Những “kình ngư” Australia dạy trẻ em Việt Nam tập bơi

Từ 2012 cho đến nay, mỗi năm lại có một nhóm giáo viên thể dục thể chất người Australia đến Việt Nam để dạy bơi cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Bev Christmass trong một khóa dạy bơi cho trẻ khuyết tật Việt Nam. (Ảnh: Alex Haygarth)
Bev Christmass trong một khóa dạy bơi cho trẻ khuyết tật Việt Nam. (Ảnh: Alex Haygarth)

Hàng năm, cứ luân phiên lại có một nhóm giáo viên dạy bơi ở Perth, bang Tây Australia, rời thành phố nhỏ xinh đẹp và hiện đại của mình, nơi gần như đứa trẻ nào cũng biết bơi từ khi còn rất nhỏ, để đến nơi có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao một cách đáng ngạc nhiên. Đó là Việt Nam.

Các cơ quan viện trợ ước tính rằng mỗi năm ở Việt Nam có từ 7.000-11.000 em bị chết đuối mà nguyên nhân chủ yếu là do không biết bơi. Khi Bev Christmass ở Trung tâm Beatty Park Leisure, phía Bắc thành phố Perth, biết những con số này, bà cảm thấy mình cần phải làm một cái gì đó. Bà nói: “Khi tôi nhìn thấy con số thống kê này. Tôi thực sự kinh hãi và nghĩ ngay rằng mình có kỹ năng bơi lội và mình cần phải sử dụng kỹ năng này”. Một số người nghĩ rằng bà có lẽ “không bình thường”, nhưng một nhóm giáo viên dạy bơi ở Trung tâm Beatty Park đã tin bà. Bà đã nói với họ: “Đây là những gì đang xảy ra ở Việt Nam. Đây là những gì tôi muốn làm. Có ai quan tâm thì cùng với tôi?”.

Hơn 5 năm đã trôi qua, Bev Christmass và các đồng nghiệp của bà đã kiên trì dạy bơi cho khoảng 1.500 trẻ em mồ côi, khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Họ cũng dạy các kỹ thuật cứu hộ theo một thỏa thuận với chính quyền tỉnh Tiền Giang. Qua thực tế dạy bơi ở đây, bà nhận thấy rằng đói nghèo và thiếu các phương tiện là những lý do khiến tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao. Bà nói: “Các bậc cha mẹ không biết bơi, mặc dù họ sinh sống trên mặt nước, trên sông, trên những trang trại cá hay trên các đảo. Trên tất cả, họ không hiểu về sự an toàn khi ở sông nước và họ không biết phải làm gì trong các tình huống nguy hiểm”. Theo bà, ở Việt Nam rất thiếu các cơ sở dạy bơi một cách an toàn, ngoài các khu nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp, nói chung ở Việt Nam có rất ít bể bơi, đặc biệt dành cho trẻ em.

Thiếu nhận thức về sự an toàn ở sông nước đã dẫn đến nhiều vụ chết đuối thương tâm, trong đó thường xuyên có những em bị mất mạng chỉ vì tìm cách cứu người khác. Tháng trước, cùng lúc có 9 em học sinh bị chết đuối ở sông Trà Khúc, tỉnh Quãng Ngãi.

Các vụ trẻ em bị đuối nước gần như xảy ra hàng ngày ở Việt Nam, song cái chết của cậu bé 12 tuổi trên sông Cửu Long vào đúng ngày nhóm giáo viên dạy bơi ở Perth đặt chân đến Việt Nam trong đợt gần đây nhất vào tháng 1/2016 đã tác động mạnh đến họ. Huấn luyện viên dạy bơi Trent Ryan, 19 tuổi, cho biết cậu bé bị cướp đi mạng sống trong khi đang tìm cách cứu một người bạn và cái chết thương tâm của cậu bé đã thực sự khiến anh thay đổi cách nhìn cuộc đời. Ryan nói: “Chúng tôi thấy mình may mắn khi sinh ra và lớn lên ở một đất nước mà gần như mọi đứa trẻ đều được dạy bơi và các kỹ năng xử lý tình huống an toàn từ khi còn rất nhỏ. Cậu bé này chỉ cố làm điều mà cậu ấy cho là đúng, thế nhưng lại phải gánh chịu hậu quả”. Chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam này đã trở thành chuyến đi “để đời” đối với cậu sinh viên ngành giáo dục thể chất vốn lớn lên ở Perth và đi dạy bơi như một công việc bán thời gian. Ryan cho biết cậu học được rất nhiều điều từ người dân Việt Nam, những người theo cậu là rất tốt bụng vì “họ sẵn sàng cho bạn mọi thứ kể cả khi họ không có thứ gì cả”.

Australia hiện cũng đang triển khai dự án AWSOM (An toàn sông nước của người Australia trên dòng sông Cửu Long), tập trung chủ yếu vào việc đào tạo giáo viên dạy bơi người Việt Nam và các giáo viên này được cấp chứng chỉ tương đương trình độ bơi của Australia. Một số được tài trợ để sang đào tạo tại Perth với hy vọng khi trở lại Việt Nam sẽ giúp huấn luyện được nhiều giáo viên dạy bơi hơn để dần dần có thể giảm được tỷ lệ trẻ bị đuối nước.

Kể từ khi bắt đầu năm 2012, dự án đã tài trợ để các trường học ở thành phố Mỹ Tho dạy bơi miễn phí cho tất cả học sinh 8 tuổi. Tuy nhiên, các học sinh lứa tuổi khác hay những em ở vùng sâu vùng xa vẫn chưa được tiếp cận hình thức học bơi do dự án tài trợ này.

Dự án AWSOM huy động tiền chủ yếu từ việc quyên góp và xin tài trợ và đây là một trong số những tổ chức từ thiện đã và đang tìm cách giúp Việt Nam giảm tỷ lệ trẻ em bị đuối nước hàng năm. Giám đốc tổ chức Royal Life Saving Society của Australia, Justin Scarr nhận xét Việt Nam đã đạt tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây, song vẫn cần được hỗ trợ về mặt tài chính. Ông cho rằng Việt Nam có kế hoạch tốt, có chính sách tốt, nhưng kể từ năm 2011-2012 đến nay bị thiếu sự ủng hộ của các nhà tài trợ. Ông nói: “Gây quỹ cho các chương trình này đang ngày càng trở nên khó khăn hơn”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý nhiều hơn tới việc khắc phục tình trạng đuối nước khi cho rằng lĩnh vực này dường như bị ngành y tế cộng đồng lãng quên. Theo ước tính của WHO, trên toàn thế giới mỗi năm có 372.000 người bị chết đuối, hơn 1/3 trong số đó là ở khu vực Đông Nam Á. Tại Australia, trong năm 2014-2015 chỉ có 35 trẻ dưới 14 tuổi bị đuối nước.

Theo Khánh Linh

Baotintuc.vn

http://baotintuc.vn/nhin-ra-the-gioi/nhung-kinh-ngu-australia-day-tre-em-viet-nam-tap-boi-20160605225111292.htm