Nam sinh trường Ams “chiến thắng” học bổng 5,5 tỷ đồng của ĐH Yale

(Dân trí) - Tự tin, năng động và không ngại va chạm cái mới, với Tấn Phát, quá trình chuẩn bị hồ sơ thực sự là hành trình trải nghiệm để trưởng thành. Và cánh cửa ĐH Yale danh tiếng đã rộng mở đón chàng trai 9X Việt.

Thông tin cá nhân

Họ và tên: Lê Tấn Phát

Sinh năm: 14/03/1998

Tốt nghiệp trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam

Thành tích cá nhân:

- Học bổng toàn phần Đại học Yale, Mỹ

- Giải Nhất Kì thi HSG tiếng Anh lớp 12 vòng Thành phố Hà Nội

- Giải Ba Olympic tiếng Anh lớp 10 vòng Thành phố Hà Nội

- Tổng thư kí chương trình Mô phỏng Liên hợp quốc IVMUN 2015, 2016

- Giải Nhất kì thi Teen Entrepreneur 2015

- Giải Nhất vòng Quốc gia kì thi International Trade Challenge 2015

- Top 3 đội tuyển Việt Nam tham gia vòng quốc tế kì thi International Trade Challenge 2015

- Đại biểu tham gia Yale MUN, UNIS MUN, VYMUN…

- Trưởng ban tài chính chương trình Ams’ Got Talent 2015

- Đồng sáng lập Hanoi - Amsterdam Model UN Association


Tấn Phát được ĐH Yale danh giá cấp học bổng 5,5 tỷ đồng.

Tấn Phát được ĐH Yale danh giá cấp học bổng 5,5 tỷ đồng.

Cân bằng - “chìa khóa” chinh phục ĐH top 3 nước Mỹ

Yêu thích Đại học Yale từ khi bắt đầu có ý định du học, Tấn Phát quyết định gửi hồ sơ duy nhất ở đợt lựa chọn sớm tới Yale.

Đại học Yale nằm ở New Haven, Connecticut (Mỹ), nằm trong nhóm trường Ivy league danh giá. Ngôi trường này chiếm lĩnh vị trí thứ 3 trong danh sách các trường ĐH Quốc gia tốt nhất Mỹ và xếp thứ 14 ĐH tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng của US News & World Report năm 2016. Tấn Phát chọn Đại học Yale cũng bởi mục tiêu đào tạo của trường là phát triển sinh viên một cách toàn diện nhất.

Kết quả chàng trai Việt đã xuất sắc chiến thắng học bổng trị giá 240.000 USD (khoảng 5,5 tỷ đồng) cho 4 năm để đặt chân tới ngôi trường hàng đầu nước Mỹ để theo đuổi khóa học 2016-2020.

Bí quyết quan trọng hơn cả của Tấn Phát để chinh phục được ngôi trường danh tiếng như Yale nằm gọn trong hai từ “cân bằng”. “Nếu chỉ học không thì chắc là không bao giờ đỗ được, còn nếu chỉ trải nghiệm không thì sẽ bị loại từ vòng gửi xe”, Phát nhấn mạnh.

Vậy nên, theo anh chàng, sự cân bằng trong sinh hoạt là vô cùng cần thiết: phải có một thời gian biểu hợp lý để phân bố thời gian cho sức khỏe, ăn uống, giải trí, học tập và hoạt động.

Một bảng thành tích học tập khá tốt và những trải nghiệm cộng đồng phù hợp đam mê, sở thích giúp Tấn Phát xây dựng hình ảnh toàn diện khi chinh phục ĐH top Mỹ.

Quá trình chuẩn bị du học, áp lực lớn nhất của Phát là phải cân bằng việc hoàn thành nhiều phần của bộ hồ sơ. Và thử thách lúc này là phải có một thời gian biểu khoa học, chính xác và thúc đẩy bản thân “chiến đấu” với thời gian biểu đó.


Cân bằng giữa học tập, ngoại khóa và vui chơi thư giãn giúp chàng trai Việt thành công khi chinh phục ngôi trường mơ ước.

Cân bằng giữa học tập, ngoại khóa và vui chơi thư giãn giúp chàng trai Việt thành công khi chinh phục ngôi trường mơ ước.

