹp, khi đã trưởng thành, chúng ta mới cảm nhận được hết giá trị của những mùa hè đúng nghĩa”. Theo nhà thơ, thiên nhiên là những nhà “giáo dục” tuyệt vời, và những trò chơi của tuổi thơ cũng có những ảnh hưởng đến tinh thần, giúp hình thành nhân cách cho trẻ. “Sự tưởng tượng giúp trẻ năng động, tự tin đẩy lùi những cái rụt rè, vị kỷ trong tính cách trẻ thơ. Không một đứa trẻ hiếu động nào lại rụt rè ngoài cuộc sống, trong giao tiếp từ gia đình đến cộng đồng”.

Rất nhiều phụ huynh hiểu, có mùa hè đẹp, trẻ sẽ có tuổi thơ đẹp. Nhưng câu hỏi mà không ít phụ huynh trăn trở là ngày nay trẻ biết tìm đâu chốn vui chơi ngày hè?

Thiếu điểm vui chơi, trẻ thường tự tìm ra những nơi nguy hiểm (ảnh minh hoạ)
Thiếu điểm vui chơi, trẻ thường tự tìm ra những nơi nguy hiểm (ảnh minh hoạ)

Nhưng trẻ biết chơi ở đâu trong hè?

Chị Đinh Thanh Huyền, nhân viên kế toán của một ngân hàng lớn tại TPHCM lo lắng: “Biết bao nhiêu nguy hiểm rình rập lũ trẻ trong mùa hè. Nào là té ngã vì chơi ở các khu vui chơi không an toàn, nào là đá bóng ở trên phố, nguy cơ chết đuối vì tắm sông… Nếu nhốt trẻ ở nhà thì trẻ lại mê game và tivi! Còn cha mẹ đều bận không có điều kiện đưa trẻ đi chơi suốt hè được.”

Quả thực tình trạng thiếu chỗ chơi hè cho trẻ đã trở thành “bệnh kinh niên” từ rất nhiều năm nay. Theo thống kê của Bộ lao động Thương Binh & Xã hội, tính tới năm 2011, 27 triệu trẻ em toàn quốc chỉ có khoảng 148 điểm vui chơi cấp tỉnh, hơn 770 điểm vui chơi cấp huyện.

Đa số các điểm vui chơi chính như nhà thiếu nhi trên toàn quốc với cơ sở vật chất cũ kỹ đã bị quá tải, mùa hè luôn chật kín các lịch sinh hoạt cho các em mà vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu vui chơi của con trẻ. Còn sân chơi công cộng thì đa số quá lạc hậu, cũ kĩ và nghèo nàn, nhiều khu vui chơi trang thiết bị rỉ sét, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho trẻ. Các sân chơi trong khu dân cư lại quá ít ỏi, nhỏ hẹp và dù chẳng có gì để chơi nhưng luôn đông nghẹt, nhiều sân chơi bị chiếm dụng làm nơi bán hàng, bán quán…

Chúng ta đều biết trẻ là cần được chơi, nhất là trong mùa hè. Thế nhưng nhu cầu ấy vẫn đang bị phớt lờ vì xã hội mải ưu tiên những vấn đề cấp bách. Song thiết nghĩ, còn gì cấp bách hơn sự nghiệp trồng người? Đánh mất mùa hè đích thực của tuổi thơ cũng là đánh mất một cơ hội cho biết bao thế hệ con trẻ phát triển toàn diện. Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm Tp.HCM) đề xuất: “Để tăng sân chơi cho trẻ, có thể huy động sự đóng góp của nhiều người. Ví như mỗi người đóng 10.000 đồng, với 1 triệu người tham gia đóng góp sẽ có 1 tỷ để đầu tư xây dựng sân chơi. Cũng có thể xã hội hóa việc xây sân chơi, doanh nghiệp có thể xây tặng sân chơi cho trẻ...”.