Nhiều trường không giảm chỉ tiêu ngành Kinh tế, Sư phạm

Thông báo giảm chỉ tiêu ngành Kinh tế, Sư phạm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại Hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2013 các trường trực thuộc Bộ khiến dư luận quan tâm, nhưng dường như chưa có trường nào sẵn sàng thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho biết: Năm 2012, trường tuyển 3.300 chỉ tiêu ĐH và 100 chỉ tiêu CĐ; năm 2013, trường sẽ giữ ổn định số lượng này. Lý do bà Thủy đưa ra là: xã hội vẫn có nhu cầu.

Thí sinh dự thi đại học năm 2012.
Thí sinh dự thi đại học năm 2012.

ĐH Quốc gia TPHCM tuyển 13.560 chỉ tiêu năm 2012 và năm 2013 vẫn giữ vững chỉ tiêu. Ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH này, nói: ĐH Quốc gia TPHCM dự kiến ổn định quy mô tuyển sinh hệ ĐH, nếu tăng sẽ không đáng kể, mà tăng chỉ tiêu đào tạo sau ĐH để tập trung vào định hướng nghiên cứu. Ông Nghĩa nhấn mạnh: ĐH Quốc gia TPHCM sẽ chỉ giảm đào tạo tại chức (tùy từng trường sẽ giảm 50% hoặc 20-30%).

Tương tự, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ giữ vững hơn 5.000 chỉ tiêu để tập trung nâng cao chất lượng và giảm tại chức. Ông Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐH Quốc gia HN, cho biết: ĐH Kinh tế của ĐH Quốc gia HN sẽ tiến tới giảm hết, nhưng chỉ với hệ tại chức.

Năm 2012, Học viện Tài chính tuyển 3.350 chỉ tiêu; năm 2013, sẽ không thay đổi. Giám đốc Học viện ông Ngô Thế Chi, cắt nghĩa việc giữ nguyên chỉ tiêu là vì nhu cầu xã hội vẫn lớn và các trường đào tạo chuyên sâu, có uy tín lớn từ lâu nên được Bộ GD-ĐT nghiên cứu để giữ vững đào tạo.

ĐH Thương mại Hà Nội cũng giữ nguyên chỉ tiêu 4.000 vào năm 2013. Ông Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, nói: Cơ cấu giáo viên ngành nghề đã thế, giảm chỉ tiêu, giáo viên đi đâu; trong khi nhà nước không bao cấp kinh phí đào tạo, không bố trí việc làm theo đúng chuyên ngành thì người học sẽ tự định hướng nghề nghiệp mà xã hội cần để có đầu ra.

ĐH Kinh tế quốc dân cũng sẽ giữ vững 4.500 chỉ tiêu vì đúng năng lực, theo lời giải thích của ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo. Ông Dong cho rằng: Bộ GD-ĐT chỉ nên giảm chỉ tiêu đào tạo các ngành có dấu hiệu dư thừa đối với những trường mới và không có chuyên môn cao hoặc thuê từ giáo viên đến cơ sở vật chất, cũng như dừng mở ngành mới, trường mới đào tạo các ngành này.

Ông Sơn nói: Nên ngừng ngay việc nâng cấp từ trung cấp lên CĐ, từ CĐ lên ĐH, vì đây là một xuất phát điểm của sự dư thừa.

Ở thời điểm nhạy cảm (các trường tự xác định chỉ tiêu và đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét để duyệt chỉ tiêu đào tạo chính thức cho năm 2013), ông Dong đề nghị: Việc cắt giảm chỉ nên nhằm vào những trường không đủ điều kiện.

Theo ông Dong, trong các kỳ tuyển sinh vừa qua, một số trường dân lập không tuyển đủ chỉ tiêu là do thí sinh không chọn học, chứ không phải vì thiếu thí sinh do tính toán không hợp lý như một số trường nêu.

Ông Dong cho rằng, năm 2013, ngành GD-ĐT cần giữ vững 2 quan điểm: để giao chỉ tiêu, Bộ GD-ĐT căn cứ vào các tiêu chuẩn đã định ra về cơ sở vật chất, giảng viên và vẫn giữ điểm sàn để tuyển học sinh đủ năng lực học tập.

Ông Dong nói: Trong quá trình thẩm định chương trình, có hiện tượng một giáo viên có tên ở nhiều trường hoặc một trường nọ ghi tên giáo viên cơ hữu của trường khác theo kiểu đánh trống ghi tên cho đủ người; thậm chí, có nơi đóng hộ cả bảo hiểm xã hội cho giáo viên nhưng không trả lương chỉ cốt để có tên người trong danh sách…

Theo Hồ Thu
Tiền Phong