Mười năm bồng chị đến trường

Mười bảy tuổi đời mà đã trải qua hơn mười năm không quản nắng mưa ẵm chị tới lớp, cô gái trẻ ấy vẫn sẵn lòng gánh vác vai trò làm đôi chân cho người chị khuyết tật suốt chặng đường đời vời vợi phía trước…

Đó là câu chuyện về Hoàng Thị Loan, học sinh lớp 12 trường PTTH Bình Sơn (Long Thành, Đồng Nai) và người chị Hoàng Thị An, bị liệt hai chân từ khi mới chào đời (ảnh).
 
Mười năm bồng chị đến trường - 1

Giúp chị là việc tự nhiên

 
Bà Bùi Thị Hương sinh được sáu con gái thì con lớn nhất và con thứ tư là An đều bị liệt chi dưới bẩm sinh, các bác sĩ không xác định được nguyên nhân của bệnh. Loan là em kế, nhỏ hơn An ba tuổi. Khi sáu chị em còn nhỏ, kinh tế gia đình hết sức khó khăn do cha mẹ vừa phải quần quật làm lụng trên rẫy lo cho con ăn học, vừa phải chăm sóc thuốc thang cho hai cô con gái tật nguyền. Có lẽ ông trời muốn bù đắp phần nào cho hoàn cảnh éo le của gia đình họ nên từ nhỏ Loan đã có sức vóc cao lớn, khỏe mạnh hơn bạn bè đồng trang lứa. Mới năm tuổi, cô đã biết cõng chị đi chơi quanh xóm để chị đỡ buồn.

Năm học vừa qua, cô chị Hoàng Thị An đã tốt nghiệp THPT với 54 điểm, trở thành thủ khoa trường Bình Sơn, còn cô em Hoàng Thị Loan hiện vẫn là học sinh lớp 12 tại trường. Các thầy cô tại đây nhận xét học lực của Loan rất tốt. Bận rộn với lịch học dày đặc, Loan vẫn luôn dành thời gian chăm sóc chị mình.

 
Mẹ Loan cho biết, khi Loan bắt đầu vào lớp 1 thì An đã là học sinh lớp 3. Thương mẹ quá vất vả mà hàng ngày vẫn phải dành thời gian đưa đón chị, cô bé Loan liền xin mẹ cho phép chở chị tới trường bằng chiếc xe đạp con nít nhỏ xíu, rồi tới giờ tan học lại ẵm chị ra xe, vượt quãng đường hai cây số về nhà. Tới khi An chuyển qua trường cấp 2, em gái vẫn chở chị, rồi canh giờ vào lớp hay tan học chạy qua trường An để lo việc di chuyển cho chị. Nhắc lại những ngày đầu tiên được em gái chở, An vẫn nhớ có lần tay lái non nớt của cô em gái nhỏ loạng choạng làm cả hai té xuống đường, vừa đau vừa tủi, hai cô bé ngồi giữa đường ôm nhau khóc. Nhưng chỉ một lúc sau Loan đã nhanh chóng quệt nước mắt đứng dậy, ẵm chị lên xe, đi tiếp…
 
Thầy Nguyễn Văn Hiển, quản sinh trường PTTH Bình Sơn chia sẻ: dù mưa hay nắng, các em vẫn chưa một ngày nghỉ học. Có những ngày trời mưa, đường trơn trợt, nhìn Loan khó nhọc ẵm chị trên quãng đường dài từ bãi xe vào lớp, ai cũng ái ngại. Phòng học của An nằm tận lầu 3, Loan phải gồng mình bồng chị lên lớp và luôn từ chối mọi lời đề nghị trợ giúp. An cũng vậy, chỉ trong vòng tay em gái cô mới cảm thấy vững tâm. Bất tiện nhất là năm học 2010, năm cuối cấp nên An phải học rất nhiều, hai chị em lại học lệch giờ nhau. Những bữa An vừa tan học ca sáng, Loan tất tả bồng chị ra xe vượt quãng đường tám cây số về nhà, rồi vội vàng quay lại trường để kịp giờ học ca chiều. Cả năm ròng cứ thế, Loan dường như chẳng có chút thời gian cho việc nghỉ ngơi. Hỏi Loan có lúc nào cảm thấy mệt mỏi vì phải chăm sóc chị gái không, cô tươi cười: “Chưa khi nào em thấy mệt mỏi cả, vì từ nhỏ em đã thấy đây là một việc tự nhiên mình cần phải làm rồi”.
 
Được bù đắp bằng yêu thương
 
Tới thăm mái ấm của hai chị em tại ấp 1, xã Suối Trầu (Long Thành, Đồng Nai), chúng tôi khá ngạc nhiên trước cơ ngơi khá khang trang của gia đình, khác hẳn hình dung trước đó. Bà Bùi Thị Hương, mẹ của hai em tâm sự: “Khi lấy nhau, vợ chồng tôi chỉ có hai bàn tay trắng, đến bộ đồ tươm tất trong ngày cưới cũng phải đi mượn của người thân. Rồi các con ra đời, riêng việc lo cho hai đứa bị tật cũng là gánh nặng quá sức. Bởi vậy chúng tôi phải dốc sức làm lụng để lo cho các cháu, may mà trời chẳng phụ công nên tới ngày nay chúng tôi đã có một cuộc sống tương đối ổn định. Nhưng điều hạnh phúc nhất của tôi, là các con đều rất hiếu thuận và yêu thương nhau hết mực”. Còn Loan thì cho biết: “Từ nhỏ đã thấy gia đình em yêu thương nhau như vậy, nên em cũng tự thấy mình phải chia sẻ tình yêu thương với người khác. Hơn nữa, chị An bị tật nhưng rất giỏi, em rất hâm mộ chị!”.
 
Năm học vừa qua, An đã tốt nghiệp phổ thông trung học với 54 điểm, trở thành thủ khoa trường Bình Sơn, còn Loan hiện vẫn là học sinh lớp 12 tại trường. Các thầy cô tại đây nhận xét học lực của Loan rất tốt. Bận rộn với lịch học dày đặc, Loan vẫn luôn dành thời gian chăm sóc chị mình. Sức khoẻ của An hiện rất yếu, nên ngoài việc ẵm chị mỗi khi cần di chuyển, Loan còn phải lo cả những việc như gội đầu, trợ giúp vệ sinh cá nhân khi An trở bệnh… Hai chị em đang xây dựng những kế hoạch dài hơi hơn cho tương lai, như việc chờ Loan tốt nghiệp hai chị em sẽ cùng thi vào một trường đại học, và Loan vẫn sẵn lòng làm đôi chân cho chị rộng bước vào đời.
 
“Ở một khía cạnh, tôi là người bất hạnh. Nhưng tôi vẫn may mắn vô cùng khi nhận được tình yêu thương của cả gia đình, đặc biệt là sự giúp đỡ tận tình của em gái”, Hoàng Thị An chia sẻ.
 
Theo Hương Vũ
SGTT