Để vượt qua những mệt mỏi, chán nản vì có quá nhiều thứ phải lo lắng, Tấn Phát cần nguồn động viên từ bố mẹ, bạn bè. Em cũng dành thời gian kéo dãn thời gian biểu để có chút “chỗ thở” cho bản thân như đi chơi, đi xem phim, đọc sách…

Anh chàng từng đạt nhiều giải thưởng các kỳ thi HSG Tiếng Anh và các cuộc thi ý tưởng kinh doanh cấp quốc gia và quốc tế. Cũng là đại biểu 9X của nhiều chương trình phát triển tố chất lãnh đạo, hoàn thiện các kỹ năng mềm cho người trẻ như Yale MUN, UNIS MUN, VYMUN…

Luôn giữ điểm trung bình học tập (GPA) dao động ở khoảng 9.0 - 9.1, Phát đạt 2280 điểm SAT 1, TOEFL đạt 114 điểm. Theo Phát, điểm số không quyết định hoàn toàn kết quả apply học bổng. Ứng viên không cần điểm số quá cao nhưng vẫn phải có đủ điểm tốt để không bị loại ngay từ vòng đầu. Còn ở những vòng sau, trường sẽ chú trọng đến phần con người của ứng viên.

Mục tiêu tạo sức ảnh hưởng tốt đến cộng đồng

Ngoài học tập, chàng trai 9X dành khá nhiều thời gian cho việc đọc sách, trau dồi các kĩ năng mềm như Model UN, cách viết luận, cách thuyết trình, cách gây ấn tượng…

Anh chàng từng giữ vị trí Tổng thư kí chương trình IVMUN 2015. Lần đầu tiên trở thành “thuyền trưởng” của một chương trình MUN (là một mô hình hội nghị Liên Hợp Quốc), Tấn Phát đã gặp, làm quen và làm việc với những cá nhân trẻ tuổi, bản lĩnh và vô cùng xuất sắc.


Chàng trai 9X bộc lộ khả năng lãnh đạo khi giữ vị trí Tổng thư kí chương trình Mô phỏng Liên hợp quốc IVMUN 2 năm liền.

Chàng trai 9X bộc lộ khả năng lãnh đạo khi giữ vị trí Tổng thư kí chương trình Mô phỏng Liên hợp quốc IVMUN 2 năm liền.

Năm nay, cũng với tầm nhìn mang lại sự hứng khởi cho các bạn tham gia, chàng trai Việt đã quyết định tổ chức IVMUN 2016 vào tháng 6 này để góp phần tạo cơ hội cho những bạn năm nay chuẩn bị apply du học, bởi Phát nghĩ rằng “MUN là một thành phần được ưa chuộng trong một bộ hồ sơ chinh phục ĐH Mỹ nếu biết sử dụng và phân phối hợp lý, khôn ngoan”.

Chàng tân sinh viên ĐH Yale luôn tâm niệm, quá trình chuẩn bị hồ sơ du học dẫu căng thẳng và nhiều thách thức nhưng ứng viên hãy coi đó là một trải nghiệm để trưởng thành và hoàn thiện bản thân chứ không chỉ “cố đấm ăn xôi” để có nhiều đầu mục hoạt động xã hội trong hồ sơ. Bởi lẽ, chính những trải nghiệm, thay đổi mới mang lại con người thực sự của mình. Thứ hạng và “độ top” của trường chưa hẳn là một yếu tố Phát cho là thành công.

“Vậy nên, những người trẻ chúng ta phải nhìn vào trong để trân trọng những gì mình có và phát huy chúng. Trải nghiệm nhiều, đừng sợ va chạm với cái mới. Và quan trọng hơn cả là phải biết cân bằng giữa việc học và trải nghiệm”, Phát khẳng định một lần nữa.

Đam mê lớn nhất của Phát là tạo ra một sức ảnh hưởng tốt lên cộng đồng. Chưa xác định rõ ngành nghề sẽ học nhưng anh chàng muốn tương lai sẽ có thể đóng góp lớn cho cộng đồng như hoạt động nhân đạo trong Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, chàng trai Việt cũng rất cân nhắc việc học Luật và trở thành một luật sư.

Còn trước mắt, Tấn Phát sẽ chuẩn bị tham gia một hội thảo tại Singapore do Đại học Yale tổ chức vào tháng 5 này, cũng như tham khảo những kinh nghiệm chuẩn bị của đàn anh, đàn chị đi trước để có sự lựa chọn tốt nhất cho mình.

Lệ Thu

(Ảnh: NVCC)