Nhớ người thầy “dạ dày đau nặng vẫn lo giảng bài”

(Dân trí) - Nửa thế kỷ trôi qua, trong ký ức của những cô cậu học trò tóc nay đã bạc là hình ảnh thầy Nguyễn Đình Liểng ép cái bụng kẹp lép vì đói, vì cơn đau dạ dày hành hạ vào cạnh bàn để có thể đứng vững trên bục giảng. Ngày thầy đi viện, cả lớp góp tiền mua mấy thức quà để thầy bồi bổ nhưng thầy nhất định không lấy bởi “cha mẹ các em là nông dân, đang chạy ăn từng bữa, thầy lấy sao đặng?”.

Thầy Nguyễn Đình Liểng quê ở xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, là giáo viên Vật lý. Thầy bắt đầu làm chủ nhiệm lớp 10B, Trường cấp 3 Thanh Chương (nay là Trường THPT Thanh Chương, Nghệ An) chúng tôi từ tháng 10/1966. Nhớ về thầy, có lẽ hình ảnh sâu đậm nhất đọng lại trong ký ức của mỗi chúng tôi là một người gầy yếu, xanh xao bởi căn bệnh dạ dày kinh niên nhưng luôn nghĩ cho học trò, cả trong việc học lẫn sinh hoạt thường ngày.

Thời điểm đó “tất cả cho tiền tuyến” nên ở hậu phương, mỗi người đều phải kham khổ hết mức. Tiêu chuẩn của các thầy cô giáo là 13 cân lương thực mỗi tháng, trong đó chỉ có 4 cân gạo, còn lại là độn ngô, mì hạt hoặc khoai. Các thầy sống cùng khu tập thể kể, nhiều bữa chiều nhà bếp nấu cơm độn mì hạt, thầy không ăn được. Đêm rét, cái chăn chiên không đủ ấm, đau quá, thầy trằn trọc cả đêm không ngủ. Vậy mà thầy Liểng chưa từng bỏ dạy bữa nào.

Hôm ấy, thầy bước vào lớp, mở số và hỏi bài cũ. Cái Lam bị thầy gọi lên nhưng trả lời không được, hai tay vân vê chân áo, đầu cúi xuống. Lớp học trở nên nặng nề, căng thẳng. Thầy trao quyển vở cho Lam và bảo “Em về chỗ !”.

Cả lớp len lén nhìn thầy, chuẩn bị tinh thần nghe những lời phê bình gay gắt. Thầy nhìn cả lớp, cất giọng như bị hụt hơi:

“Thầy không hỏi “Tại sao em không thuộc bài? Tại sao em không học bài?”, vì có hỏi rồi em cũng có câu bào chữa chính đáng. Thầy chỉ muốn nói với các em rằng “Lớp học là chiến trường/ Bút, sách là vũ khí/ Học sinh là chiến sỹ/ Nhà trường thi đua với tiền phương”. Các em phải học làm sao để không phụ sự hy sinh xương máu của các chiến sỹ ở ngoài mặt trận. Thầy không muốn nói nhiều, vì các em cũng đã đủ lớn, đủ khôn, biết suy nghĩ, học cho mình, học cho gia đình và để mai sau có đủ khả năng xây dựng đất nước khi hòa bình lập lại…”.

Thầy vừa ngắt lời thì tiếng Lam khóc nấc lên. Thầy bước lại gần, đặt bàn tay gầy lên đôi vai đang rung rung của Lam, động viên: “Thầy nói vậy chắc em đã hiểu. Thầy thấy đó là một tín hiệu đáng mừng cho em, cho lớp ta, thầy tin chắc rồi đây em sẽ học tốt hơn. Thôi, hãy gắng lên em nhé!”.

Tiết học lại bắt đầu. thầy vừa viết lên bảng vừa giảng giải một cách chi tiết về mạch điện song song. Bỗng mặt thầy tái mét, người lao dúi về phía bàn. Lũ học trò cũng tôi há hốc mồm, một nỗi sợ hãi bao trùm. Hai bàn tay thầy bíu chặt, rướn người ép bụng lên thành bàn cố đứng cho vững. Chúng tôi không ai nói với ai, nhưng đều hiểu cơn đau dạ dày bắt đầu hành hạ thầy. Anh Lợi - lớp trưởng lo lắng đứng lên đề nghị nếu thầy đau quá thì hôm sau học tiếp cũng được.

Thầy tì đôi tay khẳng khiu lên mặt bàn, đỡ thân hình mình ngồi thẳng dậy: “Không được! Năm nay là năm cuối cấp, các em phải học nhiều. Môn Lý lại là một trong bốn môn phải thi tốt nghiệp, hơn nữa thầy cũng chỉ hơi đau thôi. Nào chúng ta tiếp tục! Các em chú ý nghe thầy giảng và ghi chép những ý cần thiết nhé”.

