Người đầu tiên của Làng trẻ Hòa Bình vào đại học

Đôi chân bị dị tật do ảnh hưởng của chất độc da cam, nhưng Lê Văn Chiến vẫn nỗ lực vượt khó, trở thành người đầu tiên của Làng trẻ Hoà Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) bước vào giảng đường đại học.

Lê Văn Chiến tại thư viện Trường Đại học Đại Nam.
Lê Văn Chiến tại thư viện Trường Đại học Đại Nam.

Khi sinh, đôi chân của Lê Văn Chiến (SN 1991, trú tại thôn Nội Xuân, Mai Trung, Hiệp Hoà, Bắc Giang) bị cụt đến gần đầu gối do ảnh hưởng của chất độc da cam từ bố, một cựu chiến binh từng chiến đấu ở Tây Ninh.

Lên 6 tuổi, Chiến phải ngồi nhà trong khi các bạn cùng lứa được cắp sách tới trường. Một năm sau, thấy con nằng nặc đòi đi học, bố mẹ đành cõng Chiến đến trường.

Kết thúc học kỳ I, Đài truyền hình Bắc Giang đã đến ghi lại hình ảnh Chiến sinh hoạt và học tập tại nhà.

Khi xem những hình ảnh này, Làng trẻ Hoà Bình đã gửi giấy mời Chiến đến đây để khám rồi nhận em gia nhập Làng.

“Bố đến ở với em tại Làng một tuần rồi phải về. Lúc đó em nghĩ mình bị bỏ rơi nên cứ cùng quẫy trên xe lăn kêu khóc khiến bố phải giải thích mãi em mới nguôi ngoai. Sau này em mới hiểu việc gia nhập Làng trẻ Hoà Bình là một cơ may của em và gia đình, bởi đây thực sự là ngôi nhà thứ hai của em trong hơn chục năm qua”- Chiến cho biết.

Năm 1999, khi tới thăm Làng trẻ Hoà Bình, các thành viên trong đoàn một tổ chức phi chính phủ xúc động trước hoàn cảnh một cậu bé có gương mặt thông minh lại phải ngồi xe lăn nên quyết định giúp Chiến có được đôi chân giả.

Thoát cảnh ngồi xe lăn, sức học của Chiến tiến bộ trông thấy, vượt hẳn so với mặt bằng kiến thức được học trong Làng trẻ Hoà Bình. Chiến được nhận vào Trường PTCS Phan Đình Giót, gần Làng trẻ Hoà Bình.

Tuy không mất tiền học, nhưng mỗi tháng bố mẹ đã phải chi cả triệu đồng để thuê xe ôm đưa đón Chiến. Đây là một khoản tiền không nhỏ, khi gia đình Chiến lại thuộc diện khó khăn.

Việc Chiến tốt nghiệp PTTH đã là một kỳ tích. Khi biết con muốn thi đại học, bố mẹ Chiến càng băn khoăn không biết sức khoẻ Chiến có trụ được không.

Chiến nói với bố mẹ: “Nếu con không học tiếp để có một nghề thì sau này vẫn trở thành người ăn bám”.

Chiến chọn khoa kế toán, Trường Đại học Đại Nam để thi vì thấy nghề này phù hợp với sức khoẻ của mình.

Sau khi nhập học một thời gian, Chiến tham gia cuộc thi tin học dành cho người khuyết tật tại Hà Nội và giành giải nhì.

Với thành tích này, Chiến được lựa chọn tham gia cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin với thanh niên khuyết tật” được tổ chức tại Hàn Quốc vào cuối tháng 10 này.

Theo Kiến Nghĩa
Tiền Phong