Những bài văn “Sống để yêu thương”

(Dân trí) - Gọi đó là "những bài văn sống" bởi các em không viết lên từ trí tưởng tượng, hình dung hay chỉ thông qua sách vở mà bằng chính trải nghiệm của bản thân.

Đó là những bài văn của các học sinh lớp 9A3, Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý, Q.7, TPHCM được thực hiện từ Dự án “Học văn để sống - Sống để yêu thương” cô giáo viên dạy Văn, đồng thời là chủ nhiệm lớp Nguyễn Minh Ngọc. 

Học trò lớp 9 kể chuyện... đời 

Một nữ sinh khiếm thị tên Thanh kể về những mất mát của mình khi thị lực bắt đầu kém đi khi vào lớp 1 và cuộc sống trong bóng tối với rất nhiều đổi thay có chán nản, bế tắc và nhem nhóm cả sự lạc quan. Hình ảnh cô gái mù trong bài tự sự có tựa đề Người tối cho người đọc thấy, mất mát cũng là một phần trong cuộc sống mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Nhưng quan trọng mỗi người sẽ đối diện và vượt qua như thế nào.

Thanh - cô gái khiếm thị trong bài viết
Thanh - cô gái khiếm thị trong bài viết Người tối.

Bài viết với tự đề Cuộc sống qua ô cửa sổ là tự sự của cụ bà 72 tuổi, từ lâu đôi chân không thể đi lại nên mọi sinh hoạt đều gắn liền với chiếc giường. Trên chiếc gường đó, cụ dùng đô tai, con mắt của mình để lắng nghe những âm thanh, hình ảnh từ cuộc sống mà cụ thể hơn là thông qua cửa sổ trong căn phòng. 

Từ hoàn cảnh, tính cách, tự sự của cụ, bài viết chứa đựng nhiều triết lý. Đó là khi mái đầu còn xanh,người ta thường mong muốn mình lớn thật mau, trưởng thành thật nhanh. Nhưng khi mái đầu đã bạc, người ta lại mong ước được trở về tuổi thơ, làm những thứ còn dang dở, sống lại những khoảnh khắc của ngày bé”.

Bức ảnh cụ bà 72 tuổi và cái nhìn từ
Bức ảnh cụ bà 72 tuổi và cái nhìn từ Cuộc sống qua ô cửa sổ.

Câu chuyện Chị Cúc kể về cuộc sống của người phụ nữ tuổi 30 ngồi xe lăn là chăm sóc cho các em nhỏ trí tuệ kém phát triển tại một ngôi chùa. Chỗ ở của chị và các cháu đã xuống cấp, mỗi lần mưa phải dừng chậu hứng nước, những chiếc giường đã mục... nhưng chị vẫn xác định đây sẽ là nơi gắn bó của đời mình. Chị Cúc có một tuổi thơ dữ dội khi sống với mẹ kế và bị chính những người trong gia đình coi như người “bỏ đi”.

Bức ảnh cụ bà 72 tuổi và cái nhìn từ
Chị Cúc - một người phụ nữ ngồi xe lăn chăm sóc các em nhỏ ở chùa Lá. Ngoài bài viết, các em học sinh còn kể chuyện bằng hình ảnh. 

Các bài viết còn làm rõ nét hơn bằng những hình ảnh thực về nhân vật và cuộc sống quanh nhân vật do chính các em học sinh tự chụp. Nhưng, chưa hết, tác phẩm của các em chỉ thật sự hoàn thiện khi các em trải qua bài thuyết trình trước lớp, đồng thời xây dựng một kế hoạch thiện nguyện để đưa vào hỗ trợ cho các nhân vật, hoàn cảnh trong bài viết.

Đây là yêu cầu của án “Học văn để sống” – một cách học văn đưa người học đi trải nghiệm thực tế, khác hẳn với cách học chỉ dựa vào sách vở hay trí tưởng tượng để viết lên những bài văn. 

Học văn ở xóm rác, viện dưỡng lão

Để cho ra được những sản phẩm như vậy, học sinh lớp 9A3, Trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý chia thành 5 nhóm đến trải nghiệm tại những nơi có những hoàn cảnh kém may mắn trong thành phố như viện dưỡng lão Vinh Sơn, xóm rác Sở Thùng, Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, chùa Lá... với sự hướng dẫn của các anh chị sinh viên.

Bức ảnh cụ bà 72 tuổi và cái nhìn từ
Học sinh tham gia dự án "Học văn để sống" học về giá trị sống, kỹ năng sống trước hành trình trải nghiệm. 

Các em cùng trò chuyện và sinh hoạt cùng với những hoàn cảnh này để rồi từng nhóm tìm ra góc nhìn của mình để ghi nhận, khai thác và hoàn thiện tác phẩm. Công việc đòi hỏi ở các em cùng lúc rất nhiều nhiệm vụ như một phóng viên nhỏ (thu thập thông tin, chụp ảnh, viết bài), nhà tổ chức (phân công công việc), thậm chí như một nhà tâm lý (trò chuyện với các nhân vật) rồi tự thiết chỉnh ảnh ảnh, thiết kế mỹ thuật cho tác phẩm... cùng hàng loạt kỹ năng khác. 

Với nhiều em, từ trải nghiệm này mà lần đầu tiên các em biết thế nào là chen chân lên xe buýt, đi bộ nhiều cây số cũng như cùng sinh hoạt, trò chuyện trực tiếp với những con người đặc biệt. Chỉ khi trải nghiệm như vậy, có sự trưởng thành trong suy nghĩ, cảm xúc, các em học sinh lớp 9 mới có thể “hóa mình vào nhân vật” một cách chân thật, sinh động và cũng đầy sâu sắc đến vậy. Đặt mình vào người khác, cuộc sống khác cũng là để nhận ra con mình và cuộc sống của chính mình.

Cô Minh Ngọc cùng học trò trong buổi tổng kết dự án. 
Cô Minh Ngọc cùng học trò trong buổi tổng kết dự án. 

Cô học trò Minh Anh chia sẻ sau khi tham gia dự án: “Mình biết trân trọng những gì mình đang có. Bởi xung quanh rất nhiều người đang thiếu thốn”. Hay cậu học trò Gia Bảo đúc kết: “Cuộc sống ai cũng cần có ước mơ và hãy thực hiện nó”.

Học văn là để sống văn cũng là mong muốn của cô Nguyễn Minh Ngọc, tác giả của dự án “Học văn để sống - Sống để yêu thương”.

Một số thông tin của dự án “Học văn để sống - Sống để yêu thương”

Nằm trong dự án, để tham gia trải nghiệm các em HS trải qua những buổi học về cách viết văn tự sự, kỹ năng chụp ảnh, học về 12 giá trị sống cùng các kỹ năng sống. 

Ngoài giáo viên chấm điểm, điểm số của từng nhóm, từng thành viên còn được tính từ đánh giá của các anh chị sinh viên.Trong nhóm, người này sẽ chấm điểm người kia và các nhóm chấm điểm cho nhau.

Tác phẩm của từng nhóm được bình chọn trên Fanpage của dự án.

Học sinh tham gia được trao chứng nhận của dự án.


Hoài Nam
(Ảnh: Từ Fanpage của dự án)