Thầy lại giảng, chúng tôi lại chú ý lắng nghe và ghi chép. Thầy xếp sổ, sách thành một chồng cao trên bàn, ép bụng lên đó và giảng bài với gương mặt nhợt nhạt, giọng nói lúc rõ, lúc trầm. Thật sự lúc đó, cả lớp chúng tôi ai cũng quặn lòng, có mấy đứa con gái mắt đã đỏ hoe. Nhìn thầy, chúng tôi không khóc mà lòng nức nở, thương thầy bằng cả một tình thương vô bờ bến. Hình ảnh ấy của thầy đã khắc sâu trong ký ức cuộc đời của mỗi một chúng tôi.

Đói và rét làm cho căn bệnh dạ dày của thầy thêm trầm trọng. Thầy phải nhập viện điều trị. Chúng tôi thống nhất tổ chức đi thăm. Mỗi người góp 1 hào, được 6 đồng. Hai bạn gái được cử đi mua được 6 cân nếp, 1 nải chuối chín, 2 chục quả trứng gà và 1 chai mật ong - những thứ thiết thực cho bệnh nhân dạ dày.

Thấy lũ học trò tới thăm, dù đang mệt nhưng thầy muốn ngồi lên. Anh Lợi - vừa là lớp trưởng, vừa là Thường vụ Đoàn trường nói: “Hai hôm nay không thấy thầy đến lớp, chúng em biết thầy ốm phải đi viện. Chiều nay mấy bạn đại diện cho lớp đến thăm thầy, mong thầy mau khỏe về với chúng em. Chúng em xin gửi đến thầy một chút quà để bồi dưỡng thêm ạ”.

“Thầy cảm ơn các em! Nhưng thầy chỉ xin các em nải chuối, vì chuối đã chín, các em mang về cũng hỏng; còn tất cả những thứ khác các em phải mang về. Ở đây thầy đã có đầy đủ chế độ của bệnh viện rồi. Các em đang là học sinh lấy đâu ra tiền để mua quà cho thầy, chắc chắn các em phải về nhà xin cha mẹ, mà cha mẹ các em trong lớp ta hầu hết là nông dân thì đồng tiền kiếm được cũng gắn liền với cân lúa, mớ khoai, củ sắn. Thầy nhận những món quà này của các em sao được. Các em mang về đi, dứt khoát thầy không nhận”.

Không kịp để chúng tôi nài nỉ, thầy quay sang hỏi tình tình lớp học hai hôm vắng thầy.

Sau Tết Mậu Thân, bệnh tình của thầy càng thêm trầm trọng. Cái rét ngày đông là nỗi ám ảnh đáng sợ cho căn bệnh dạ dày. Không thể chịu đựng được nữa, sau khi nghe bác sĩ tư vấn, thầy đành chấp nhận mổ.

Trước khi mổ, thầy về nhà thông báo tình hình cho gia đình. Nhìn cha già, vợ yếu và hai đứa con thơ co ro trong đói rét, thầy gắng sức bổ mấy khúc củi để đốt sưởi cho mái nhà tranh có chút hơi ấm. Làm việc quá sức, cộng với sức khỏe suy kiệt, thầy gục xuống đống củi...

Thầy ra đi ở cái tuổi 24, để lại một người vợ trẻ và hai đứa con, cháu đầu 4 tuổi, cháu út chưa đầy năm!

Mãi đến năm 2004, lớp học sinh chúng tôi thủa ấy mới tìm được đến nhà để thắp cho thầy nén hương. Ngôi nhà cũ kĩ giờ chỉ còn anh con trai cả trông nom. Sống trong thiếu thốn bủa vây, lại thiếu sự chăm sóc dạy bảo của cha mẹ nên con trai cả của thầy thất học sớm, sống khép kín và nghèo khổ.

Công ơn trời biển, nhân cách tuyệt vời của thầy đã thôi thúc chúng tôi phải làm gì đó để ở suối vàng thầy phần nào được thanh thản. Anh em chúng tôi, người góp công, người góp của, cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ từ chính quyền địa phương xây cho con trai thầy một căn nhà để che mưa nắng, lấy chỗ hương khói cho thầy được tươm tất. Con trai thầy đã được nhận vào làm bảo vệ tại một trường tiểu học và nên duyên vợ chồng với một người phụ nữ cùng quê, lần lượt đón hai đứa con chào đời. Dù vậy, cuộc sống vẫn đang hết sức khó khăn...

Dù thời gian có phai đi, nhưng hình ảnh của người thầy muôn vàn kính yêu - thầy Nguyễn Đình Liểng - không bao giờ phai nhạt trong trái tim của mỗi chúng tôi!

… Thương thầy, thầy quá thương trò

Dạ dày đau nặng vẫn lo giảng bài

Về đây không ai bảo ai

Thương thầy nước mắt ngắn, dài thầy ôi

Chúng con về cả đây rồi

Hỡi ôi thầy Liểng, chúng con khóc thầy

Từ trường trái đất vẫn quay

Mà thầy đã khuất, biết ngày nào khuây!

Vũ Phong